Niềm tin, sự lạc quan và tinh thần tương trợ lẫn nhau là một trong những loại vitamin giúp doanh nghiệp “nâng cao sức đề kháng” của mình.
C-Brewmaster là một trong những doanh nghiệp thuộc các ngành nhà hàng, du lịch, khách sạn, hàng không… bị giáng đòn nặng nề khi dịch Covid-19 ập tới. Hệ thống nhà hàng của C-Brewmaster sụt giảm tới hơn 40% doanh số và có thể còn giảm nhiều hơn nữa nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Hai nhà hàng của C-Brewmaster từng nhộn nhịp bậc nhất phố Lương Ngọc Quyến (Hà Nội) và phố Bùi Viện (TP.HCM) giờ chỉ còn lác đác khách hàng, những dãy bàn ghế trống hoác, buồn thiu.
Nhưng ông chủ nhà hàng C-Brewmaster không bi quan. Thực tế, không phải đợi đến khi các doanh nghiệp thuê mặt bằng như C-Brewmaster đề nghị, hàng loạt đơn vị cho thuê mặt bằng đã chủ động giảm, thậm chí miễn 3 tháng tiền thuê cho khách hàng.
Chưa bao giờ, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay, song cũng chưa bao giờ, sự tử tế, tinh thần chia sẻ, tương trợ lẫn nhau lại cao như hiện nay. Các doanh nghiệp hiểu rằng, chỉ có hỗ trợ nhau, thì tất cả mới cùng vượt qua khó khăn trong đại dịch, giúp người cũng là giúp mình.
Trong bối cảnh hàng ngàn doanh nghiệp có nguy cơ rơi vào nợ xấu vì kinh doanh thua lỗ, các ngân hàng cũng đồng lòng cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, dù bản thân họ đang gặp khó khăn. “Bây giờ không phải là lúc nói về lợi nhuận, mà quan trọng nhất, cần kíp nhất là phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lớn nói.
Cho đến nay, tổng số tín dụng mà các ngân hàng cam kết hỗ trợ doanh nghiệp đã lên tới 285.000 tỷ đồng. Gói tín dụng hỗ trợ này không phải từ nguồn ngân sách cấp bù như năm 2009, mà hoàn toàn bằng “tiền túi” của ngân hàng thương mại.
Tinh thần chia sẻ, hỗ trợ trong đại dịch cũng giúp doanh nghiệp đưa ra những sản phẩm rất sáng tạo. Để giải cứu thanh long khi thị trường Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh, “Vua bánh mỳ” Kao Siêu Lực sáng tạo ra Bánh Mỳ thanh long. Tiếp đó, hàng loạt doanh nghiệp khác cho ra đời Pizza thanh long, chả cá thanh long, bánh tráng thanh long, bún dưa hấu…
Trước đó, ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, toàn bộ hệ thống chính trị đã nhanh chóng vào cuộc, chung tay và chia sẻ đầy trách nhiệm với doanh nghiệp. Ngày 4/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.
Chưa đầy một tuần sau khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19. Bộ Tài chính cũng đưa ra dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, với quy mô hơn 30.000 tỷ đồng.
Với quyết tâm chống dịch và tinh thần sẻ chia, tương thân, tương ái trong đại dịch, dễ hiểu tại sao dù bị rơi vào tình cảnh khó khăn lớn chưa từng thấy, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không bi quan, thay vào đó là bày tỏ niềm tin và hy vọng.
Tổng giám đốc TransViet khi quyết định cho công ty bước vào thời kỳ ngủ đông đã viết tâm thư tới nhân viên rằng, chú gấu ngủ đông không phải là để chờ chết, mà chỉ đang kiên trì, âm thầm chờ đợi sự trở lại kỳ diệu của mùa xuân. Chú gấu TransViet chỉ tạm ngủ đông và sẽ vùng lên mạnh mẽ nhất với tất cả năng lượng dự trữ ngay khi dịch bệnh lùi đi.
Hay như ông chủ Tập đoàn đá quý DOJI, buộc lòng phải cho một nửa công nhân sản xuất tạm nghỉ, song ông vẫn khẳng định: “Người dân và doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng ở Chính phủ, rằng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Niềm tin này trong bối cảnh hiện nay đã giúp tránh tình trạng hoảng loạn, tình trạng đóng băng không xảy ra”.
Dĩ nhiên, các doanh nghiệp vẫn cần xây dựng các kịch bản dự phòng, các tình huống rủi ro có thể xảy ra. Song thực tế cho thấy, với những người có sức đề kháng tốt, dịch bệnh không thể đánh gục. Niềm tin, sự lạc quan và tinh thần tương trợ lẫn nhau là một trong những loại vitamin giúp doanh nghiệp “nâng cao sức đề kháng” của mình.
Việt Nam đã làm rất tốt mặt trận chống dịch, được thế giới đánh giá cao, cộng thêm với tinh thần lạc quan và kiên cường, một khi dịch bệnh bị đẩy lùi, chúng ta có niềm tin rằng, doanh nghiệp Việt cũng sẽ trở lại mạnh mẽ, lấy lại tất cả những thành quả đã bị dịch bệnh cướp đi.