Cuối tuần qua, Bảo hiểm Vietinbank đã ký kết hợp đồng bán 25% vốn điều lệ cho Công ty Hyundai Marine & Fire Insurance Company Limited (HMFI-Hàn Quốc) nâng tổng số doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có cổ đông chiến lược là các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc lên con số 4 (trong vòng 3 năm qua).
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vương (VPBS) là nhà tư vấn cho bên bán và đây là thương vụ thứ 2 trong 2 năm liên tiếp là nhà tư vấn cho bên bán. Trước đó là thương vụ PJICO bán cho SFMI.
Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn bà Trần Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng đầu tư- VPBS
Không phải là những nhà đầu tư tầm cỡ đến từ các nước châu Âu, Mỹ, Nhật… như các năm trước, điểm nhấn trong thu hút vốn ngoại 2 năm gần đây tại thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đến từ các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc. Vì sao vậy, thưa bà?
Theo tôi, có hai nhân tố chính.
Thứ nhất, ở Việt Nam, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng và ngành bảo hiểm nói chung có những bước tăng trưởng vững chắc trong những năm qua, góp phần đảm bảo sự an toàn, tính hiệu quả của nền kinh tế, đồng thời chiếm vị trí quan trọng trong thị trường tài chính thông qua các đóng góp từ việc đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm cho sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Thứ hai, Hàn Quốc luôn đứng ở top đầu những quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam. Hàn Quốc cũng đang thực hiện chính sách Hướng Nam, trong đó Việt Nam là một trong những địa chỉ đầu tư ưa thích của các nhà đầu tư nước này, là cứ địa và bàn đạp để họ tiếp cận thị trường ASEAN.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2018, Hàn Quốc là nhà đầu tư đứng thứ 2, sau Nhật Bản với 3,4 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 21,6% vốn đăng ký cấp mới.
Ngoài yếu tố tương đồng về văn hóa, sự gần gũi về mặt địa lý, sự ảnh hưởng của các nhà đầu tư xứ Kim chi đến từ thế mạnh của họ về năng lực tài chính, về công nghệ, về phân phối bán lẻ. Đây chính là các yếu tố cốt lõi và đồng là thời cơ tốt để các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Hàn Quốc nắm bắt, tạo đà cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh ra những thị trường mới.
Điểm mạnh của các doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc, chẳng hạn như Samsung và Hyundai là gì? Họ có thể đóng góp gì cho các doanh nghiệp Việt Nam với tư cách là cổ đông chiến lược hay cổ đông lớn?
Samsung và Hyundai là những tập đoàn lớn, đa quốc gia, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng lớn và có bề dày lịch sử hình thành và phát triển.
Samsung Fire & Marine Insurance (SFMI) là tập đoàn bảo hiểm phi nhân thọ số 1 của Hàn Quốc, được thành lập từ năm 1952, với tổng tài sản khoảng 60 tỷ USD, hiện đang đầu tư vào hơn 11 quốc gia trên thế giới.
Hyundai Marine & Fire Insurance (HMFI) chiếm thị phần lớn thứ 2 tại Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thành lập từ năm 1955, có tổng tài sản 37,4 tỷ USD, hiện đã đầu tư vào thị trường bảo hiểm tại 8 quốc gia.
Cả SFMI và HMFI đều là những tập đoàn lâu đời, giàu kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, vững mạnh về tài chính, được đánh giá tốt bởi những tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu như AM Best, S&P…
Bên cạnh đó, đây là những tập đoàn có nền tảng công nghệ vững chắc, đặc biệt các ứng dụng công nghệ trong việc quản trị rủi ro và phân phối sản phẩm…
Bằng việc thu hút được các tập đoàn hàng đầu này của Hàn Quốc trở thành cổ đông chiến lược, PJICO và VBI đã từng bước nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp và khẳng định sức hút của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Đồng thời, PJICO và VBI bổ sung thêm được nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh từ đợt phát hành, tận dụng được nhiều thế mạnh của các cổ đông chiến lược này như các hỗ trợ về mặt tài chính, kinh nghiệm về quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, các hỗ trợ về công nghệ quản trị rủi ro, đa dạng hóa các kênh phân phối sản phẩm trên nền tảng công nghệ, đẩy mạnh bán lẻ, đồng thời mở rộng khai thác đối tượng khách hàng Hàn Quốc do các cổ đông này giới thiệu.
Đâu là những vấn đề mà Samsung và Hyundai quan tâm nhất khi đầu tư vào PJICO và VBI?
Đó là vấn đề về định hướng chiến lược và tiềm năng phát triển của công ty trong thời gian tới.
Sự ‘gặp gỡ’ nhau về định hướng phát triển kinh doanh đảm bảo cho một mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững. SFMI và HMFI đều là các đối tác chiến lược hàng đầu, có mong muốn gắn bó dài lâu với doanh nghiệp, cùng góp phần cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Bên cạnh đó, việc tìm được tiếng nói chung, tìm kiếm sự hỗ trợ, hợp tác trên nhiều phương diện với các cổ đông hiện hữu cũng là mối quan tâm của SFMI và HMFI, cụ thể trong các giao dịch này là sự hợp tác giữa SFMI với Petrolimex và HMFI với Vietinbank. Đây đều là những tập đoàn, ngân hàng quốc doanh hàng đầu của Việt Nam.
Mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa các cổ đông lớn không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho bản thân tổ chức phát hành là các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, cụ thể trong trường hợp này là VBI và PJICO, do tận dụng được tối đa các lợi thế cộng gộp mà các cổ đông lớn mang lại, mà còn mang lợi ích khác cho chính các cổ đông này.
Điểm hạn chế trong các giao dịch nói trên là gì, thưa bà?
Tỷ lệ cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chỉ chiếm thiểu số trong tổng số cổ phần phát hành. Vì vậy, quan tâm của các nhà đầu tư cũng hướng tới việc đảm bảo tối đa hóa được những đóng góp của mình cho sự phát triển của tổ chức phát hành trong chặng đường phát triển sau này.
Đâu là những thách thức chính trong quá trình đàm phán thương thảo?
SFMI và HMFI đều là những tập đoàn lớn, việc đầu tư cần đảm bảo tính tuân thủ cao, không chỉ với các quy trình nội bộ của từng tập đoàn mà còn đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ từ các cơ quan quản lý có liên quan của Hàn Quốc và Việt Nam.
Vì vậy, để thực hiện thành công các giao dịch này, đã có sự tham gia của nhiều đơn vị tư vấn luật, tư vấn tài chính, kiểm toán hàng đầu trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành đều là các tổ chức có vốn Nhà nước chiếm chi phối. Từng khâu trong quá trình đàm phán thương thảo đều cần đảm bảo tính chặt chẽ, không chỉ theo yêu cầu của công ty, của các cơ quan quản lý, mà còn tuân thủ các quy trình phê duyệt vốn dĩ khá nghiêm ngặt trong nội bộ từng cổ đông Nhà nước.
Đồng thời, các quy định, yêu cầu về hồ sơ, tài liệu của các cơ quan quản lý hai nước Việt Nam và Hàn Quốc cũng có những điểm khác biệt, dẫn đến việc các bên cũng mất thêm thời gian, công sức để kiểm tra, xác nhận tài liệu trong quá trình đàm phán, thương lượng giao dịch.
Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, do số lượng cổ phần chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm thiểu số trong tổng số cổ phần phát hành nên việc đảm bảo dung hòa quyền lợi của các cổ đông sau đợt phát hành cũng là nội dung đòi hỏi nhiều trao đổi, nhằm tối ưu hóa được các đóng góp của nhà đầu tư cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhà tư vấn tài chính của bên bán đóng vai trò như thế nào để có được một thương vụ thành công?
Với vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho bên bán trong cả hai thương vụ kể trên, chúng tôi cho rằng, bằng các kinh nghiệm và hiểu biết của mình, nhà tư vấn, thu xếp giao dịch cho bên bán cần nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp, cập nhật cho doanh nghiệp khẩu vị và mong muốn của các nhà đầu tư, từ đó định hướng giao dịch theo hướng tiết kiệm thời gian, công sức của các bên, vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng đảm bảo tính khả thi cao nhất của việc chào bán.
Nhà tư vấn, thu xếp giao dịch cho bên bán cần đồng hành với doanh nghiệp ngay từ những giai đoạn đầu, hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần và đủ để khởi tạo ra giao dịch; tư vấn cho doanh nghiệp về việc chuẩn bị các thông tin, tài liệu, rút ngắn quá trình thẩm soát của nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhà tư vấn cũng cần đảm bảo việc chào bán được hiệu quả, đúng thời điểm, đúng đối tác, đem lại tiếng vang cho doanh nghiệp, bên cạnh các giá trị bền vững mà doanh nghiệp có được sau giao dịch.