Hàng loạt ông lớn xây trung tâm dữ liệu
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu vừa diễn ra, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, năm 2024, Viettel tiếp tục gia tăng đầu tư cho hạ tầng số. Đặc biệt, Viettel sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn để các doanh nghiệp lớn như Amazon, Microsoft có thể đặt trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Viettel bắt đầu đầu tư lớn vào trung tâm dữ liệu vài năm gần đây và đang sở hữu hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam, với 13 trung tâm trải rộng khắp 3 miền, quy mô 9.000 racks. Mới đây nhất, Viettel đầu tư dự án trung tâm dữ liệu tại TP.HCM với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý IV/2025.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) khai trương trung tâm dữ liệu mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nâng tổng số trung tâm dữ liệu hiện có lên con số 8, với 4.619 racks. “Thời gian tới, VNPT tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới, sử dụng công nghệ xanh và bền vững”, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho biết.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) vừa tổ chức lễ cất nóc tòa nhà Trung tâm dữ liệu FPT tại Đà Nẵng và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2024. FPT hiện có 4 trung tâm dữ liệu, với 4.000 racks, trong đó 3 trung tâm đang vận hành tại Hà Nội và TP.HCM và 1 trung tâm đang xây dựng ở TP.HCM.
Trước làn sóng xây dựng trung tâm dữ liệu, Tổng công ty Viễn thông MobiFone cũng đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này. MobiFone đang xây dựng trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc, Hà Nội, với quy mô lên đến 1.000 rack, đáp ứng tiêu chuẩn TIER III. Đến thời điểm hiện tại, MobiFone đã sở hữu 4 trung tâm dữ liệu tại các thành phố lớn của Việt Nam (Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai). “Sắp tới, MobiFone tiếp tục tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác và nhà đầu tư để xây dựng thêm các trung tâm dữ liệu mới tầm cỡ khu vực và thế giới”, đại diện MobiFone cho biết.
Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam khác cũng tham gia cuộc đua đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam như CMC, VNG… Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp lớn của thế giới như Amazon, NTT Nhật Bản… cũng góp mặt, khiến thị trường cung cấp dịch vụ đám mây tại Việt Nam trở nên sôi động.
Theo Tech Sci Research, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đạt 858 triệu USD vào năm 2020 và được dự báo tăng trưởng với CAGR giai đoạn năm 2020-2026 đạt 15%, với hơn 2 tỷ USD vào năm 2026. Tuy nhiên, thị trường này chủ yếu do các công ty nước ngoài nắm giữ, chiếm khoảng 70-80% thị phần. Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có sự trỗi dậy mạnh mẽ để dành lại thị phần, khi cơ hội cho thị trường này là rất lớn.
Sức hút lớn
Lý do để các doanh nghiệp đổ tiền đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu đến từ nhu cầu sử dụng. Theo tính toán, Việt Nam có 30 trung tâm dữ liệu, mỗi năm Việt Nam phải đầu tư xây dựng 3 trung tâm dữ liệu loại trung bình thì mới có thể cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
“Đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng viễn thông không có không gian tăng trưởng mới. Không đầu tư vào đây thì các nhà mạng viễn thông sẽ bị thay thế”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành Digital Hub của khu vực với các lợi thế về địa lý, hạ tầng, nguồn lực và các chính sách từ Chính phủ. Trong định hướng phát triển nền kinh tế số, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 100% cơ quan sử dụng điện toán đám mây, trong đó 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt cung cấp.
Ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Dịch vụ Tư vấn Công nghiệp của Savills Hà Nội đánh giá, trung tâm dữ liệu của Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới nhờ quá trình số hóa của nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và dân số trẻ hiểu biết về kỹ thuật số, sự xuất hiện của 5G, nhu cầu tự cung cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cùng luật nội địa hóa dữ liệu.
Còn theo ông Fred Fitzalan Howard, Trưởng bộ phận Trung tâm dữ liệu của Knight Frank châu Á - Thái Bình Dương, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang trên đà phát triển và được thúc đẩy bởi một số yếu tố. Trong đó, một lý do quan trọng là hiện suất đầu tư vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Báo cáo chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2023-2024 của Cushman & Wakefield cho biết, Việt Nam có giá đất trung bình thấp nhất khu vực, với 168 USD/m2 cho các dự án trung tâm dữ liệu. Chi phí xây dựng thấp cũng là yếu tố khiến việc đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam trở thành sự lựa chọn hàng đầu.
“So với các thị trường trưởng thành, thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam còn đang trong giai đoạn sơ khai, tốc độ phát triển khiêm tốn hơn. Nhưng với chi phí xây dựng và giá đất cạnh tranh, cùng với vị trí địa lý đắc địa, Việt Nam là thị trường mới nổi luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá.