Quan điểm của TS. Alan Phan nhận được nhiều ý kiến trái chiều và tạo ra cuộc tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn. Những người đồng tình cho rằng, nên để thị trường BĐS rơi tự do, đưa giá nhà, đất xuống thấp hơn nữa, tạo điều kiện cho người nghèo có cơ hội mua nhà.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS Hà Nội lại rất bức xúc và cho rằng, phát biểu của TS. Alan Phan là “vô trách nhiệm”. Theo các doanh nghiệp BĐS, việc thị trường BĐS khó khăn trong suốt mấy năm qua đã tác động mạnh đến cả nền kinh tế, khiến các doanh nghiệp BĐS ít tiềm lực phá sản, giải thể, trong khi những doanh nghiệp khỏe mạnh cũng đang phải vật lộn để tồn tại. Nếu những khó khăn của thị trường không được tháo gỡ, không chỉ doanh nghiệp BĐS lâm nguy, mà cả nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền vào các dự án đang dở dang sẽ đối diện với nguy cơ mất trắng, ảnh hướng lớn đến cả nền kinh tế và cả về mặt xã hội.
Vì vậy, các doanh nghiệp BĐS rất hồ hởi và kỳ vọng nhiều vào các chính sách giải cứu BĐS được Chính phủ và các bộ, ngành liên tiếp đưa ra thời gian gần đây. Các doanh nghiệp coi đây là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua thời điểm giông bão. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi họ phản ứng lại những ý kiến không đồng tình với việc giải cứu thị trường BĐS, tuy nhiên, phản ứng mạnh như Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội thì chưa có tiền lệ.
Ngay sau khi phát biểu “nên để thị trường BĐS rơi tự do” của Alan Phan được đăng công bố, đại diện của 1.000 doanh nghiệp BĐS Hà Nội đã gửi 15 câu hỏi đến ông này. Theo đại diện doanh nghiệp BĐS Hà Nội, nếu có câu trả lời thích đáng, chúng sẽ là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp và thị trường tìm được lối thoát.
Tuy nhiên, thay vì trả lời trực diện, TS. Alan Phan tiếp tục “buộc tội” các doanh nghiệp BĐS chính là “thủ phạm” đẩy thị trường BĐS rơi vào khó khăn như hiện nay. Theo TS. Alan Phan, các doanh nghiệp BĐS chỉ chạy theo lợi nhuận, phát triển dự án không có sự nghiên cứu đã khiến thị trường bội cung. Song thay vì tự giải quyết khó khăn do mình gây ra, doanh nghiệp BĐS lại “thay đổi luật chơi giữa trận đấu” bằng cách kêu cứu.
Ngay sau phản hồi của Alan Phan, đại diện các doanh nghiệp BĐS Hà Nội đặt nghi ngờ những lời dèm pha của vị này là có chủ ý. Thậm chí, họ còn nghi ngờ phía sau Alan Phan là cả một đàn “cá mập” chuẩn bị vào vơ vét các dự án BĐS giá rẻ để kiếm lời.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, TS. Alan Phan cho biết, những gì ông phát biểu trên báo chí chỉ là bày tỏ quan điểm cá nhân. Việc ông nhận lời tranh luận với doanh nghiệp BĐS Hà Nội với điều kiện có sự xuất hiện các khách mời do ông đề xuất là do ông muốn có cuộc tranh luận trí thức, chứ không phải là cuộc cãi vã cay cú giữa các cá nhân. Ông cũng phủ định phía sau mình có đàn “cá mập”, đồng thời cho rằng, lĩnh vực đầu tư ông quan tâm hiện nay là các sản phẩm công nghệ cao và lĩnh vực nông sản, chứ không phải là BĐS.
Liên quan đến những thông tin cá nhân của mình bị đưa lên mặt báo thời gian gần đây, TS. Alan Phan cho rằng, việc đưa thông tin cá nhân của ông lên mặt báo là hơi quá đà. “Tuy nhiên, thông tin về tôi chả có gì xấu cả, nên tôi không sợ”, TS. Alan Phan nói.
Về cuộc đối thoại trực tiếp theo đề xuất của phía Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, TS. Alan Phan khẳng định, ông vẫn muốn tham gia. Tuy nhiên, thông tin mới đây cho biết, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM đã từ chối tham gia, trong khi nhiều đại diện doanh nghiệp, chuyên gia khác trong danh sách đề nghị của Alan Phan có lẽ cũng khó có thời gian tham gia cuộc tranh luận như kỳ vọng của phía các doanh nghiệp BĐS Hà Nội.
Khó có thể tổ chức được cuộc tranh luận trực tiếp, dư luận dường như cũng quên dần với những thông tin xung quanh vụ việc từng tốn giấy mực và dung lượng của báo chí. Vì thế, “sự kiện Alan Phan” dường như đang dần chìm vào quên lãng.
Vụ việc này là một bài học cho doanh nghiệp khi đã có sự phản ứng thái quá trước một phát biểu hay một quan điểm của cá nhân, dù rằng quan điểm đó có phần cực đoan. Tất nhiên, với những cá nhân được thừa nhận là chuyên gia, cũng cần ý thức được những hệ lụy xã hội gây ra bởi những phát biểu "đao to, búa lớn" của mình.