1. Mấy tháng trước, tôi nhận được cuộc gọi của vợ chồng người anh họ nhờ tìm hộ một căn chung cư tại Hà Nội. Mới cưới nhau, nhà xa chỗ làm của cả 2 vợ chồng gần 33 cây số, tính toán cả đi cả về mỗi ngày đến 4 - 5 tiếng đồng hồ trên vài tuyến xe buýt, khiến anh chị quyết chí tìm một căn nhà ở Hà Nội.
Quyển sổ tiết kiệm hơn 400 triệu đồng tích cóp từ 6 - 7 năm đi làm, kèm mảnh đất ở quê ông bà cho bán được hơn 1,4 tỷ đồng, những tưởng sẽ dễ tìm được căn nhà ưng ý, nhưng “đời không như là mơ” khi mất tới vài tháng trời tìm kiếm khắp từ Nam Hà Nội tới Đông Hà Nội, anh chị cũng không tìm được căn nhà mặt đất như ý muốn. Nơi thì xa quá, nơi lại vắng vẻ, chẳng gần trường lớp cho bọn trẻ sau này…
Quanh đi quẩn lại, anh chị tính tới việc mua căn hộ chung cư, nhưng rồi cũng chẳng được ưng ý. Dự án nhà ở xã hội ngay gần chỗ làm của chị thì đòi đủ thủ tục, rồi còn phải chi đến vài chục triệu đồng tiền chênh cho “cò” mà chẳng biết có chắc chắn được suất mua hay không!
Trong khi đó, mấy dự án chung cư ở trung tâm thì giá cả đắt đỏ, ngoài số tiền hiện có, nếu mua căn hộ 70 - 80 m2 để “tính kế lâu dài” cũng phải đi vay ngân hàng thêm 700 - 800 triệu đồng mới đủ. Với mức thu nhập đầu bếp nhà hàng gần 20 triệu đồng/tháng của anh cùng khoản lương giáo viên 6 - 7 triệu đồng/tháng của chị có dôi ra hàng tháng cũng chẳng đáng là bao. Rút cục, phải mãi tới gần cuối năm vừa rồi, nghe cô bạn đồng nghiệp bảo có người nhờ cô rao hộ căn hộ họ mới nhận bàn giao từ đầu năm 2020 nhưng không ở, tôi giới thiệu anh chị đến xem thì cuộc chạy marathon tìm nhà gần nửa năm trời mới… đi vào chung kết.
Anh chị kể, đến căn hộ đó xem thấy “hợp vía”, ở vị trí đẹp, xây dựng cũng không tệ, chỉ có điều chủ đầu tư thì hụt hơi hết vốn nên sau khi bàn giao, mấy cái tiện ích dưới chân nhà cũng chìm nghỉm luôn. Bàn giao căn hộ trước Tết Canh Tý 2020, sau đó gặp ngay Covid-19, nên người mua đã quá ít giờ gần như không có ai lai vãng. Không bán được, cho thuê thì rẻ quá, nên người mua đành phải bán.
Căn hộ rao bán gần 2,5 tỷ đồng, nhưng do người bán cần tiền gấp, nên sau vài bận đi lại mặc cả, chủ nhà cũng đồng ý “bán lỗ” 300 triệu đồng, chưa kể tiền nội thất. Dù vẫn phải vay thêm 200 - 300 triệu đồng, nhưng anh chị rất vui vì cuối cùng gia đình trẻ cũng có cái nhà ở Hà Nội như một “bằng chứng” cho sự trưởng thành và giờ cả gia đình đang tất bật chuẩn bị dọn về ở ngay trước Tết Tân Sửu năm nay.
Vui Tết Tân Sửu ở một chung cư |
2. Mỗi câu chuyện mua nhà của người trẻ, nhất là những người xa xứ lập nghiệp ở chốn phồn hoa, cũng đều đầy những nỗi niềm, nhưng cũng như câu chuyện nói trên hay chuyện của chính người viết, mái ấm là đích đến càng khó khăn thì mơ ước càng cháy bỏng. Có anh bạn kể rằng, sau chục năm tích cóp mua được căn nhà nho nhỏ, hai vợ chồng anh cả tuần mất ngủ vì vui, “có những lúc như người lẩn thẩn, 2 - 3h sáng dậy cầm chổi quét nhà, dọn dẹp, kê đặt”, anh nói và bảo, đó là những nỗi xúc động mà người ngoài cuộc hay những ai quá đủ đầy không thể hiểu và cảm được.
Thế nhưng, trong số những giấc mơ ấy, bao nhiêu giấc mơ có thể trở thành hiện thực khi “vận khí” thị trường địa ốc ngày càng thử thách hành trình tìm mái ấm của những người trẻ.
Một thực tế đáng ngại diễn ra vài năm gần đây, là trong khi luồng di cư ngày càng gia tăng thì tỷ lệ người có thể tiếp cận nhà ở lại có thiên hướng giảm. Kết quả khảo sát từ Navigos cho thấy bức tranh rõ hơn về tình hình tiếp cận nhà ở trong xã hội khi cho biết, giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội đang cao hơn 28 lần so với thu nhập của người trẻ.
Cụ thể, thu nhập bình quân của người trẻ mới đi làm là 72 triệu đồng/năm, trong khi giá căn hộ 2 phòng ngủ bình quân hiện đã lên đến 2 tỷ đồng. Con số này khiến khá nhiều người giật mình, bởi lẽ cách đây chừng 2 năm, số liệu chênh lệch giữa thu nhập và giá nhà được đưa ra bởi Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) mới chỉ ở mức 20 - 21 lần.
Tất nhiên, số liệu thống kê không thể cập nhật toàn bộ diện mạo thị trường, bởi vẫn có những dự án giá “mềm” phù hợp với nhu cầu của người dân trong thời gian vừa qua như AQH Riverside (phường Thượng Thanh, quận Long Biên), HC Golden City Long Biên (quận Long Biên), Chung cư cao cấp Le Grand Jardin Sài Đồng (quận Long Biên,) TSG Lotus Sài Đồng (phường Việt Hưng, quận Long Biên), Chung cư Intracom Riverside (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh), Khu đô thị Eurowindow River Park (xã Đông Hội, huyện Đông Anh)…
Tuy nhiên, nếu xét theo nhu cầu của số đông, thì nguồn cung từ những dự án này còn quá ít!
Có rất nhiều lý do được đưa ra, trong đó có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, quá ít dự án mới để bán, hoặc có thì rất đắt. Thứ hai, vì ít dự án mới, cầu lại cao, nên giá nhà tăng, nhất là trong vòng 1 năm trở lại đây, khoảng cách giữa giá nhà và thu nhập của người dân càng giãn rộng do thu nhập của đại bộ phận người dân sụt giảm mạnh bởi Covid-19.
Ngoài ra, báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà vốn đã cao, lại tồn tại cả tình trạng giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, sắp xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá bất động sản lên cao, làm bất ổn thị trường.
3
Hồi tháng 8/2020, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã lên xây dựng dự thảo Nghị quyết xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, với hàng loạt chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư nhằm phát triển loại hình căn hộ có diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2, tương đương giá một căn hộ tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn, đã bao gồm thuế VAT.
Tuy nhiên, có vẻ điều này còn phải chờ đợi thêm nhiều thời gian nữa, bởi trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp mà Bộ Xây dựng được giao chủ trì có liên quan đến nhiều bộ, ngành, đến việc sửa đổi nhiều cơ chế, chính xác khác nhau nên phải rất thận trọng và nghiên cứu kỹ càng.
“Hiện Nghị quyết đã được lấy ý kiến góp ý của Bộ Tư pháp”, ông Sinh thông tin.
Trong câu chuyện cuối năm với lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản có trụ sở trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông (Hà Nội), vị này cho biết, nhóm tuổi dưới 35 là một trong những nhóm khách hàng trọng yếu về nhu cầu nhà ở thực và doanh nghiệp của ông hướng tới. Tuy nhiên, với cơ chế, chính sách hiện nay, nhất là việc phải chờ đợi quá lâu để hoàn thiện thủ tục, khiến những dự án từ đầu xác định là bán vừa tầm tiền, nhưng đến khi ra được sản phẩm thì đội lên rất kinh, có khi dự án trung cấp phải bán giá… cao cấp.