Khai thác tốt quỹ đất ven sông mở ra cơ hội phát triển về kinh tế cho các địa phương. Ảnh: Shutterstock.

Khai thác tốt quỹ đất ven sông mở ra cơ hội phát triển về kinh tế cho các địa phương. Ảnh: Shutterstock.

Đô thị ven sông: Cần cả sự tự trọng của người làm quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hà Nội từng có các ý tưởng về đô thị ven sông, chỉ tiếc sau bao năm khát vọng này vẫn chỉ là chuyện thai nghén.

Dòng sông - huyết mạch của phát triển đô thị

Với câu chuyện về ý tưởng làm đô thị ven sông của Hà Nội, có thể nói, dù vẫn còn những quan điểm trái chiều khi thực hiện dự án, nhưng tư duy làm đô thị ven sông là rất đáng trân trọng. Bản thân đô thị ven sông cũng có thể tạo nên các đột phá về phát triển kinh tế, xã hội, hạ tầng... cho cả thành phố, thậm chí khu vực.

Ghi nhận quan điểm của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, doanh nghiệp, phần lớn các ý kiến đều đánh giá cao vai trò của các đô thị ven sông, cho rằng Hà Nội sẽ đẹp hơn nếu các dự án được thực hiện. Đương nhiên, cùng với đó, bao giờ cũng có cả những trăn trở, nghĩ suy về việc làm sao để dự án được triển khai hiệu quả, tránh lợi ích nhóm, tạo nên được không gian sống thân thiện, hài hòa với thiên nhiên...

Nhìn nhận về vai trò của đô thị ven sông, KTS Trịnh Hoài Ân, Giám đốc Quy hoạch đô thị Archetype Vietnam cho rằng, việc xem xét và đề xuất các giải pháp quy hoạch các đô thị ven sông là cần thiết.

Trong các đô thị phát triển hiện nay của các nước trên thế giới và không riêng gì Việt Nam, hình thái đô thị ven sông được các nhà quy hoạch đặc biệt chú trọng và quan tâm. Bởi lẽ, dòng sông chạy trong lòng đô thị có yếu tố lịch sử lâu đời; nơi đó thường là lưu vực di chuyển của các phương tiện tàu bè nối liền các thị tứ, các điểm dân cư trong khu vực và nối liền các hệ thống cảng biển đầu mối để vận chuyển hàng hóa.

Cũng theo ông Ân, bản thân các đô thị ven sông chính là các cỗ máy tạo ra việc làm, thu hút đầu tư và giúp cải thiện hạ tầng, bộ mặt đô thị.

Đô thị bám sông, hồ luôn hấp dẫn các cư dân. Ảnh: Shutterstock.
Đô thị bám sông, hồ luôn hấp dẫn các cư dân. Ảnh: Shutterstock.

Trong con mắt của giới chuyên môn, của các nhà làm quy hoạch, dòng sông luôn giữ một vị trí quan trọng trong tiến trình hình thành và phát triển các đô thị. Và về bản chất, thì việc phát triển các đô thị ven sông là sự kế thừa tiếp nối lịch sử hàng ngàn năm của các thế hệ cha ông đi trước.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy, nhà nhân học, chuyên gia văn hóa cho rằng, việc xây dựng các đô thị ven sông là quan trọng, trong lịch sử phát triển, dòng sông luôn giữ một vai trò nhất định.

“Từ xưa đến nay, việc hình thành các điểm cư dân ở Việt Nam và thế giới đều bám vào các dòng sông. Các thế hệ cư dân chúng ta từ trung du đi xuống đồng bằng cũng đều bám theo các dòng sông: sông Hồng, sông Đà, sông Đáy, sông Nhuệ… Nhìn vào Thăng Long, phố Hiến, Hội An, có thể thấy hình thức đô thị bên sông xưa nay là trên bến dưới thuyền”, ông Huy cho biết.

Học từ “người ngoài”

Đô thị ven sông thực tế không phải là điều gì quá mới mẻ, mà đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Cũng có nhiều bài học thành công trong việc quy hoạch và tạo nên các khu đô thị ven sông, vừa tạo nên không gian sống tốt cho cộng đồng, vừa tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Một điểm chung tạo nên thành công cho các đô thị ven sông, ở các quốc gia đi trước đó là việc xác định sẵn từ khâu quy hoạch, trong đó không gian ven sông cần phải được xem là không gian công cộng, không gian giành cho sinh hoạt cộng đồng, là bất khả xâm phạm.

Vẻ đẹp thành phố Moscow bên sông. Ảnh: Internet.

Vẻ đẹp thành phố Moscow bên sông. Ảnh: Internet.

Thành phố Moscow (Liên bang Nga) đã rất thành công khi phát triển các khu đô thị ven sông, theo đó người dân có thể đi dọc bờ sông để tham quan, và có thể “đọc” được hết câu chuyện của thành phố, về sự chuyển tiếp từ khu phố cổ sang khu mới hiện đại.

Ở nhiều nơi trên thế giới, dòng sông góp phần chuyên chở văn hóa, lịch sử vào trong nội dung phát triển của cả một đô thị. Ở Thụy Sỹ hồ Geneve đã làm rất tốt sứ mệnh của mình khi đưa du khách hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi tham quan thành phố bằng đường thủy, nơi mà đô thị được phát triển chủ yếu theo hướng thấp tầng, nhà cửa thấp thoáng trong các vườn hoa, rừng cây…

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với các quốc gia có dòng Danube (chảy qua nhiều nước Trung và Đông Âu), sông Potomac, hay sông Seine chảy qua.

GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI) cho rằng, việc sử dụng không gian hai bên bờ sông và cấu trúc nó thành một phần của cơ thể đô thị là cả một bài toán quy hoạch không đơn giản. Quy hoạch không ổn thì không thể tạo nên một cấu trúc đa chiều phát triển theo 2 hướng dọc sông và ngang sông, tạo hướng mở từ trong đô thị ra ngoài sông.

Ở nhiều quốc gia, một số tòa tháp ven sông chính là điểm nhấn cho các tuyến đường hướng từ trong đô thị ra để tạo liên kết theo trục ngang. Và đặc biệt, hành lang hai bên bờ sông phải được bảo vệ, phải được dành cho người dân, qua các các không gian công cộng như đường đi dạo, vườn hoa…

Góc nhìn thẳng

Nhìn lại ý tưởng và đề xuất trong quá khứ, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội đã bỏ lỡ quá nhiều thời gian cho việc phát triển các đô thị ven sông, bỏ lỡ việc quy hoạch một cách đồng bộ đô thị gắn với sông nước.

Việc phát triển các đô thị gắn với dòng sông mới được xới lại cách đây ít lâu, dù ít, dù nhiều cũng mang lại những kỳ vọng. Cụ thể, mới đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã đưa ra định hướng là xây dựng quy hoạch làm sao tạo ra được con đê kết hợp với đường, tạo thành 2 con đường ven hai bên bờ sông Hồng.

Hà Nội còn nhiều quỹ đất hai bên sông Hồng và bãi giữa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Hà Nội còn nhiều quỹ đất hai bên sông Hồng và bãi giữa. Ảnh: Thành Nguyễn.

Dù chưa có kế hoạch triển khai cụ thể, cũng như còn đó rất nhiều rào cản, nhưng kế hoạch đánh thức tiềm năng những dòng sông ở Hà Nội đều rất được quan tâm. Trong đó, ngoài việc làm tốt công tác quy hoạch, tạo ra các khu đô thị đáng sống, tạo nên động lực tăng trưởng, thì còn đó cả những câu chuyện bảo tồn văn hóa, bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương, tránh việc quy hoạch đô thị ven sông thành miếng mồi ngon cho các doanh nghiệp chia chác.

Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia quy hoạch bày tỏ: “Xin nói thẳng, nhìn vào công tác quy hoạch đô thị lâu nay, cảm giác như các địa phương đang chạy theo đòi hỏi của nhà đầu tư hơn là vai trò dẫn dắt của người làm quản lý. Làm đô thị ven sông là đúng, là tốt, nhưng nhất định, chính quyền địa phương phải giữ vai trò dẫn dắt, chứ không thể để các chủ đầu tư tác động để có những điều chỉnh phi lý”.

Hà Nội đã bỏ lỡ gần 3 thập kỷ cho phát triển đô thị ven sông, giờ là lúc câu chuyện này cần được bàn bạc một cách nghiêm túc. Cũng rất cần một sự tự trọng của những người làm quy hoạch, ở điểm cái gì làm được, khả thi cao thì nhất quyết triển khai, cái gì còn hạn chế về trình độ, tư duy và cả tiềm lực thì nhất quyết để lại, cho thế hệ con cháu đủ tài, tâm, tầm thực hiện tiếp, chứ không thể miễn cưỡng rồi sau đó để lại hậu quả nhiều hơn thành tựu.

Tin bài liên quan