HH2 Lê Trọng Tấn có quy mô gần 1.300 căn hộ, nằm trong quần thể khu đô thị mới hai bên đường Lê Trọng Tấn (ngã tư Đại lộ Thăng Long và Lê Trọng Tấn - Hoài Đức, Hà Nội) cách trung tâm khu Trung Hòa Nhân Chính khoảng 6 km về phía Tây. Vào năm 2009, Geleximco đã hợp tác với CTCP Bất động sản Mekong (Mekong Land) để triển khai dự án này.
Theo đó, Mekong Land chịu trách nhiệm thi công và kinh doanh dự án, trả cho Geleximco một số vốn tối thiểu và được chia thêm phần lợi nhuận trong quá trình kinh doanh.
Sau đó, Mekong Land đã đặt tên cho dự án là Mekong Plaza và tiến hành huy động vốn dưới dạng “Hợp đồng góp vốn” kèm quyền kinh doanh căn hộ từ khách hàng trên thị trường, một phần trực tiếp, một phần qua các đơn vị trung gian như Công ty TNHH Quản lý bất động sản thế kỷ, Trọng Gia, Sàn bất động sản Hanic…
Theo hợp đồng, Mekong Land huy động tiền của nhà đầu tư, đổi lại nhà đầu tư được hưởng quyền kinh doanh căn hộ Mekong Plaza với đơn giá 15,5 triệu đồng/m2. Theo Mekong Land, có khoảng hơn 400 căn hộ đã được huy động vốn. Toàn bộ số tiền các sàn huy động từ khách hàng đã được chuyển cho Mekong Land. Doanh nghiệp này cũng đã sử dụng số tiền đó để trả một phần cho Geleximco và thi công một phần dự án.
Để có thể thực hiện theo đúng tiến độ, Mekong Land phải vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, cú "ngã ngựa: của thị trường bất động sản kéo dài từ đầu năm 2011 đã khiến ngân hàng nói không với nhiều dự án bất động sản, việc huy động vốn từ khách hàng cũng khó khăn và các dự án bất động sản gần như đóng băng vì không bán được hàng. Mekong Land cũng không thể tiếp tục triển khai dự án.
Nghị định 71 ra đời và có hiệu lực sau đó yêu cầu chủ đầu tư phải làm xong móng mới được bán nhà và không cho phép huy động vốn, bán nhà trên giấy từ khách hàng. Lúc này, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Mekong Land và Geleximco không đủ căn cứ để Mekong Land có thể vay được vốn ngân hàng triển khai tiếp dự án. Trong khi đó, toàn bộ số tiền góp vốn của khách hàng đã được đầu tư trực tiếp vào dự án, nhưng dự án vẫn dở dang. Nhiều khách hàng đã sốt ruột và liên hệ với Mekong Land để đòi lại vốn góp vì dự án chậm tiến độ quá lâu.
Lúc này, các bên tham gia dự án đều ở thế cưỡi lưng hổ: Geleximco không thu được hết tiền theo hợp đồng hợp tác với Mekong Land, không thu được lợi nhuận có thể có nếu dự án hoàn thiện và bán được hàng; cổ đông Mekong Land bị chôn một lượng vốn khá lớn vào dự án và công ty này mắc nợ với hơn 400 khách hàng; khách hàng bị ngâm vốn chưa biết đến khi nào có nhà để ở.
Để gỡ thế bí trên, từ năm 2014, Geleximco và Mekong Land đã rốt ráo hợp tác trở lại. Theo đó, Geleximco đứng ra bảo lãnh cho dự án để ngân hàng rót vốn và dự án được tiếp tục triển khai. Mekong Land vẫn là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện dự án, chịu trách nhiệm kinh doanh, với sự hợp tác của Geleximco. Để thuận tiện trong giao dịch, HH2 Lê Trọng Tấn được chính thức đặt tên mới là Gemek Tower.
Ông Kiều Xuân Nam, Tổng giám đốc Mekong Land cho biết, dự án đang được triển khai rất tích cực. Dự kiến, trong tháng 10 này sẽ xong giằng móng, đủ điều kiện bán hàng. Mekong Land dự kiến, tiến độ thi công khoảng 20 tháng, để có thể bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II/2016.
Thị trường thay đổi, đơn giá 15,5 triệu đồng/m2 các khách hàng đã góp vốn cho Mekong Land trước đây không còn phù hợp. Theo ông Nam, Geleximco và Mekong Land sẽ phối hợp để đưa ra chính sách mới, nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho những khách hàng đã cho Mekong Land huy động vốn trước đó, như điều chỉnh giá bán, cho phép chậm thanh toán….
Như vậy, có thể thấy, để xóa đi những hệ lụy do một thời thị trường bất động sản sốt nóng và huy động vốn tràn lan trên giấy, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của những nhà đầu tư lớn, giàu tiềm lực trên thị trường. Câu chuyện thay tên đổi họ của rất nhiều dự án như Gemek Tower có thể là dấu hiệu cho thấy bắt đầu một giai đoạn mới của thị trường.
Hotline:Phía Bắc: Anh Trọng Hiếu (0904.405.665). Phía Nam: Anh Tăng Triển (0989.108.610). Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com Phát hành Hà Nội: 47 Quán Thánh, Ba Đình - ĐT: 04 38450537/Fax: 04 38235281 |