Đỗ Tiến Hưng: Từ ngập trong nợ nần đến CEO 27 tuổi

Đỗ Tiến Hưng: Từ ngập trong nợ nần đến CEO 27 tuổi

Đã từng thất bại, thậm chí phá sản, Đỗ Tiến Hưng giờ đây đã trả hết nợ nần và trở thành một triệu phú trẻ tuổi trong làng phần mềm Việt Nam.

Đỗ Tiến Hưng (27 tuổi) là cựu sinh viên Khóa 1 Đại học FPT. Trải qua những ngày tháng "ngập đầu trong nợ, cùng cực vì phá sản", hiện Đỗ Tiến Hưng đã trở thành CEO Công ty TNHH phần mềm và dịch vụ G.V.N. 

Ngay thời sinh viên, Hưng đã có máu kinh doanh. Anh chàng đã làm một điều khá độc so với giới sinh viên ngày ấy là đem đồ án của mình đi bán. Đồ án của Hưng là xây dựng website sổ liên lạc điện tử.

Để bán được sản phẩm, Hưng đã phải gõ cửa từng trường học mời chào, tiếp thị về những lợi ích của một cuốn sổ liên lạc điện tử. Tuy nhiên, Hưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, duy nhất có một trường mẫu giáo tư thục nhận mua vì... bị cậu làm phiền quá nhiều. 

Biết mình thua nhưng Hưng không nản mà tiếp tục đi làm thuê để trau dồi ngoại ngữ cùng kinh nghiệm thực tế. Đầu năm 2013, Hưng mở một quán bar trên phố Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) nhằm phục vụ khách nước ngoài. Nhiệt huyết kinh doanh, Hưng đã vay tín chấp từ 3 ngân hàng 200 triệu đồng. Năm đầu tiên, ban ngày cậu đi làm, tối về tự điều hành quán để tiết kiệm chi phí. Nhờ được đặt ở vị trí đắc địa, lại là nơi duy nhất được nhập khẩu bia Nga nên quán của Hưng rất đông khách. 

tu-ngap-trong-no-nan-den-ceo-27-tuoi
Đỗ Tiến Hưng giờ đã trở thành CEO một công ty phần mềm. Ảnh: NVCC

Mọi việc chỉ êm đềm được một năm thì quán của Hưng gặp cạnh tranh lớn từ các bar mới mọc lên, và bia Nga không còn được độc quyền nữa. Mâu thuẫn với người quản lý đã khiến quán bar phá sản để lại cho Hưng một mối nợ ngân hàng lớn.

Hưng cho biết, giai đoạn đó thật tồi tệ. Gia đình chưa một lần phản đối nhưng do tự vay, tự kinh doanh nên khi thất bại cậu phải tự gánh chịu.

"Suốt nhiều tháng, mình chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi ngày. Mọi cuộc ăn, chơi, mua sắm ngừng lại hết. Mỗi tháng, tiền ăn và đi lại chỉ vỏn vẹn một triệu đồng. Còn lại toàn bộ tiền thu nhập đều dành để trả nợ", Hưng nói và cho biết đã phải làm thêm rất nhiều dự án.

Một trong những dự án làm thêm đem lại khoản tiền lớn cho cậu là làm ứng dụng với Liên minh châu Âu tại Việt Nam. Sản phẩm có tên là "Eu của tôi"- một app giúp mọi người khám phá châu Âu hiện đang được sử dụng rộng rãi. Để có tiền trả nợ Hưng cũng "nhảy việc" sang một công ty của Nhật Bản. Ròng rã một năm, vừa đi làm công ty vừa làm thêm bên ngoài Hưng đã trả xong nợ. 

Với bản tính ham học hỏi, cậu được vị giám đóc người Nhật tại công ty mới khá ưu ái, cho điều hành và giải quyết nhiều việc nội bộ của công ty. Do đó, Hưng trau dồi được nhiều kỹ năng, phát triển sản phẩm, quản lý dự án, tuyển dụng...

Tuy công ty phía Nhật Bản đã thành lập và phát triển được 15 năm nhưng thị trường Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ với vị giám đốc người Nhật. Nhạy bén nắm bắt được điều này, Hưng đã mạnh dạn đề xuất 3 hướng phát triển mới cho công ty với định hướng ban đầu là chú trọng vào dịch vụ thuê ngoài (outsourcing). Khi nghe cậu thuyết trình ý tưởng phát triển, giám đốc đã rất ngạc nhiên về tính khả thi và quyết định để Hưng thực hiện dự án start-up này. Vì bận các dự án bên Nhật, lại không hiểu nhiều về thị trường Việt Nam, trong khi nhận thấy chàng trai trẻ có năng lực, hoài bão nên sau đó, vị giám đốc đề nghị để Hưng trực tiếp điều hành và phát triển công ty với thời gian thử thách kéo dài 6 tháng.

Trong những tháng đầu, phần lớn hợp đồng dự án đến từ công ty mẹ ở Nhật. Sản phẩm outsourcing lúc đó hầu hết là ứng dụng OTT (cung cấp dịch vụ đa phương tiện cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet). Đặc biệt, có sản phẩm của công ty từng đứng top 5 app miễn phí ở Nhật (sau Line, Gmail, Facebook và Google map), mang lại cho khách hàng doanh thu gần một triệu đôla mỗi tháng. Càng làm, uy tín càng được nâng cao, nhiều đơn hàng từ Nhật liên tục chuyển về giúp doanh thu công ty tăng lên nhanh chóng. Năm đó, công ty phần mềm do Đỗ Tiến Hưng quản lý đã đạt doanh thu 6 tỷ đồng.

Thấy lợi nhuận từ hình thức đầu tư góp vốn cao hơn nhiều so với việc tự vận hành doanh nghiệp, công ty mẹ quyết định giao toàn bộ công ty tại Việt Nam cho Hưng và cậu trở thành giám đốc, đồng thời là cổ đông lớn nhất của công ty.

Đến nay, công ty không chỉ có dịch vụ outsourcing, phát triển web, app, tư vấn giải pháp mà còn phát triển hệ thống phòng lab, giúp khách hàng tự điều phối nhóm kỹ thuật để làm ra sản phẩm theo ý mình.

Sau gần 2 năm vận hành, công ty liên doanh phần mềm của giám đốc 27 tuổi này đã phát triển từ 3 lên 22 nhân viên, dự kiến sẽ mở rộng lên khoảng 50 nhân viên trong tháng tới. Doanh thu công ty cũng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Sự thành công của Hưng được nhiều người tung hô vì anh đi lên từ hai bàn tay trắng, từng ngập đầu trong nợ nần. Tuy nhiên, anh chàng tỏ ra rất cầu thị và có trách nhiệm với những tháng ngày tuổi trẻ của mình. 

"Nhiều người luôn nghĩ còn trẻ thì có thể thoải mái mắc sai lầm, vấp ngã nhưng nếu thất bại nhiều quá mà vẫn không rút ra được bài học gì sẽ chẳng bao giờ thành công. Các bạn trẻ có quyền hoài bão, có quyền ước mơ nhưng đừng viển vông. Khi đã bắt tay vào khởi nghiệp, đó sẽ là một cuộc chiến thực sự chứ không hề được trải hoa hồng", CEO trẻ cho biết. 

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực phần mềm, Hưng cho biết, trước khi khởi nghiệp nên có "chiến thuật" đi làm thuê. Dù là làm ở công ty to hay bé nhưng chắc chắn các bạn trẻ sẽ học hỏi được nhiều thứ, từ thị trường đến quản lý nhân sự, từ đối tác đến tuyển dụng nhân viên…

Khi khởi nghiệp không nhất thiết phải cần vay vốn lớn, phải tự lượng sức mình. Nếu không kiếm được doanh thu lớn trong thời gian ngắn nhất, bạn rất dễ thất bại, nợ nần chồng chất. Nếu có máu khởi nghiệp hãy start-up từ những cái nhỏ nhất, những cái mình sẵn có rồi đi lên dần dần. Đồng thời, lên kế hoạch thật chi tiết và tỉ mỉ là điều vô cùng quan trọng. Luôn tính đến các tình huống xấu nhất, để có thể tránh được tối đa các rủi ro có thể gặp phải.

Việt Anh

Tin bài liên quan