Quỹ đất ven sông ở Hà Nội còn rất nhiều. Ảnh: Shutterstock.

Quỹ đất ven sông ở Hà Nội còn rất nhiều. Ảnh: Shutterstock.

Đô thị ven sông: Những giấc mơ còn dang dở

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Một lần nữa, những dự án ven sông Hồng của Hà Nội sau hàng chục năm đắp chiếu lại được các cử tri đề cập đến và muốn có câu trả lời rõ ràng.

Sốt ruột vì ch quy hoạch

Tại kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội khoá XV vừa qua, nhiều cử tri đã đề nghị làm rõ các dự án đã kéo dài lâu năm như: dự án xây dựng khu nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn và các công trình tiện ích công cộng để cho thuê (Dự án Sông Hồng City) tại khu vực hồ Nghĩa Dũng (nay thuộc địa giới phường Yên Phụ, quận Tây Hồ và phường Phúc Xá, quận Ba Đình), dự án xây dựng nhà khách UBND Thành phố tại 584 Lạc Long Quân (phường Nhật Tân) có thực hiện nữa không? Nếu có thực hiện đề nghị sớm triển khai để nhân dân trong khu vực dự án ổn định cuộc sống.

Trả lời về vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cho biết, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân chủ quan là giai đoạn 1997 - 2001, thị trường bất động sản suy thoái, nhà đầu tư gặp khó khăn tài chính dẫn đến dự án bị ngừng triển khai. Còn nguyên nhân khách quan là do có sự thay đổi pháp luật Đê điều và chưa phê duyệt quy hoạch phân khu hai bên bờ Sông Hồng.

Như vậy, nếu tính từ năm 1994, khi nhà đầu tư Singapore đề xuất dự án Trấn Sông Hồng xây dựng ở ngoài đê khu vực An Dương đến nay, đã gần 30 năm trễ hẹn với kế hoạch phát triển đô thị ven sông. Sau này, Hà Nội và Seoul từng có kế hoạch hợp tác để phát triển đô thị ven sông Hồng, nhưng cũng đã bị đình lại.

Trong tháng 7 và tháng 8/2020 khi làm việc cùng các bộ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, việc cần thiết của Hà Nội là hoàn thiện các quy hoạch phân khu, trong đó có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.

Người đứng đầu Thành ủy Thành phố chia sẻ, khi ông đi Đan Phượng, Hoài Đức, thấy đất ngoài bãi mênh mông mà không dùng được. Cả đất bãi giữa ở Hoàn Kiếm, muốn mượn dùng tạm một số việc cũng không được, tất cả đều chờ quy hoạch.

“Muốn quy hoạch hai bên bờ sông Hồng và các dòng sông khác, phải làm quy hoạch thoát lũ, vì thế, Thành phố đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, tạo điều kiện cho thành phố triển khai”, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Khai thác tốt lợi thế sông, hồ sẽ giúp không gian đô thị được mở rộng và đi theo hướng bền vững. Ảnh: Shutterstock.

Khai thác tốt lợi thế sông, hồ sẽ giúp không gian đô thị được mở rộng và đi theo hướng bền vững. Ảnh: Shutterstock.

Tầm nhìn giữ vai trò quyết định

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội có tiềm năng lớn về quỹ đất ven sông, tuy nhiên, quỹ đất này phụ thuộc nhiều vào lưu lượng nước và hành lang thoát lũ, nên rất khó khai thác. Ngày nay, biến đổi khí hậu diễn ra rất mạnh, lượng mưa hiện nay lên đến 400 ml, trong khi chúng ta đang tính và vận hành chỉ ở mức 200 ml.

“Chúng ta cần có một cách nhìn tổng thể, dài hạn, cần có quy hoạch chung cấp quốc gia về thoát lũ, về môi trường. Sau đó, phải có quy hoạch kỹ thuật ngành thủy lợi, muốn khai thác phải kết nối sông nhánh ra sao. Tiếp đó, phải có quy hoạch vùng, xác định đâu là chỗ có lợi thế ưu tiên phát triển, chỗ nào phải chịu thiệt (phân lũ). Tiếp nữa mới đến quy hoạch chung của từng địa phương, quy hoạch thoát lũ cho Thủ đô. Tóm lại, Hà Nội sẽ còn bị vướng nếu chưa có quy hoạch quốc gia, vùng. Hà Nội không thể tự làm một quy hoạch thoát lũ riêng cho mình được. Phải có đủ 4 quy hoạch trên mới có thể tính đến chuyện khai thác quỹ đất ven sông”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Nhìn nhận về câu chuyện quy hoạch đô thị ven sông của Hà Nội, kiến trúc sư Trịnh Hoài Ân, Giám đốc Quy hoạch đô thị Archetype Vietnam cho rằng, với Hà Nội, sông Hồng chảy qua theo đường thẳng, nếu phát triển trung tâm đô thị trải dài theo sông Hồng thì nguồn lực của trung tâm bị giảm, vì xa các trung tâm tài chính. Do đó, cần xem xét bán kính từ điểm cuối của nơi phát triển dân cư đến trung tâm đô thị không nên vượt quá 30 km. Theo ông Ân, nên đề xuất hình thành các trung tâm đô thị dọc sông Hồng, các trung tâm này có bán kính so với vùng lõi Hà Nội từ 50 - 60 km.

Ngoài các cây cầu hiện hữu, Hà Nội sẽ xây dựng mới nhiều cầu bắc qua sông Hồng gồm: Cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thăng Long mới (Vành đai 3), cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Trần Hưng Đạo, cầu Phú Xuyên trên đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, cầu Vân Phúc (đường trục Bắc - Nam nối với tỉnh Vĩnh Phúc phục vụ giao thông liên tỉnh).
Từ năm 2011, khi Hà Nội lên kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 Cầu Vĩnh Tuy, CTCP Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án (hình thức BT), quỹ đất đối ứng Him Lam được nhận khoảng 440 ha. Thời điểm đó, Him Lam đã lên ý tưởng về Khu đô thị Him Lam City. Tuy nhiên, đến năm 2017, Hà Nội đã chuyển dự án sang hình thức đầu tư công và Him Lam đã xin rút khỏi dự án.
Tin bài liên quan