Trao niềm tin là cách thức mà người lãnh đạo vận hành DN

Trao niềm tin là cách thức mà người lãnh đạo vận hành DN

Độ tuổi nào đủ chín chắn để trở thành lãnh đạo?

(ĐTCK) Có nhiều cách nhìn nhận để đánh giá về một người lãnh đạo thành công như được nhân viên yêu quý hay nể trọng..., tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Alex Malley, Tổng Giám đốc CPA Australia đã đưa ra một góc nhìn khác biệt.

Sẵn sàng đối mặt với thử thách để lớn hơn

Là CEO và có một thời gian đã từng là giáo viên, ông cũng vừa có cuộc trao đổi với gần 2000 sinh viên các trường kinh tế, ngoại thương và ngân hàng, tài chính tại Việt Nam, ông cảm thấy việc dạy học giúp ích cho ông như thế nào khi trở thành một người lãnh đạo?

Theo tôi, nghề giáo viên là một nghề tuyệt vời dù ở bất kỳ quốc gia nào. Đứng trước lớp học dù là 20, 300, 600 hay hàng nghìn học sinh, sinh viên, người giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn truyền cả cảm hứng để các bạn trẻ có thể mơ ước và làm được nhiều việc lớn trong cuộc đời.

Khi giữ vai trò CEO của CPA Australia, sau một năm tôi càng nhận ra rằng, các nguyên tắc trong dạy học hoàn toàn có thể áp dụng vào công việc lãnh đạo của mình. Tôi cũng cần phải truyền được cảm hứng, niềm tin và làm cho các cộng sự của mình tự tin hơn, dám vươn lên và trở thành người dẫn đầu. Khi đến Việt Nam lần này, được gặp các bạn trẻ Việt Nam và nói với họ về tiềm năng của họ, tôi cũng muốn truyền cảm hứng và sự khích lệ như vậy.

Độ tuổi nào đủ chín chắn để trở thành lãnh đạo? ảnh 1

"Khi còn trẻ tôi thường làm những công việc mà mình không thích và sớm từ bỏ chúng. Đó là sai lầm của tôi" - Alex Malley

Thử hình dung khi 2 nhân viên của tôi mâu thuẫn với nhau về một vấn đề gì đó, giả sử đó là 2 học sinh thì chắc chắn thầy giáo của họ sẽ nói chuyện riêng với từng người và sau đó yêu cầu họ ngồi lại với nhau để cùng tìm được tiếng nói chung và cách giải quyết mâu thuẫn. Tóm lại, tôi thấy người lãnh đạo giỏi nhất chính là người giáo viên và ngay mỗi chúng ta cũng là một người lãnh đạo có thể tự dẫn dắt chính mình với niềm đam mê và tạo ra sức mạnh cho bản thân.

Vấn đề nhiều bạn trẻ đang mắc phải đó là làm những công việc mình không thích rồi nhanh chóng chán nản và từ bỏ, hay không ít tình trạng các bạn trẻ bỏ học giữa chừng và bắt đầu khởi nghiệp… Ông nhìn nhận các vấn đề này như thế nào?

Khi còn trẻ tôi thường làm những công việc mà mình không thích và sớm từ bỏ chúng. Đó là sai lầm của tôi. Các bạn trẻ thường hỏi tôi là, khi nào là thời điểm thích hợp từ bỏ công việc mình không thích? Câu trả lời của tôi là, nếu làm công việc mình không thích thì hãy tiếp tục làm công việc đó cho đến khi bạn học được cách tôn trọng những người bạn không thích.

Không đối mặt với thử thách của mình sẽ làm con người của bạn nhỏ bé hơn. Bạn có thể thành công hay thất bại nhưng ít nhất là bạn đã nỗ lực hết sức.

Tôi chia sẻ với suy nghĩ của các bạn trẻ thường nóng lòng muốn đạt được tới đỉnh cao thành công càng nhanh càng tốt, nhưng lời khuyên của tôi dành cho các bạn cũng như cho chính các con của tôi là hãy kiên nhẫn và chuẩn bị những nền tảng thật vững chắc để sau này có thể thành công lớn hơn.

Vậy theo ông, độ tuổi nào đủ chín chắn để trở thành lãnh đạo?

Không có độ tuổi nào đủ chín chắn để trở thành lãnh đạo mà phụ thuộc vào kinh nghiệm. Khi tôi còn trẻ, mẹ tôi bị ốm nặng và nằm trong viện rất lâu nên nếu so sánh tôi với nhiều bạn cùng trang lứa được coi là chín chắn và già dặn hơn, nhưng không phải bởi vì tôi thông minh hơn họ mà là tôi đã gặp những hoàn cảnh khác bạn bè, nhờ đó có được những kinh nghiệm khác trong cuộc sống.

Theo tôi, khi bạn đã tích lũy được đủ kinh nghiệm và trải qua được nhiều hoàn cảnh khác nhau bạn sẽ dễ dàng có những điều kiện để trở thành nhà lãnh đạo.

Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là khi bạn có kinh nghiệm đủ nhiều, bạn sẽ biết cách để ưu tiên các vấn đề cần giải quyết trong cuộc đời và sẽ có cơ hội chọn lựa những ưu tiên lớn và thành công.

Dám sống là chính mình

Trong chuyến sang Việt Nam lần này, ông đã giới thiệu đến các bạn trẻ Việt Nam cuốn sách đầu tiên của mình “The Naked CEO”. Điều gì thú vị trong cuốn sách ông muốn chia sẻ?

Tôi rất thích phần mở đầu về câu chuyện mà tôi bị đình chỉ học và đặc biệt là phần “Dám sống là chính mình”. Để như vậy bạn cần phải hiểu rõ mình là ai và bạn chỉ có thể hiểu điều đó khi trải nghiệm thật nhiều. Khi bạn gặp thách thức, cách thức bạn ứng xử và thúc đẩy bản thân vượt qua thách thức đó sẽ giúp bạn hiểu rõ khả năng của mình.

Là một người lãnh đạo, bạn cũng phải biết đặt niềm tin vào nhân viên. Khi bạn tin tưởng ai và giao cho họ một công việc, có nghĩa là bạn đang trao cả danh tiếng của mình cho họ, vì thế bạn phải tin là họ sẽ làm được. Rồi người đó tiếp tục trao niềm tin cho các nhân viên ở cấp dưới, cũng như bạn đã trao cho họ. Trao niềm tin - đó là cách thức mà người lãnh đạo vận hành DN.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng là một người lãnh đạo thành công phải để cho nhân viên sợ mình, nên sống phải giấu bản thân?

Một vị lãnh đạo thành công không dựa trên sự yêu thích hay sợ hãi, quan trọng là phải có được niềm tin của mọi người, nghĩa là người đó phải nói được và làm được. Do vậy sẽ đòi hỏi nhiều yếu tố CẦN và đầu tiên, đó là cần có một sự hiếu kỳ nhất định. Nếu có sự hiếu kỳ, chúng ta sẵn sàng tham gia, dấn thân vào những cuộc khám phá và sẽ có những trải nghiệm.

Thứ hai, dám sống là chính mình. Khi là chính mình bạn sẽ suy nghĩ và hành động theo những gì mình nghĩ. Khi sống là chính mình, những cộng sự, mọi người quanh sẽ biết rất rõ cá tính của bạn. Có thể họ không thích cá tính của bạn nhưng vì đã biết và sẵn sàng hợp tác thì đó là những người sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình làm việc, giúp bạn trở thành người lãnh đạo thành công.

Thứ ba, chắc chắn phải là người rất tự tin. Có tự tin vào khả năng của bản thân mình thì người khác mới tin vào bạn, đồng thời bạn sẽ truyền cảm hứng cho mọi người để họ cảm thấy tự tin vào nơi họ đã đặt niềm tin.

Thứ tư, sẵn sàng tuyển dụng những cộng sự thông minh hơn, giỏi hơn, nhiều kỹ năng hơn bởi đơn giản là những người làm lãnh đạo tin vào bản ngã của chính họ. Và cuối cùng, có khả năng truyền thông một cách đơn giản đối với những người xung quanh.

Việt Nam có nhiều người trẻ nắm những vị trí lãnh đạo cao cấp trong doanh nghiệp nhưng sau vài năm, họ đã phải rời khỏi vị trí. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Thành công lớn nhất chỉ có được khi bạn tiến tới từng bước một cách chắc chắn đạt. Tôi cho rằng có những người lãnh đạo DN được đặt vào vị trí đó khi tuổi đời còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm nên sau một vài năm đã nhận ra đây là thách thức khó vượt qua.

Quan điểm của tôi là trong một DN, người lãnh đạo dễ thành công nhất khi họ trưởng thành trong chính tổ chức của mình, có nghĩa là đã trải qua những cương vị, những công việc khác nhau, nắm được các hoạt động của DN. Nhờ vậy, khi lên vị trí lãnh đạo, họ sẽ điều hành tốt hơn so với việc đưa những người từ bên ngoài tổ chức vào, bởi họ có thể không có được sự hiểu biết nội tại DN bằng những người bên trong.

Cũng giống như nhiều nước khác trên thế giới, Việt Nam có những DN gia đình và người đứng đầu DN này thường muốn đưa con, cháu mình khi ở độ tuổi rất trẻ vào những vị trí lãnh đạo cao. Ông thấy đâu là điểm tích cực cũng như bất cập của vấn đề này?

Tôi chia sẻ với bạn về câu chuyện của chính gia đình mình. Bố tôi sở hữu một DN và khi tôi còn trẻ đã trao đổi với bố về vấn đề kế nghiệp. Khi đó ông đã nói rằng, tôi phải thành công, chứng tỏ bản thân mình ở một nơi khác, tích lũy kinh nghiệm và xây dựng sự tự tin của chính bản thân tôi rồi sau đó quay trở về lại DN của gia đình, lúc đó mới tính đến chuyện tôi có thể kế nghiệp hay không.

Trong cương vị là giáo viên và là nhà tư vấn nghề nghiệp cho nhiều bạn trẻ, tôi cũng đã gặp nhiều trường hợp là con cái của những gia đình có DN riêng và những người này thường cảm thấy bối rối bởi không rõ việc kế nghiệp của cha mẹ sẽ như thế nào. Trong trường hợp đó, lời khuyên của tôi là, các bạn hãy đi ra ngoài, tích lũy kinh nghiệm riêng của mình và nói rõ với cha mẹ rằng, sau khi bạn có được một sự tích lũy kinh nghiệm nhất định, bạn sẽ tự quyết định rằng mình có phải là người kế tục sự nghiệp của gia đình mình hay không.

Tin bài liên quan