Khó khăn hiện hữu
Những ngày cuối tháng 11, phố Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội), con phố tập trung nhiều thương hiệu bán lẻ điện thoại và thiết bị công nghệ lớn như FPT Shop, Thế giới di động, Viettel, Cellphones… không tấp nập người mua sắm như tầm này mọi năm.
Anh Nguyễn Văn Hưng (Trương Định, Hà Nội), chủ một cửa hàng bán điện thoại chia sẻ, nhu cầu mua sắm các mặt hàng điện thoại năm nay có phần giảm sút, dù các cửa hàng bán lẻ điện thoại đưa ra hàng loạt chương trình sale khủng, kích cầu tiêu dùng.
Tại hệ thống FPT Shop của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) từ ngày 15/11 - 22/12/2022 triển khai chương trình mua sắm các sản phẩm gia dụng, với mức ưu đãi lên đến 90%. Với mặt hàng điện thoại, khách hàng có thể được giảm giá từ 2 - 3 triệu đồng/sản phẩm nếu đặt cọc sớm.
Đại diện FPT Retail cho biết, thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung đang bước vào giai đoạn khó khăn, với nhiều rủi ro khó lường, do ảnh hưởng từ lạm phát, lãi suất tăng và biến động tỷ giá. Điều này khiến sức mua giảm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã chứng khoán DGW) đang gặp khó khăn về nguồn cung, thiếu hàng. Digiworld cho biết đang tích cực làm việc với cả các nhãn hàng như Apple, Xiaomi, HP, Dell, Acer, Asus… để kích cầu cũng như tăng nguồn cung phục vụ thị trường. Tuy nhiên, do nhu cầu suy giảm và iPhone 14 về chậm do ảnh hưởng của lockdown tại Trung Quốc nên doanh thu của Công ty bị ảnh hưởng.
Kích cầu là giải pháp được nhiều doanh nghiệp nhắm tới trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm sút.
Dò đường về đích
Ba quý đầu năm, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ, hoàn thành 80% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 369 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ, nhưng mới hoàn thành 51% kế hoạch đề ra cho năm nay.
Tương tự, MWG ghi nhận doanh thu 102.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.481 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng trưởng lần lượt 18,4% và 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đó, MWG đã hoàn thành 73% kế hoạch năm về doanh thu, nhưng mới hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Còn tại DGW, 10 tháng đầu năm, doanh thu đạt 19.343 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 608 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 24% và 39% so với cùng kỳ. Tuy vậy, để đi đến mục tiêu doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng trong năm nay cũng còn khoảng cách không nhỏ.
Theo ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị DGW, dù bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, nhưng Công ty đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ, mảng ICT sẽ không có nhiều đột biến, mà mũi nhọn tăng trưởng của FRT là mảng dược với chuỗi nhà thuốc Long Châu. Công ty lên kế hoạch sẽ mở tiếp 2.000 - 3.000 nhà thuốc.
Với mảng ICT, Công ty tiếp tục mở rộng cửa hàng, tập trung tìm kiếm khách hàng mới ở tuyến huyện, đồng thời Công ty đưa công nghệ vào tăng trải nghiệm cho khách hàng ở các dịch vụ.
Lãnh đạo DGW cho biết, Công ty đang đẩy mạnh phát triển mảng FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh), hiện đang làm việc với nhà cung cấp để mảng kinh doanh này có sự đột phá trong thời gian tới.
Trong khi đó, MWG thời gian qua đã tập trung tái cấu trúc mạnh mẽ mảng kinh doanh Bách Hóa Xanh. Tính đến hết quý III/2022, Công ty đã đóng cửa 413 cửa hàng Bách Hóa Xanh hoạt động chưa hiệu quả. Các cửa hàng bán lẻ thời trang AVA Fashion không hiệu quả cũng được đóng lại.
Hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ khá thận trọng với tình hình kinh doanh 2 tháng cuối năm, nhưng như đại diện FRT chia sẻ sẽ cố gắng tối đa để về đích kinh doanh như mục tiêu doanh thu, lợi nhuận đề ra.
Trong ngắn hạn, nhiều khó khăn hiện hữu nhưng trung và dài hạn, mảng bán lẻ vẫn nhiều triển vọng tăng trưởng khi thu nhập trung bình của người Việt tăng cao hơn và sức chi trả cho mua sắm cũng nâng lên.