Hai biểu tượng
Thời điểm ra đời, cả hai khu đô thị đều tạo nên sự hào hứng cho cộng đồng cư dân đô thị, trở thành vùng đất đáng sống, là niềm mong mỏi cư trú của nhiều người dân Hà Nội và TP.HCM.
Cách đây đúng 10 năm, Phú Mỹ Hưng trở thành đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước và sự xuất hiện của Phú Mỹ Hưng đã biến vùng đất sình lầy trước đó trở thành nơi ước đến, chốn mong về của nhiều thị dân TP.HCM.
Phú Mỹ Hưng giữ vai trò địa danh biểu tượng cho cả TP.HCM khi tạo nên một sự dịch chuyển đáng kể về dân số, cư dân từ khắp khu vực khác của TP.HCM đổ về khu Nam. Thậm chí, nhờ dự án này, thị trường bất động sản khu Nam trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM.
Dù đã đánh mất vị trí đẫn đầu vào tay khu Đông, nhưng đến nay, Phú Mỹ Hưng vẫn là biểu tượng và là dự án để các dự án bất động sản khác “ăn theo”. Các cụm từ như “gần Phú Mỹ Hưng”, “cạnh Phú Mỹ Hưng” trở thành một “key” truyền thông quan trọng trong công tác bán hàng của các dự án sinh sau.
Còn với Linh Đàm, câu chuyện cũng có nhiều nét tương tự. Được công nhận là đô thị kiểu mẫu sau Phú Mỹ Hưng 1 năm (vào năm 2009), Linh Đàm ngày đó cũng là cả một bầu trời mơ ước với nhiều cư dân Thủ đô. Một không gian đô thị được chạy dọc theo chiều dài hình vành khăn của hồ Linh Đàm và các tuyến giao thông bố trí hợp lý.
Khu đô thị Phú Mỹ Hưng vẫn là một chuẩn mực trong phát triển đô thị . Ảnh: Lê Toàn
Không gian cảnh quan đẹp, yên bình, các khối nhà chạy dài, quay mặt dứng theo hướng Bắc - Nam với các không gian công viên lớn biến Linh Đàm trở thành khu đô thị đáng sống của Thủ đô.
Câu chuyện của Linh Đàm còn gắn với sự phát triển mạnh mẽ của một doanh nghiệp bất động sản, đó là Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Nhờ được giao xây dựng Linh Đàm, HUD đã vươn mình thành một doanh nghiệp tầm cỡ của làng địa ốc.
Hai ngã rẽ
Sau 10 năm, câu chuyện của Linh Đàm và Phú Mỹ Hưng đã mang nhiều nét khác.
Mới đây, trong Hội nghị Cụm đô thị đồng bằng sông Hồng, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã phải thốt lên: “Ngày trước chính tôi ký quyết định công nhận khu đô thị kiểu mẫu cho cả Phú Mỹ Hưng và Linh Đàm, nhưng bây giờ, Khu đô thị Linh Đàm không còn giữ được như trước nữa. Không gian công viên, cây xanh giờ đã biến thành nhà ở hết. Cá nhân tôi đã góp ý với Bộ trưởng đương nhiệm là thu hồi quyết định công nhận đô thị kiểu mẫu với Linh Đàm, vì nó không còn xứng đáng”.
“Quy hoạch giờ bị phá vỡ, không còn đồng bộ. Số lượng dân cư bị tăng lên, đường sá, y tế, trường học không đáp ứng đủ, Linh Đàm giờ nhếch nhác hơn nhiều”, ông Quân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS.TS.KTS. Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư từng nhận xét, Linh Đàm và Phú Mỹ Hưng đã phát triển theo hai hướng đối nghịch.
Ở Phú Mỹ Hưng là sự phát triển đồng bộ của các công trình công cộng, dịch vụ xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế, là bài học mẫu mực về cách phát triển đô thị từ quy hoạch - kiến trúc; chiến lược phát triển bất động sản; quản trị và xây dựng chính sách, tín dụng trong đầu tư và bán hàng; bảo tồn và mở rộng các không gian mở tự nhiên…
Ngược lại, Linh Đàm chạy theo thị trường nhà đất khiến nó bị phá hỏng quy hoạch ban đầu. Việc xây nhà cao tầng vô tội vạ để bán kéo theo hệ lụy tăng dân số chóng mặt.
“Điều đáng nói hơn là các dịch vụ đời sống thiết yếu như trường học, bệnh viện, chợ, khu vui chơi… không được xây dựng như quy định và sẽ mãi mãi không thể xây được nữa, do đất công cộng trong quy hoạch đã bị chuyển đổi xây chung cư”, ông Thục nhận xét.
Linh Đàm hiện đang là khu đô thị đối mặt với nhiều vấn đề bức thiết cần được giải quyết, trong đó có sự quá tải về mật độ dân cư, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, nguồn nước. Sau gần 10 năm trở thành đô thị kiểu mẫu, Linh Đàm đang dần trở nên xấu xí, bí bách. Nếu trước đây đó là vùng an cư lý tưởng với nhiều người, thì nay, cũng tại đây, không ít cuộc tháo chạy của các cư dân đã diễn ra.
Vai trò của công tác quy hoạch
Với Phú Mỹ Hưng, sau ngần ấy năm miệt mài kiến tạo, bám quy hoạch và tuân thủ, khu đô thị kiểu mẫu ngày nào không những vẫn giữ được các giá trị nguyên bản ban đầu theo các tiêu chí của khu đô thị chuẩn mực, mà còn góp phần tạo ra xu thế phát triển sản phẩm bất động sản và có tác động tích cực đến thị trường.
Còn với Linh Đàm, theo theo TS.KTS. Khuất Tân Hưng, hiện trạng xây dựng khu đô thị bán đảo Linh Đàm làm chúng ta thấy tiếc cho một bản quy hoạch không thành. Một khu đô thị kiểu mẫu theo ý tưởng quy hoạch của 20 năm về trước giờ chỉ còn là ước mơ.
Theo chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Thời tôi còn đương chức, tốc độ đô thị hóa của nước ta đã rất lớn, trung bình 1 tháng xuất hiện thêm một khu đô thị.
Giờ tốc độ này còn cao hơn, vì đó là xu thế tất yếu, là quy luật khách quan, nên không thể tránh. Tuy nhiên, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm các quốc gia đi trước, đặc biệt trong vấn đề quy hoạch dân số để học tập. Ví dụ như ở Pháp, các khu đô thị khi quy hoạch đã được ấn định về mức dân số và người ta tuân thủ một cách nghiêm ngặt điều đó”.
Câu chuyện của Phú Mỹ Hưng và Linh Đàm xét cho cùng, có lẽ không ngoài việc tuân thủ và thực hiện đúng quy hoạch đã có. Trong đó, cần cả ý chí chính trị của đơn vị quản lý quy hoạch địa phương và các doanh nghiệp ngành địa ốc.
Góp ý về công tác quy hoạch, phát triển đô thị, bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, cụm đô thị Đồng bằng sông Hồng luôn đi trước trong quản lý, phát triển đô thị. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi ngày càng nhiều hơn trách nhiệm của người làm công tác quản lý, quy hoạch đô thị. Các địa phương cần tham khảo kinh nghiệm các đô thị khác, kinh nghiệm quốc tế để có kế hoạch phát triển đô thị hợp lý, tránh việc phát triển theo phong trào hay phá vỡ quy hoạch.
Đánh giá về vai trò của việc gìn giữ quy hoạch đô thị nói chung và các dự án cụ thể nói riêng, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho biết, người dân, khách hàng ngày càng quan tâm đến các dự án có quy hoạch đồng bộ, từ hạ tầng, tiện ích, cho đến không gian cảnh quan.
Đặc biệt, việc tuân thủ quy hoạch nghiêm ngặt đúng với cam kết trước đó cũng rất được quan tâm, theo dõi. Chủ đầu tư nào thay dổi quy hoạch, thay đổi mật độ xây dựng thì về lâu về dài sẽ bị ảnh hưởng uy tín.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com