Tổn thất lịch sử
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, siêu bão Yagi gây thiệt hại kinh tế khoảng 40.000 tỷ đồng, khiến GDP 2024 giảm 0,15%. Như vậy, tỷ lệ tổn thất được bảo hiểm trên tổng thiệt hại kinh tế do cơn bão này gây ra tạm ước tính là 17,5% - cao hơn nhiều so với con số 3-4% giai đoạn từ năm 2017 trở về trước.
Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) nhìn nhận, trong lịch sử, dù ngành bảo hiểm đã xử lý bồi thường, chi trả bảo hiểm cho khách hàng trong nhiều sự cố thiên tai nguy hiểm, xảy ra trên quy mô lớn, nhưng chưa có trận bão lũ nào phải chi trả quyền lợi bảo hiểm lớn như bão Yagi (bão số 3).
Thống kê của IAV về thiệt hại của một số cơn bão lớn, gây tổn thất kinh tế nặng nề trong hơn 1 thập kỷ gần đây cho thấy, tổn thất mà cơn bão số 3 gây cho doanh nghiệp kinh doanh và tổn thất ngành bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm phi nhân thọ, lớn gấp nhiều lần so với những cơn bão khác, đó là chưa kể còn nhiều tài sản, đối tượng bị bão lũ tàn phá nhưng không được chi trả quyền lợi bảo hiểm do không có bảo hiểm.
Cụ thể, thống kê của IAV cho thấy, bão Ketsana (năm 2009) gây ảnh hưởng nặng nề đến miền Trung và Tây Nguyên, với hơn 170.000 ngôi nhà bị phá hủy, hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông và nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, gây lũ lụt trên diện rộng, làm nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn về kinh tế; tổng thiệt hại khoảng 16.000 tỷ đồng; số tiền bồi thường bảo hiểm hơn 600 tỷ đồng.
Bão Wutip (năm 2013) đổ bộ vào miền Trung, gây thiệt hại lớn cho các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh…, hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hỏng, hệ thống nông nghiệp bị tàn phá nặng nề, tổng thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng, số tiền bồi thường bảo hiểm hơn 450 tỷ đồng.
Bão Damrey (năm 2017) tấn công khu vực Nam Trung Bộ, gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định, tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 22.000 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả bồi thường khoảng 700 tỷ đồng.
Đủ sức chống đỡ
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thiệt hại về tài sản, kỹ thuật và tổn thất hàng hải là nguyên nhân chính gây ra tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra.
Cơn bão tồi tệ nhất mà Việt Nam từng chứng kiến trong nhiều thập kỷ mang theo gió mạnh và lượng mưa lớn đến các khu công nghiệp và dân cư, gây thiệt hại rất lớn về tài sản, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các địa phương phát triển mạnh khu công nghiệp, nhà xưởng, hoạt động logistics như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội... Ngoài thiệt hại về tài sản đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng, thiết bị và hàng tồn kho cũng bị phá hủy bởi bão.
Điều 64 - Nghị định 73/2016/NĐ-CP quy định, biên khả năng thanh toán tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài là số lớn hơn của 1 trong 2 kết quả tính toán sau: Hoặc 25% tổng phí bảo hiểm thực giữ lại tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán, hoặc 12,5% của tổng phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán.
Đại diện Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, với sức tàn phá nặng nề, siêu bão Yagi đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Các khách hàng của Bảo hiểm Bảo Minh tập trung chủ yếu tại các hợp đồng bảo hiểm tài sản kỹ thuật, xe cơ giới, bảo hiểm hàng hải và con người, ước tính sơ bộ tổn thất bảo hiểm gần 1.000 tỷ đồng.
Tương tự, Bảo hiểm Bảo Việt cũng ghi nhận tổn thất sơ bộ khoảng 1.000 tỷ đồng sau bão.
Với Bảo hiểm PVI, tính đến chiều ngày 11/9/2024, chỉ tính riêng tổn thất về tài sản đã ghi nhận hơn 500 vụ, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2.000 tỷ đồng. Hãng bảo hiểm này nhìn nhận, đây có thể là tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng.
Dù vậy, theo đại diện Bảo hiểm PVI, với tiềm lực tài chính vững vàng, dự phòng bồi thường đầy đủ và có nhiều kinh nghiệm xử lý tổn thất, Công ty sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Với quy mô vốn điều lệ 3.900 tỷ đồng - cao nhất thị trường phi nhân thọ hiện nay, Bảo hiểm PVI được đánh giá có đủ năng lực bảo hiểm cho các tài sản công trình dự án quan trọng trong nền kinh tế.
Ngoài ra, biên khả năng thanh toán của nhà bảo hiểm này luôn ở mức cao trên 140%, quy mô dự phòng nghiệp vụ lên tới hơn 3.200 tỷ đồng cho thấy khả năng đáp ứng trách nhiệm đã cam kết với khách hàng, sẵn sàng nguồn lực để chi trả khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Bảo hiểm PVI cũng là hãng bảo hiểm phi nhân thọ duy nhất của Việt Nam được A.M. Best - một trong những tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới trong đánh giá sức khỏe tài chính của các công ty bảo hiểm trên toàn cầu, tái xếp hạng năng lực tín nhiệm tài chính quốc tế ở mức A- (xuất sắc).
Cụ thể, theo A.M. Best, mức A- phản ánh một công ty bảo hiểm có khả năng tài chính rất tốt, thể hiện qua việc quản lý tốt các nguồn vốn và khả năng thanh toán dài hạn. Công ty có năng lực tài chính mạnh để đáp ứng các yêu cầu chi trả bảo hiểm trong mọi điều kiện kinh tế.
Tổ chức xếp hạng này đánh giá, tổn thất bảo hiểm do bão Yagi gây ra có thể khiến lợi nhuận năm 2024 của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam giảm so với năm 2023, nhưng tỷ lệ an toàn vốn không bị ảnh hưởng. Dù vậy, tác động của cơn bão có thể ảnh hưởng đến các kỳ tái bảo hiểm sau đó, vì các điều khoản và điều kiện tái bảo hiểm nghiêm ngặt hơn...
Các công ty bảo hiểm, tái bảo hiểm tại Việt Nam được A.M. Best xếp hạng như Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Fubon, Vinare, HanoiRe… được nhìn nhận chịu tác động không quá lớn từ tổn thất do bão Yagi gây ra do năng lực tài chính được đảm bảo và thực hiện tốt công tác tái bảo hiểm.
Theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp bảo hiểm thường thực hiện tái bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro phát sinh từ những cơn bão nghiêm trọng cũng như các thảm họa thiên nhiên khác.
Mặt khác, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ trên thị trường hiện nay đều có biên khả năng thanh toán vượt xa biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định hiện hành. Cụ thể, tại PTI, biên khả năng thanh toán tính đến thời điểm 31/6/2024 là hơn 250%; BIC là 211%; PJICO là 177%, Bảo hiểm Bảo Minh là 123%...
Ngoài ra, giới chuyên môn cũng nhìn nhận, do tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm ở Việt Nam còn thấp nên tổn thất được bảo hiểm thấp hơn nhiều so với tổn thất kinh tế.
Minh chứng là theo thống kê của IAV, tính đến thời điểm này, số vụ thiệt hại do bão Yagi được ghi nhận là hơn 9.000 vụ có yêu cầu bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm tài sản (nhà máy công nghiệp, xưởng sản xuất, máy móc, thiết bị, hàng hóa), bảo hiểm xe cơ giới… và bảo hiểm nhân thọ, tổng tổn thất bảo hiểm ước tính hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi tổng thiệt hại mà nền kinh tế phải gánh chịu sau cơn bão này khoảng 40.000 tỷ đồng.