Thưa ông, đánh giá về thực trạng phát triển đô thị miền Trung, ông có thể nói điều gì?
Thời gian qua, nhất là 15 năm gần đây, đô thị ven biển miền Trung phát triển tương đối mạnh mẽ. Các trung tâm mới được hình thành, nổi bật khu vực Nam Trung Bộ là Nha Trang, Mũi Né (Bình Thuận)..., quanh vịnh Quy Nhơn (Bình Định), đặc biệt là khu vực Đà Nẵng - Hội An.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung
Quy hoạch 5 khu kinh tế ven biển (gồm Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Bắc Vân Phong - Nam Phú Yên), với sự có mặt của các khu đô thị bên trong, đã tạo nên hướng phát triển chiến lược cho các tỉnh miền Trung.
Để phát triển đô thị miền Trung, đặc biệt là đô thị ven biển, phải đặt miền Trung vào trọng tâm của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Trong Chiến lược này, miền Trung là mặt tiền, tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như đánh bắt xa bờ gắn với trung tâm hậu cần nghề cá, quy hoạch đô thị làng chài phải theo hướng hiện đại hóa; khai thác hệ thống cảng biển gắn với dịch vụ hàng hải, logistics; tập trung phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế cũng như đẩy mạnh du lịch biển đảo gắn với văn hóa, lịch sử.
Về du lịch, miền Trung đã hình thành các đô thị du lịch, bất động sản du lịch, nổi bật là Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, tương lai là khu vực Nam Hội An đến Tam Kỳ...
Dù vậy, điều kiện tiên quyết để phát triển được đô thị ven biển là phải hình thành đường ven biển chiến lược. Ở khu vực miền Trung, đường giao thông chiến lược không phải Quốc lộ 1 mà là đường ven biển. Đây sẽ là mặt tiền mới của Việt Nam nhìn ra biển, với các đô thị xung quanh.
Vậy mô hình nào để các đô thị miền Trung phát huy hết tiềm lực hiện có?
Các địa phương thuộc Vùng duyên hải miền Trung có chung lợi thế sở hữu bờ biển trải dài, hội tụ nhiều danh thắng, di sản văn hóa. Đây chính là lợi thế lớn để các địa phương xây dựng chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là quy hoạch phát triển hệ thống đô thị theo hướng đô thị du lịch.
Hiện tại, Đà Nẵng là đô thị kiểu mẫu, có vai trò dẫn dắt và đang tiếp tục được xây dựng thành đô thị thông minh. Sự hình thành và phát triển của TP. Đà Nẵng có thể gọi là một cuộc cách mạng, khi chỉ trong vòng 20 năm, TP.Đà Nẵng thay đổi hoàn toàn, tạo tác động lan tỏa mạnh tới toàn khu vực.
Dẫu vậy, để thực sự là trung tâm đô thị của miền Trung - Tây Nguyên, Đà Nẵng phải liên kết chặt chẽ với các đô thị liên kế, đó là TP. Hội An và Thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), từ đó hình thành không gian đô thị chung. Tôi muốn nhấn mạnh là quỹ đất trong giai đoạn đô thị hóa là “con gà đẻ trứng vàng”, cần có cơ chế huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng đô thị.
Từ kinh nghiệm Đà Nẵng, chiến lược đổi đất lấy hạ tầng có thể triển khai được ở các địa phương khác. Thêm nữa, muốn phát triển đô thị, kích cầu bất động sản, giao thông phải đi trước một bước...
Điều quan trọng, hướng phát triển này không chỉ mở ra cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất đọng sản, hạ tầng du lịch mà còn tạo tiền đêfề thúc đẩy sự kết nối giữa các địa phương trong vùng.
Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố của 2-3 triệu dân, nhưng có vẻ vẫn khó đạt, thưa ông?
Đà Nẵng không nên sốt ruột. Hãy nhìn vào hệ lụy của tốc độ tăng dân số quá nhanh mà khu vực Đông Nam Bộ, TP.HCM hay Hà Nội đang gánh. Thực tế, Đà Nẵng đã có lúc đón 3 triệu khách du lịch. Tôi tin là thành phố này tiến đến mục tiêu 2-3 triệu dân là không xa.
Ở một khía cạnh khác, không gian đô thị Đà Nẵng đang mở theo hướng Quảng Nam - Đà Nẵng, khớp nối đô thị Hội An, Thị xã Điện Bàn, sẽ phải tính tới sự dịch chuyển dân số từ khu vực cửa nối Liên Chiểu (Đà Nẵng) với Lăng Cô (Huế) khi đường hầm thứ hai qua đèo Hải Vân hoàn thành.
Điểm thuận là dân số sẽ tăng dần qua sự liên kết phát triển kinh tế sẽ không tạo ra áp lực cho đô thị như cách tăng dân số do nhu cầu sử dụng lao động tập trung trong những các khu công nghiệp ở Hà Nội hay TP.HCM hiện nay.