Co.op Mart hiện đang cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu siêu thị nước ngoài

Co.op Mart hiện đang cạnh tranh ngang ngửa với các thương hiệu siêu thị nước ngoài

Doanh nghiệp bán lẻ đứng vững trên sân nhà

(ĐTCK) Trước áp lực cạnh tranh gay gắt từ những “gã khổng lồ” ngoại, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang nỗ lực để đứng vững và giành vị thế trên sân nhà.

Không để thời gian trôi

Mặc dù từ 1/1/2009, doanh nghiệp phân phối 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam, và những siêu thị mang tên BigC, Metro, Lotte, Parkson bắt đầu xuất hiện, nhưng nhiều thương hiệu bán lẻ trong nước như Coopmart, Maximart, Citimart, Fivimart, Vinatexmart, Satramart… đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam và cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ ngoại. Mua sắm tại Coopmart đối với nhiều khách hàng còn thú vị hơn rất nhiều so với các đại siêu thị như Big C, Metro… nhất là khi so sánh về độ tươi ngon của hàng thực phẩm.

Theo đánh giá của ông Trần Ngọc Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), kinh nghiệm của Saigon Co.op, đơn vị chủ quản hệ thống Coopmart, đáng để tham khảo. Cụ thể, Ban lãnh đạo Saigon Co.op định hướng lấy khách hàng là trung tâm, tổ chức liên kết và sản xuất bán lẻ tốt để có mặt bằng giá cạnh tranh; giữ được chữ tín với khách hàng; xây dựng đội ngũ phục vụ có trách nhiệm, để có dịch vụ đi theo tốt, tạo được ấn tượng và thu hút khách hàng.

Cuối năm 2013, Saigon Co.op công bố mô hình kinh doanh mới: Đại siêu thị. Hợp tác với NTUC FairPrice - Singapore, Công ty này đầu tư mô hình kinh doanh chuỗi đại siêu thị và cửa hàng mang tên Co.op Xtra plus, vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn tại quận Thủ Đức, TP. HCM. So với hệ thống siêu thị Co.opmart, các Co.opXtra Plus có diện tích lớn gấp 4 - 5 lần, có các dịch vụ gia tăng như rửa xe, khu vui chơi giải trí… nhắm vào đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Saigon Co.op dự kiến đến năm 2015 sẽ có 5 đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraPlus và đến năm 2020, con số này sẽ tăng lên 15 trong cả nước. Tính đến nay, Saigon Co.op đã có 70 siêu thị Co.opmart, 80 cửa hàng Co.op Food và đặt mục tiêu đạt 100 siêu thị Co.opmart vào năm 2015. Doanh thu của Saigon co.op mỗi năm đạt hơn 1 tỷ USD.

Hệ thống bán lẻ của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng có vị thế đáng nể với doanh thu hàng năm đạt khoảng 2 tỷ USD. Bên cạnh lợi thế sẵn có, các doanh nghiệp trong hệ thống này mới đây đã lên kế hoạch hợp tác để tăng thị phần. Thay vì chỉ đầu tư siêu thị, Satra đã đưa vào hoạt động các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi Satrafoods. Cùng với số lượng 33 cửa hàng hiện có, Satra đang lên phương án sáp nhập cửa hàng Vissan vào Satrafoods. Thời gian tới, khi 105 cửa hàng Vissan được sáp nhập vào hệ thống Satrafoods thì số cửa hàng tiện lợi của thương hiệu này đạt hơn 130 điểm.

Ở quy mô nhỏ hơn, các hệ thống siêu thị Citimart, Maximark… mới đây khai trương nhiều điểm bán mới. Trong đó, Citimart, ngoài chuỗi 15 siêu thị hiện có, còn phát triển 4 siêu thị mini và 8 cửa hàng tiện lợi. Trong chiến lược phát triển đến năm 2015, nhà phát triển bán lẻ này đang nhắm đến con số 70 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trong đó chú trọng đến cửa hàng nhỏ có diện tích 1.000 - 2.000 m2. Fivimart chậm hơn cũng đã mở rộng mạng lưới siêu thị lên con số 20 trên toàn quốc.

Một tân binh trên thị trường là Ocean Mart lại theo chiến lược chiếm lĩnh thị trường bằng các mặt hàng giá hợp lý. Sinh sau, nhưng không kém phần tự tin, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó tổng giám đốc CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương cho biết, Ocean Mart đặt mục tiêu trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam đến năm 2015.

Ở các thị trường nhánh, một mô hình thành công được đánh giá cao là Thế giới di động. Gia nhập thị trường vào năm 2004, trong khi mức độ cạnh tranh đã rất gay gắt, Thế giới di động đã dần chiếm lĩnh được thị phần số 1 trong  mảng kinh doanh điện thoại di động với 2,5 triệu chiếc vào năm 2013, chiếm khoảng 20% thị trường toàn quốc. Theo ông Trần Nhật Linh - Giám đốc kênh bán hàng phi truyền thống Thế giới Di động, BigC hay Metro đi theo mô hình đại siêu thị, còn Thế giới di động phát triển những cửa hàng nhỏ, độ phủ sóng rộng, tại khắp 63 tỉnh, thành. Hiện tại, Thế giới di động đang có 250 cửa hàng bán lẻ và dự kiến tới 2015 sẽ có thêm 500 cửa hàng trên toàn quốc.

Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, Thế giới di động tận dụng mô hình bán lẻ hiện đại, như bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại… Trong quý I/2014, doanh thu từ các kênh bán hàng mới này đạt tới 70 tỷ đồng mỗi tháng. Lấy khách hàng là trọng tâm để biết được mình phải thay đổi những gì là phương thức thành công của Công ty. Ông Linh lấy ví dụ, trước đây khách hàng vào cửa hàng Thế giới di động, tủ trưng bày hàng hóa được đóng lại, khách hàng không thể sờ mó vào sản phẩm, nhưng bây giờ đã thay đổi bằng cách khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm trước khi mua. Trước đây, website bán hàng học theo mô hình nước ngoài, khách hàng phải thanh toán trước, thanh toán trực tuyến, nhưng giờ phải thay đổi vì khách hàng chủ yếu có nhu cầu giao hàng và thanh toán tận nơi.

Không ít thách thức 

Doanh số của một số thương hiệu bán lẻ hàng đầu Việt Nam như Coopmart hiện đạt 1 - 2 tỷ USD/năm, tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 1 cửa hàng Takashimaya của Nhật Bản. Trong khi đó, thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như Aeon, Lotte, Mapletree, Takashimaya... Cạnh tranh đang rất quyết liệt.

Cục diện thị trường có thể thêm nhiều biến động mới khi tới đây, Wal-Mart, tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới của Mỹ vào Việt Nam. Theo ông Năm, Tập đoàn này đã làm việc với Bộ Công Thương để tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Walmart không chỉ thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam mà hơn thế nữa, muốn nhập hàng Việt vào chuỗi siêu thị của mình trên toàn cầu, bởi vậy, quyền lực của họ với nhà sản xuất sẽ rất lớn. Hiện tại, Walmart đã thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và xúc tiến việc mua các sản phẩm quần áo, giày dép, hàng gia dụng, thực phẩm để xuất khẩu vào hệ thống siêu thị của thương hiệu này tại Canada, Chile, Mexico, Trung Quốc. Với hệ thống 11.000 siêu thị bán lẻ trên toàn cầu, sự xuất hiện của Walmart sẽ là đối trọng lớn với các thương hiệu bán lẻ hiện có tại Việt Nam.

Theo đánh giá của ông Trần Nguyên Năm, năm 2015, các tập đoàn nước ngoài sẽ tiếp tục vào Việt Nam vì đây là thị trường có nhiều tiềm năng. Theo kết quả điều tra do Công ty tư vấn A.T Kearney công bố hồi cuối năm 2013, dù rớt khỏi Top 30 thị trường hấp dẫn nhất thế giới, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng cao nhất châu Á (23%), vượt qua cả hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Ấn Độ (18,8%) và Trung Quốc (13%).

Trong cuộc ganh đua đó, ông Vũ Vinh Phú,  Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nhận xét rằng, các nhà bán lẻ Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức như quy mô kinh doanh với vốn nhỏ, hạ tầng phục vụ thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao, văn hóa phục vụ còn nhiều điều cần khắc phục, quản trị doanh nghiệp yếu, đặc biệt là tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp bán lẻ với nhau, giữa bán lẻ với sản xuất còn chưa cao. Trong khi đó, bán lẻ trong nước chủ yếu dựa trên nguồn cung hàng hóa được sản xuất với quy mô nhỏ, năng suất thấp, chất lượng không ổn định. Trong nhiều trường hợp, nhà sản xuất chưa đi thẳng từ khâu sản xuất đến bán lẻ, do đó giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng chưa cạnh tranh. Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp trong nước có lẽ là thế mạnh về hiểu biết văn hóa để thu hút nguồn nhân lực.

Sau Trần Anh, tới đây, Thế giới Di động sẽ niêm yết cổ phiếu. Rất có thể, những đồng vốn đại chúng sẽ được thu hút, tham gia vào lĩnh vực này, góp phần tạo ra những thương hiệu Việt đẳng cấp để không chỉ đứng vững trên sân nhà mà còn có thể vươn ra khu vực và thế giới. Nói như ông Nguyễn Trọng Tuấn, “Việt Nam là thị trường tiềm năng, tại sao các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào mà chúng ta lại bỏ qua. Không lẽ gì doanh nghiệp Việt lại không thành công trên chính mảnh đất của mình”.

Tin bài liên quan