Xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Ảnh: Đức Thanh
Quay cuồng trong “bão giá”
Giá dầu tăng sốc, đã lên trên 130 USD/thùng và “được” cảnh báo là có thể tăng lên 300 USD/thùng. Giá niken tăng dựng đứng. Giá vàng nhảy múa. Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt... Đó là những cụm từ được nhắc nhiều trong những ngày gần đây.
Xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng, Mỹ và các nước phương Tây áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga, trong khi Nga cũng có các “đòn” đáp trả cứng rắn, là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Tất cả đang khiến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam, không chỉ quay cuồng trong cơn “bão giá”, mà còn đối mặt với rất nhiều thách thức, rủi ro lớn.
Dù trước mắt, các tác động trực tiếp của cuộc chiến này tới kinh tế Việt Nam có thể không nhiều, bởi quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với Liên bang Nga và Ukraine không lớn, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Việt Nam, song các tác động gián tiếp được cho là rất đáng kể. Dễ nhìn thấy nhất, cũng giống như kinh tế toàn cầu, chính là giá cả hàng hóa.
“Xung đột Nga - Ukraine đang tiếp tục leo thang, khiến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào đang bước vào đợt tăng giá mới. Điều này khiến lạm phát của Việt Nam chịu áp lực lớn”, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá.
Trên thực tế, không chỉ ông Hiếu, mà hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh điều này. Vì giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao, đầu tháng 3/2021, Liên bộ Tài chính - Công thương đã phải điều chỉnh giá xăng RON 95 lên tiệm cận mức 27.000 đồng/lít, cao nhất kể từ năm 2005 đến nay và dự báo, với “đà” này, xăng sẽ tiếp tục tăng giá trong kỳ điều hành giá tiếp theo. Trong khi đó, giá vàng trong nước đã vượt ngưỡng 70 triệu đồng/lượng. Giá thép, giá phân bón cũng không ngừng tăng...
“Chi phí sản xuất và chi phí sinh hoạt của người dân sẽ bị đội lên nhiều”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Có cùng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu của BIDV đã chỉ ra rằng, xung đột Nga - Ukraine sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát của Việt Nam, qua đó, tạo sức ép lên các biện pháp điều hành kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Cụ thể, theo tính toán của Nhóm nghiên cứu, xung đột Nga - Ukraine sẽ làm giá xăng dầu tăng bình quân 30-40% so với hồi đầu năm, khiến thâm hụt thương mại xăng dầu tăng lên mức 9 tỷ USD, thay vì 6,3 tỷ USD của năm ngoái; còn chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm sẽ tăng thêm 0,8-1 điểm phần trăm, lên mức 3,8-4,2%.
Con số này khá tương đồng với dự báo mà Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đưa ra trước đó. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở giá cả hàng hóa, hay áp lực lạm phát, mà còn ảnh hưởng nhiều đến các lĩnh vực khác. Giá phân bón đạt đỉnh, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng rất cao, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, giá thép cũng tăng mạnh, có thể tiếp tục ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mà Chính phủ đang hối thúc đẩy nhanh để đưa nền kinh tế phục hồi hiệu quả trong giai đoạn 2022-2023. Và điều này sẽ ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế.
Hệ lụy lớn từ xung đột Nga - Ukraine
Có một câu hỏi luôn được đặt ra là, trong nguy có cơ, vậy Việt Nam liệu có cơ hội trong bối cảnh này? Câu trả lời là có.
Thông tin trong những ngày gần đây, nhiều tập đoàn lớn đã rời bỏ nước Nga. Đây có thể là cơ hội để Việt Nam đón nhận dòng vốn này. Thậm chí, ở một góc độ khác, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam còn cho rằng, khi phương Tây rời Nga thì đây là cơ hội để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường này. Thương mại hai chiều Việt - Nga mới đạt 5,5 tỷ USD trong năm 2021. Còn đầu tư từ Nga vào Việt Nam mới đạt gần 1 tỷ USD.
Kinh tế Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm nay.
Ở một góc độ khác, giá dầu thế giới tăng cũng có lợi cho ngành dầu khí Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, do giá dầu tăng nên trong 2 tháng đầu năm, thu từ dầu thô đã tăng 28%, góp phần quan trọng giúp thu ngân sách kể từ đầu năm tới nay cũng như kỳ vọng cả năm là khá lạc quan.
Giá dầu tăng cũng là nguyên nhân khiến Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) có kết quả kinh doanh tích cực. Tổng doanh thu của tập đoàn này trong 2 tháng đã vượt 34% kế hoạch, còn nộp ngân sách vượt 52% kế hoạch.
Tuy nhiên, khá thận trọng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, dù cũng có những lợi ích nhất định, như làm tăng thu, nhưng hệ lụy tới nền kinh tế lại không đơn giản. Chỉ riêng việc giá dầu tăng đã tạo sức ép rất lớn đến lạm phát, tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Ở góc độ khác, điều ông Phan Đức Hiếu lo lắng là, xung đột Nga - Ukraine sẽ khiến dư địa thời gian phục hồi kinh tế của Việt Nam không còn nhiều. Do vậy, cần đẩy nhanh việc ra chính sách cũng như tiến trình thực thi các chính sách phục hồi kinh tế.
Thậm chí, ông Cấn Văn Lực còn tính toán, với lạm phát tăng cao, dẫn tới có thể phải điều chỉnh các chính sách điều hành kinh tế, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm 1,1 - 1,3 điểm phần trăm. Vì thế, kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 5,7-5,9% trong năm nay, thậm chí là thấp hơn, nếu các kịch bản xấu hơn xảy ra.
“Kinh tế Việt Nam đối mặt với thách thức lớn trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm nay”, ông Cấn Văn Lực bày tỏ quan điểm.
Trước đó, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, nếu giá dầu ở mức 100 USD/thùng, sẽ làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm 0,2%. Nếu giá dầu ở mức 140 USD/thùng, thì mức giảm có thể lên tới 0,4%.
“Đây mới chỉ là kịch bản đối với giá dầu, còn nhiều tác động khác liên quan tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tới các chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính toàn cầu..., có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, ông Khôi nói.
Rõ ràng, hệ lụy từ cuộc chiến Nga - Ukraine tới kinh tế Việt Nam là không hề nhỏ!