Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

(ĐTCK) Ngày 08/5/2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn thành phố tại BHXH thành phố Hà Nội.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

Tham dự đoàn khảo sát có bà Phạm Thị Thanh Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm UBKH Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; các thành viên đoàn khảo sát; đại diện lãnh đạo các vụ, sở, ngành, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn TP.

Về phía BHXH thành phố có ông Phan Văn Mến – Giám đốc BHXH TP, các Phó Giám đốc, lãnh đạo Văn phòng và các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo một số BHXH quận, huyện.

Báo cáo tại hội nghị, ông Phan Văn Mến cho biết, trong các năm qua, công tác BHXH luôn được BHXH Việt Nam, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội quán triệt sâu sắc và nâng cao nhận thức về ý nghĩa của BHXH, BHTN; tăng cường công tác tuyên truyền và quản lý nhà nước về BHXH, BHTN; tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ, chính sách BHXH, BHTN theo đúng quy định pháp luật.

Cho biết về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển BHYT, BHXH, Giám đốc BHXH thành phố cho biết, giai đoạn 2020-2023, số người tham gia BHXH hàng năm của Thành phố đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Năm 2020, số người tham gia BHXH là 1.846.011 người đến năm 2023 số người tham gia là 2.164.037 người (trong đó BHXH bắt buộc là 2.057.698 người, BHXH tự nguyện là 106.339 người), tăng 318.026 người, tăng 17,2% so với năm 2020. Đặc biệt, năm 2020 và năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phát triển người tham gia BHXH vẫn đạt được kết quả tích cực, số người tham gia BHXH trong 2 năm vẫn tăng trưởng khá.

BHXH Thành phố luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu BHXH, BHTN do Chính phủ, BHXH Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020 tổng số thu BHXH là 33.321 tỷ đồng, đến năm 2023 là 44.138 tỷ đồng, tăng 10.817 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2020. Tổng số thu giai đoạn 2020 – 2023 là 152.190 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,7%.

Về công tác chi trả chế độ BHXH, BHXH Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện Thành phố Hà Nội trong tổ chức thực hiện công tác chi trả các chế độ BHXH hàng tháng, BHXH một lần trên địa bàn Thành phố qua hai hình thức: chi trả bằng tiền mặt và chi trả qua tài khoản cá nhân người hưởng. Thời gian chi trả và quyết toán được quy định cụ thể, bám sát và thực hiện đúng quy trình chi trả, thanh quyết toán số tiền đã chi trả theo đúng quy định của BHXH Việt Nam. Giai đoạn 2020-2023, BHXH Thành phố chi lương hưu, trợ cấp BHXH cho 8.147.671 lượt người hưởng với tổng số tiền chi không bao gồm kinh phí ghi thu BHYT là 184.915 tỷ đồng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH Thành phố phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Giai đoạn 2020-2023 tiến hành được 22.213 cuộc thanh tra, kiểm tra. Tỷ lệ thu hồi tiền chậm đóng lên đến 70-80% trong các năm.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, BHXH Thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính, trong đó chú trọng cải cách thủ tục tham gia và giải quyết, thanh toán chế độ BHXH, BHTN nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Đến nay có trên 99,18 % đơn vị tham gia BHXH, BHYT thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử. Những đơn vị chưa thực hiện giao dịch điện tử đã thực hiện giao dịch qua dịch vụ Bưu chính (chi phí do cơ quan BHXH chi trả), chủ yếu là các đơn vị sử dụng lao động có số lượng lao động dưới 10 người. BHXH thành phố đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Kết luận hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà BHXH TP đạt được trong giai đoạn 2020-2023, đặc biệt là công tác phát triển người tham gia, ứng dụng chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Mai, BHXH thành phố cần phấn đấu hơn nữa để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đưa ra. Thực trạng của Hà Nội là qui mô dân số lớn, đối tượng người dân đa dạng, từ lao động phi chính thức tới chính thức, do đó, công tác truyền thông chính sách là cực kỳ quan trọng, cần đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục mở rộng nguồn tham gia BHXH, giảm thiểu tối đa doanh nghiệp chậm đóng BHXH. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố yêu cầu BHXH thành phố vừa đảm bảo thanh tra kiểm tra tập trung, nhưng nên phân loại rủi ro, hạn chế thanh, kiểm tra nhiều lần, đảm bảo cho doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh.

Đối với nội dung kiến nghị, đề xuất của BHXH thành phố và các đại biểu tại buổi khảo sát, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai ghi nhận và mong muốn tiếp tục nhận được kiến nghị để trình lên Quốc hội sửa đổi Luật BHXH theo hướng tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng gia tăng quyền lợi, thu hút người tham gia BHXH.

Tin bài liên quan