Nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại
Những ngày đầu năm mới 2021, khi Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, không chỉ mang lại triển vọng sáng cho ngành bán lẻ trong quý đầu năm, mà nhiều ý kiến nhận định, ngành này thực sự có cơ hội tăng trưởng.
Công ty Chứng khoán Mirea Asset nhìn nhận, trong năm 2021, ngành bán lẻ có triển vọng tăng trưởng nhờ kỳ vọng vào chi tiêu hộ gia đình tăng lên. Năm 2020, chi tiêu hộ gia đình tại Việt Nam ước tính tăng 7%, thấp hơn so với mức tăng 7,9% trong năm 2019. Giai đoạn 2021 - 2025, chi tiêu hộ gia đình có thể đạt mức tăng trưởng trung bình 7,4%/năm.
Theo Fitch Solution, tốc độ tăng trưởng này cao hơn so với các nước ASEAN khác như Thái Lan (3,9%), Malaysia (6,3%), Philippines (5,5%) và Singapore (3%) trong cùng khoảng thời gian.
Trong khi đó, BMI cho rằng, năm 2021, thu nhập của người dân dần ổn định trở lại, các hộ gia đình sẽ tăng chi tiêu cho nhu yếu phẩm và vật dụng cao cấp. Tốc độ tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình có thể phục hồi mạnh lên mức 9,69%.
Chi tiêu hộ gia đình trong năm 2021 của Việt Nam được BMI dự báo có thể tăng 9,69%.
Nhìn lại năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động lớn đến ngành bán lẻ. Đặc biệt, với đợt giãn cách xã hội vào tháng 3, các cửa hàng, siêu thị đóng cửa, buộc doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới.
Chẳng hạn, doanh nghiệp bán lẻ ngành hàng gia dụng là Tập đoàn Kangaroo đã chuyển sang mở chuỗi cửa hàng thuốc, cung cấp các sản phẩm kháng khuẩn. Sự linh hoạt này giúp Kangaroo có cú lội ngược dòng tăng trưởng.
Tại Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), năm 2020, Công ty ước tính không đạt kế hoạch kinh doanh, bởi ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến mảng hàng thiết bị công nghệ (ICT) sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận.
Tuy nhiên, chuỗi bán lẻ dược phẩm vẫn thực hiện đúng kế hoạch về tiến độ mở mới cửa hàng.
Theo ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT Retail, năm 2020 là năm khó khăn, thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì lo sợ, FPT Retail đã chọn cách đối mặt và tập thể cán bộ, nhân viên đồng lòng vượt khó. Công ty nhanh chóng thích ứng với tình hình, đổi mới phương thức bán hàng, điển hình là đẩy mạnh bán online trong giai đoạn giãn cách xã hội khi nhận thấy nhu cầu laptop tăng cao do nhiều người phải làm việc tại nhà, học trực tuyến…
Bên cạnh đó, FPT Retail tích cực áp dụng công nghệ số vào hệ thống vận hành trên toàn quốc để tối ưu chi phí, mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, bởi thời gian có đủ lượng vắc-xin cũng như hiệu quả ngừa dịch của vắc-xin vẫn chưa chắc chắn.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam đến từ tiêu dùng và xuất khẩu.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng duy trì ở mức cao nhờ khả năng kiểm soát tốt đại dịch, đứng thứ hai toàn cầu trong quý II/2020. Chi tiêu tiêu dùng tại Việt Nam cao hơn các nước thành viên khác trong ASEAN.
Động lực tăng trưởng
Doanh số tiêu thụ laptop của FPT Retail đạt tốc độ tăng trưởng 50% trong năm 2020. Ông Nguyễn Việt Anh cho biết, Công ty sẽ tiếp tục tập trung cho ngành hàng này thông qua việc mở mới 70 trung tâm laptop trên toàn quốc.
Đáng chú ý, sản phẩm iPhone 12 tăng trưởng tốt, hy vọng đà tăng trưởng của sản phẩm iPhone sẽ được duy trì trong năm 2021. Ngoài ra, Công ty đặt kế hoạch mở rộng chuỗi dược phẩm Long Châu thêm 150 cửa hàng trên toàn quốc trong năm nay.
“Năm 2020 là một năm khó khăn và chúng tôi hy vọng năm 2021 sẽ khả quan hơn”, lãnh đạo FPT Retail nói.
Với Công ty cổ phần Thế giới di động (MWG), Công ty Chứng khoán BSC đánh giá, triển vọng kinh doanh năm 2021 của MWG sẽ khả quan nhờ hai yếu tố.
Thứ nhất, tối ưu hóa mô hình Bách hóa xanh sau khi đã mở rộng hệ thống cửa hàng trong năm 2020. Thứ hai, mảng Điện máy xanh phục hồi hậu dịch Covid-19.
Tuy nhiên, MWG cũng có rủi ro về khả năng hồi phục sức mua, tốc độ tăng trưởng doanh thu chậm đối với các cửa hàng khu vực tỉnh và khả năng tối ưu hóa chi phí ở mức thấp cho chuỗi Bách hóa xanh.
Tại Công ty cổ phần Thế giới số (DGW), mảng điện thoại tiếp tục tăng trưởng nhờ thị phần phân phối sản phẩm Xiaomi tiếp tục tăng. Bên cạnh đó, DGW trở thành đại lý phân phối cho Apple được đánh giá là động lực tăng trưởng chính cho giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, mô hình kinh doanh MES (cung cấp dịch vụ phát triển thị trường) tạo ra ưu thế cạnh tranh cho Công ty.
Giới phân tích dự báo, thương mại điện tử, bán lẻ hiện đại dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh. Nhờ sự phát triển của công nghệ và mức độ phổ biến của việc sử dụng Internet trên toàn thế giới, mua sắm trực tuyến có thể đạt được mức tăng trưởng hai con số trong dài hạn.
Trong số 6 quốc gia Đông Nam Á hàng đầu, thương mại điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai sau Indonesia.
Một diễn biến đáng chú ý là các chuỗi bán lẻ hiện đại đang dần thay thế các kênh bán lẻ truyền thống, mang lại sự tiện lợi về thời gian, chất lượng, đa chức năng, đáng tin cậy và minh bạch về giá cả.
Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp thu nhập trung bình tăng cao, thói quen mua sắm của người Việt thay đổi đáng kể theo hướng mua sắm qua các kênh hiện đại.
Ngoài ra, BSC cho rằng, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành bán lẻ sẽ sôi động trong năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nên các doanh nghiệp lớn sẽ mở rộng được thị phần và tính tới M&A các doanh nghiệp nhỏ với giá rẻ.
Cùng với đó là xu hướng cao cấp hóa, trong trung và dài hạn 5 - 10 năm tới, tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẽ gia tăng đáng kể, từ đó, các doanh nghiệp cần có các dòng sản phẩm cao cấp để đáp ứng.
Kỳ vọng sự phục hồi trong năm 2021, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ cũng nhìn nhận có những rủi ro tiềm ẩn. Trong đó, dịch bệnh Covid-19 có thể tiếp tục tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng, ưu tiên mua các sản phẩm thiết yếu và thận trọng trong chi tiêu; ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ sẽ tác động đến thu nhập của hộ gia đình và những hộ kinh doanh bán lẻ trong khu vực.