Đô thị biển: Vẻ đẹp của kinh tế biển

Đô thị biển: Vẻ đẹp của kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu 2030 và tầm nhìn 2045, Việt Nam phải trở thành quốc gia biển mạnh, trong đó các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước, thu nhập bình quân cao hơn 1,2 lần cả nước.

Đô thị biển trong xu hướng đô thị hóa tất yếu

Việt Nam hiện có 833 đô thị các loại với tỷ lệ đô thị hóa bình quân 38,4%, thuộc nhóm thấp nhất so với phần lớn các nước trên thế giới. Trong khi tăng trưởng kinh tế ở các đô thị luôn cao hơn nhiều lần so với khu vực nông thôn, đô thị hóa phải được xem là động lực tăng trưởng của Việt Nam trong thập niên tới. Với ý nghĩa đó, mục tiêu năm 2025 mà chiến lược đô thị hóa của Việt Nam đề ra tại Quyết định 445/QĐ-TTg ban hành cách đây hơn 10 năm là đạt tỷ lệ dân số đô thị 50% còn rất khiêm tốn, chỉ tương đương với các nước châu Phi và rất thấp so với mức trung bình 60% của thế giới được dự báo khi đó.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn , Đại học Fulbright Việt Nam

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn , Đại học Fulbright Việt Nam

Ở khía cạnh công nghiệp hóa, một trong những chính sách lớn của Việt Nam là thành lập các khu kinh tế, đặc biệt là khu kinh tế ven biển. Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 19 khu kinh tế ven biển đã và đang hoạt động trải dài trên hơn 3.260 km đường bờ biển. Theo ước tính, quy mô các khu kinh tế ven biển hiện đóng góp 48% GDP cả nước, trong đó chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, dịch vụ cảng biển và một phần là du lịch.

Gần đây, Nghị quyết 26/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu phát triển các trung tâm du lịch lớn ở một số vùng biển có lợi thế, chẳng hạn như vùng Duyên hải Trung Bộ, theo đó tập trung phát triển các khu du lịch phức hợp, quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao. Định hướng này cũng phù hợp với tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết 08 năm 2017 của Bộ Chính trị về việc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 08 đề ra là đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển bền vững.

Năm 2019, Việt Nam đón tổng cộng 103 triệu du khách, trong đó có 18 triệu du khách quốc tế, sớm chạm mục tiêu Nghị quyết 08 đề ra cho năm 2020. Doanh thu du lịch năm 2019 đạt hơn 31 tỷ USD và đóng góp hơn 9% GDP, tạo việc làm cho hơn 2,5 triệu lao động, trong đó có 750.000 lao động trực tiếp. Mục tiêu đề ra cho ngành du lịch là đến năm 2025 sẽ thu hút 155 triệu lượt khách, trong đó 35 triệu khách quốc tế; đến 2030 thu hút 210 triệu lượt, với 50 triệu khách quốc tế; đóng góp vào GDP từ 15 - 17% vào năm 2030.

Mặc dù mục tiêu này xem ra vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam, nhưng nhu cầu phát triển hạ tầng du lịch trong thời gian tới là rất lớn.

Bên cạnh đó, trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm khoảng 13% dân số vào năm 2016 và dự báo tăng lên 26% dân số vào năm 2026. Với tốc độ tăng trưởng bình quân này, năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm 15% dân số, tương đương gần 15 triệu người, bằng dân số hai con hổ Đông Á Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc) cộng lại; đến năm 2025 chiếm 25% dân số, xấp xỉ dân số Đài Loan (Trung Quốc) và đến 2045 chiếm trên 50% dân số, tức tương đương dân số Hàn Quốc.

Cùng với tầng lớp trung lưu, số triệu phú và giới siêu giàu cũng tăng rất nhanh. Theo báo cáo Wealth-X, Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh thứ 2 thế giới trong thập kỷ qua. Tương tự, tổ chức Knight Prank (2019) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng của những cá nhân vô cùng giàu có (UHNWIS) với số tài sản đầu tư ròng ít nhất từ 30 triệu USD trở lên ở Việt Nam có thể đạt mức 31% trong giai đoạn 2018 - 2023.

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và giới siêu giàu sẽ là động lực làm thay đổi cấu trúc nhu cầu và tiêu dùng của xã hội. Một trong số những xu hướng lớn là người dân sẽ đi du lịch ngày càng nhiều hơn. Ở góc độ khác, khi thu nhập tăng lên, nhu cầu sở hữu đa tài sản, đặc biệt là bất động sản, chẳng hạn như căn nhà thứ hai (second home) cũng sẽ tăng lên. Căn nhà thứ hai thường được lựa chọn ở những khu du lịch, trên núi, ven biển, hồ. Đây được xem là ngôi nhà được người mua dùng để ở, nghỉ dưỡng vào một thời điểm trong năm, đồng thời là một tài sản tích lũy hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Ở Việt Nam, những người thành đạt thường có ít nhất một tài sản ở các thành phố lớn như TP.HCM chẳng hạn, nhưng tình trạng quá tải dân số và ô nhiễm khiến cho ngày càng nhiều người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ra ngoài thành phố vào cuối tuần, đặc biệt khi hệ thống cao tốc được đầu tư làm cho việc đi lại trong ngắn ngày trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.

Nhu cầu này đang trở nên thịnh hành, không chỉ đối với những người trưởng thành mà còn dần trở thành một trào lưu của giới trẻ thành đạt sớm. Theo Telegraph (Anh), Việt Nam nằm trong Top 20 thị trường second home mới nổi trên thế giới, thuộc Top 3 các thị trường second home hấp dẫn có giá trung bình trên 0,5 triệu bảng Anh/sản phẩm.

Siêu đô thị biển - nhìn từ câu chuyện Bình Thuận

Có thể thấy, chiến lược tăng tốc đô thị hóa, đặc biệt là các đô thị ven biển của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy nhanh chóng bởi rất nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cao tốc, sân bay, khu du lịch quốc gia…

Phan Thiết - Bình Thuận nằm ở vùng lõi của cụm ngành du lịch phát triển bậc nhất Việt Nam cùng với TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang và Vũng Tàu. Trên phương diện lịch sử, Phan Thiết là địa danh có chiều sâu văn hoá mang đậm nét Champa độc đáo. Khác với các tỉnh phía Bắc, thời tiết ở Phan Thiết - Bình Thuận có nắng trên 300 ngày/năm, ấm áp, khô ráo, khí hậu ôn hòa, ít gió bão. Tài nguyên tự nhiên của Phan Thiết - Bình Thuận với biển xanh, cát trắng, nắng vàng chan hòa quanh năm, hội tụ đủ điều kiện tự nhiên nổi trội (như biển, đảo, núi, hồ, suối…) cùng với các tài nguyên văn hóa, lịch sử đặc sắc mang đậm nét lịch sử bản địa để trở thành điểm đến du lịch, đầu tư và trải nghiệm hàng đầu của du khách và nhà đầu tư.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đang được Chính phủ đầu tư ngày càng đồng bộ với hệ thống cao tốc, sân bay quốc tế Long Thành lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực, sân bay Phan Thiết, đường tàu lửa chất lượng cao, tuyến đường biển Vũng Tàu - Bình Thuận - Lagi. Đặc biệt, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết giúp kết nối gần 20 triệu dân ở vùng TP.HCM chỉ trong chưa đầy 2 giờ đồng hồ…

Với những điều kiện tiên thiên đó, nhiều nhà tư vấn chiến lược cho rằng, Phan Thiết - Bình Thuận có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe vượt tầm quốc gia và vùng, xứng tầm quốc tế.

Dự án NovaWorld Phan Thiết của Tập đoàn Novaland có thể coi là một ví dụ điển hình cho cách tiếp cận xây dựng một siêu đô thị du lịch biển gắn với một chiến lược khác biệt hóa - Thành phố biển du lịch - sức khoẻ tầm cỡ quốc tế. Dự án này được tích hợp hơn 200 tiện ích đủ năng lực phục vụ nhu cầu đa dạng của cả một cộng đồng gồm dân cư và du khách, cùng với nhiều sự kiện giải trí, thi đấu quốc tế hàng năm, mang lại sự trải nghiệm sôi động không ngừng cho du khách và cơ hội kinh tế cho cư dân.

Đây không chỉ là một dự án thuần túy tư nhân với các lợi ích tư mà còn tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, đóng góp ngân sách nhà nước, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu và tầm nhìn của Chính phủ về chiến lược công nghiệp hóa, đô thị hóa và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Ở góc độ một địa phương, sự thành công đến từ khả năng thu hút được các nhà đầu tư tốt, những doanh nghiệp mạnh, những người giàu và người giỏi.

Vai trò của Chính phủ và chính quyền địa phương, trước hết cần phải thúc đẩy một chiến lược công nghiệp hóa “không khói” trên bình diện chung, đặc biệt là ở những vùng biển hiện chưa được quy hoạch làm khu kinh tế với các cơ sở công nghiệp nặng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thứ hai là cần có một chiến lược tăng tốc đô thị hóa có trọng tâm, hình thành các chuỗi đô thị có bản sắc, một hành lang kinh tế - đô thị biển xanh - sạch - đẹp.

Để thúc đẩy được các chiến lược này, Chính phủ cần hoàn thiện các chính sách về quy hoạch đô thị, chuyển đổi đất đai, pháp lý, sở hữu tài sản, các chuẩn mực về môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, tài nguyên tự nhiên… để tạo hành lang pháp lý, đồng thời bảo vệ được quyền tài sản cho nhà đầu tư và người dân.

Bên cạnh đó, cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, như khởi công các tuyến cao tốc Bắc - Nam và các tuyến cao tốc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, sớm khởi công dự án sân bay quốc tế Long Thành, khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào một số dự án sân bay vùng, đầu tư hạ tầng viễn thông, mạng 5G, hạ tầng đô thị, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực… Nhà nước, ngoài những phần việc thuộc chức năng của mình, hãy tạo môi trường và điều kiện tốt nhất, thị trường tất sẽ vận hành hiệu quả.

Tin bài liên quan