Uniqlo mở 22 cửa hàng tại Việt Nam trong 4 năm hoạt động.
Tất bật mở rộng mạng lưới
Tròn 4 năm có mặt tại Việt Nam, nhà bán lẻ quần áo Uniqlo của Nhật Bản đã có tới 22 cửa hàng, trong đó có nhiều cửa hàng quy mô lớn và mang tính biểu tượng như Uniqlo Hoàn Kiếm, Uniqlo Saigon Centre, Uniqlo Đồng Khởi... Thương hiệu này hiện diện ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và có một cửa hàng trực tuyến.
Đồng hành với Uniqlo là Muji, với 7 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội, tổng diện tích hơn 14.000 m2. Trong năm 2023, Uniqlo mở mới 7 cửa hàng, còn Muji mở mới 3 cửa hàng.
Trong khi đó, Aeon có 8 trung tâm mua sắm sau hơn 11 năm hiện diện tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 1,18 tỷ USD. Nhà bán lẻ này đang gấp rút tìm kiếm thị phần ở khu vực miền Trung với kế hoạch khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại Huế.
Về siêu thị và cửa hàng tiện ích, BRG Retail đang phối hợp với Tập đoàn Sumitomo mở rộng chuỗi siêu thị mang thương hiệu FujiMart. Chuỗi dự kiến có khoảng 50 cửa hàng tại các thành phố lớn vào năm 2028. Bên cạnh đó, Takashimaya, Family Mart, MiniStop và 7-Eleven cũng đang mở rộng quy mô.
Năm 2023 không phải thời điểm sức mua sôi động, nhưng các nhà bán lẻ Nhật Bản vẫn hào hứng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Không chỉ mở rộng mạng lưới, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng lên 41,9%.
Đối với Uniqlo, Việt Nam thuộc nhóm sản xuất chủ chốt ở châu Á, riêng hệ thống tại thị trường Việt Nam có 50% sản phẩm được sản xuất bởi các doanh nghiệp nội địa.
Tập đoàn Ryohin Keikaku (sở hữu thương hiệu Muji) cũng có nhiều nhà máy đối tác tại chỗ. Tỷ lệ hàng nội địa đang chiếm khoảng 30% trong chuỗi này ở Việt Nam. Với sản phẩm gỗ cao su ở Việt Nam, Tập đoàn dành gần 2 năm để nghiên cứu, kiểm nghiệm trước khi đưa vào quy trình sản xuất. Doanh thu từ bộ sưu tập gỗ cao su góp hơn 20% vào tổng doanh thu ngành hàng nội thất.
Trong một động thái gần đây, Sojitz Corporation đã hoàn tất thâu tóm Đại Tân Việt (New Viet Dairy) - nhà nhập khẩu, phân phối nguyên liệu sữa, các sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam. Vào Việt Nam từ 1986, Sojitz có một loạt công ty sản xuất dịch vụ và sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi MiniStop.
Việc mở rộng thị trường tại Việt Nam có thể mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản lợi thế của người đi đầu. Điều này buộc các công ty bán lẻ trong nước và nước ngoài khác phải điều chỉnh hoạt động để “bám đuổi” và cạnh tranh.
Tăng chiếm lĩnh thị trường nội địa
Kết quả Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2023 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố tại Việt Nam cuối tháng 1/2024 cho thấy, hơn một nửa số doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam trong 1 - 2 năm tới. Trong đó, 100% doanh nghiệp bán lẻ Nhật Bản ở Việt Nam được hỏi đều có kế hoạch mở rộng; tiếp theo là doanh nghiệp ngành chế tạo, phi chế tạo (65,5%).
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM nhận thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư để mở rộng và chiếm lĩnh thị trường nội địa Việt Nam tăng lên, đặc biệt, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản có xu hướng đầu tư nhiều hơn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023, các nhà đầu tư Nhật Bản đã rót gần 6,57 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, tăng 37,3% so với năm 2022. Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá, Việt Nam là thị trường phát triển và tiềm năng trong tương lai, với điểm cộng là tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ.
Tuy nhiên, theo Jetro, tỷ lệ này giảm 3,3 điểm phần trăm so với kết quả khảo sát năm 2022. Dù tham vọng mở rộng thị trường tại Việt Nam của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn cao, nhưng có một điểm đáng lưu ý, Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước Đông Nam Á chủ chốt có tỷ lệ dự kiến mở rộng giảm.
Những lý do chính khiến doanh nghiệp Nhật Bản e dè hơn trong việc rót vốn đầu tư là thủ tục hành chính phức tạp, chi phí nhân công tăng và hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch.
Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến có lãi khi làm ăn ở Việt Nam năm 2023 là 54,3%, thấp hơn 6,6 điểm phần trăm so với mức trung bình ở Đông Nam Á. Nguyên nhân đến từ việc sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước, chi phí lao động và đầu vào tăng, cộng với việc phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ khác.
Doanh nghiệp Nhật Bản đang đặt nhiều kỳ vọng cải thiện lợi nhuận tại Việt Nam. Ông Matsumoto dự báo, tình hình thu hút FDI từ Nhật Bản của Việt Nam phụ thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu và mức độ cải thiện tình trạng mất giá của đồng yên. Trong bối cảnh đó, đầu tư từ Nhật Bản năm 2024 sẽ tập trung vào nhu cầu nội địa tại Việt Nam.
“Điều quan trọng nhất để thu hút FDI là Việt Nam phải từng bước cải thiện môi trường đầu tư”, ông Matsumoto lưu ý.