Đo nhiệt kế "Vàng - dầu - đô"

Đo nhiệt kế "Vàng - dầu - đô"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vàng, dầu và đồng USD là 3 "hàn thử biểu" của nền kinh tế toàn cầu. Cùng xem nhận định của các nhà phân tích về xu hướng giá 3 hàng hóa này trong năm 2024.

Giá vàng được dự báo lập mức kỷ lục mới

Giá vàng giao ngay đã có mức tăng 13% trong năm 2023, chốt ở mức 2.032 USD/ounce, đây là năm có mức tăng tốt nhất kể từ năm 2020. Tuy nhiên, đà tăng giá của kim loại quý này được dự báo chưa dừng lại.

J.P. Morgan dự đoán về "một đợt tăng giá đột phá" đối với giá vàng vào giữa năm 2024, với mức giá cao nhất có thể đạt 2.300 USD/ounce nhờ việc các ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất. Ngân hàng UBS cũng dự báo giá vàng có thể đạt kỷ lục 2.150 USD/ounce vào cuối năm 2024 nếu việc giảm lãi suất được thực hiện. Hội đồng Vàng Thế giới, trong triển vọng năm 2024 cũng dự đoán rằng việc cắt giảm lãi suất có thể khiến giá vàng tăng 4%.

Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu về ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, trong khi công cụ CME FedWatch cho thấy lãi suất sẽ giảm xuống dưới 4,00% vào cuối năm 2024.

Ngoài lãi suất giảm, các nhà phân tích dự đoán, xung đột và sự không chắc chắn từ các cuộc bầu cử ở các nền kinh tế lớn cũng sẽ thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng thỏi - tài sản trú ẩn an toàn - trong năm 2024.

“Tuy nhiên, mức tăng của giá vàng có thể yếu hơn nếu lạm phát bật tăng trở lại buộc Fed phải từ bỏ kế hoạch xoay trục chính sách tiền tệ trong năm 2024", Han Tan, Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity cho biết.

Nhận định về triển vọng giá vàng trong năm 2024, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, dư địa tăng trưởng vẫn còn, bởi khi Fed giảm lãi suất sẽ khiến đồng USD yếu đi, làm cho kim loại quý trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang tìm đến vàng để dự trữ, giảm phụ thuộc lớn vào đồng USD, cũng là một yếu tố quan trọng củng cố đà tăng của giá vàng.

Đối với thị trường trong nước, trước việc giá vàng SJC tăng mạnh, đã có thời điểm phá mốc 80 triệu đồng/lượng (bán ra) và luôn cao hơn giá vàng quốc tế 15 - 17 triệu đồng/lượng, các cơ quan quản lý đã đưa ra các giải pháp chấn chỉnh, nhằm tạo sự ổn định cho thị trường.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho hay, Nghị định 24 đã phát huy được vai trò vô cùng quan trọng, đó là kiểm soát được thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất, vì vàng có quan hệ với tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên đến nay, cần thiết phải sửa đổi để phù hợp hơn trước diễn biến thị trường vàng hiện nay và đáng ra phải sửa đổi sớm hơn.

Được biết, NHNN đã tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh vàng, các chuyên gia tài chính, cũng như kinh nghiệm quản lý vàng của nhiều quốc gia, song đến nay, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP vẫn chưa được công bố.

Theo các chuyên gia, nên bỏ độc quyền kinh doanh vàng miếng, thay vào đó, NHNN quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng dưới dạng mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Về lâu dài, cần hình thành sàn giao dịch vàng chuẩn để liên thông với thị trường thế giới.

Bức tranh giá dầu năm 2024 chưa sáng tỏ

Diễn biến của thị trường dầu thô năm 2024 được dự báo sẽ phụ thuộc vào nguồn cung từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+), thậm chí là cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, Venezuela. Năm 2023, dầu Brent có giá trung bình 80 USD/thùng. Giá dầu năm ngoái bị kìm lại do đồng USD mạnh lên, kinh tế nhiều nước chậm lại và sản lượng từ các nước ngoài OPEC tăng.

Các nhà phân tích dự báo, năm 2024, giá dầu Brent có thể đạt trung bình 84,4 USD/thùng. Kỳ vọng này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu năm nay được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày. Còn theo quan điểm của OPEC, nhu cầu dầu thế giới năm 2024 sẽ tăng khoảng 2,25 triệu thùng dầu/ngày, lên mức 103 triệu thùng/ngày. Phần lớn tăng trưởng tiêu thụ dầu toàn cầu dự kiến sẽ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ.

Trong khi đó, nguồn cung năm 2024 được dự báo tăng 1,2 - 1,9 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ các nước ngoài OPEC (dẫn đầu bởi Brazil, Guyana và Mỹ).

Ở kịch bản ít lạc quan hơn, Goldman Sachs đã hạ dự báo với giá dầu Brent xuống ngưỡng 80 - 81 USD/thùng trong năm nay. Đến tháng 6/2024, Goldman Sachs dự kiến giá dầu Brent sẽ đạt đỉnh 85 USD/thùng, sau đó trung bình là 81 USD hoặc 80 USD/thùng trong hai năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 92 USD/thùng. S&P Global cũng tin rằng mức giá dầu trung bình năm 2024 ước khoảng 85 USD/thùng, trong khi đó, Barclays lại đưa ra dự báo giá dầu cao hơn nhiều, trung bình ở ngưỡng khoảng 93 USD/thùng trong năm 2024.

Giá dầu có tác động lớn và có thể xem như một chỉ báo cho nền kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế phát triển khiến nhu cầu dầu tăng cao, qua đó thúc đẩy giá dầu tăng. Tuy nhiên, khi giá dầu tăng cao đồng nghĩa chi phí vận tải tăng lên, giá cả hàng hóa dịch vụ đồng loạt tăng, gây ra áp lực lạm phát và làm suy giảm sức mua hàng hóa của người tiêu dùng.

Đồng USD sẽ hạ nhiệt

Trong năm 2023, Chỉ số US Dollar index (DXY) chịu ảnh hưởng đáng kể bởi chính sách tiền tệ của Fed. Việc Fed duy trì lãi suất cao khiến chỉ số DXY đạt mức cao nhất trong 20 năm, lên 114,78. Sức mạnh của đồng USD vào năm 2023 có mối liên hệ chặt chẽ với những biến động kinh tế toàn cầu. Việc nền kinh tế chậm lại ở các nước phát triển đã góp phần làm tăng nhu cầu đối với đồng USD như một loại tiền tệ trú ẩn an toàn, bất chấp những bất ổn tiềm ẩn trên thị trường toàn cầu.

Những yếu tố này cùng góp phần vào sự biến động của DXY và tạo tiền đề cho xu hướng thị trường tiền tệ vào năm 2024. Bên cạnh đó, các yếu tố địa chính trị được cho là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến đồng USD. Các căng thẳng về địa chính trị, đặc biệt là ở Trung Đông và vai trò ngày càng tăng của các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) sẽ tác động đáng kể đến thị trường tiền tệ toàn cầu. Động thái hướng tới sử dụng đồng tiền chung của nhóm BRICS và doanh số bán xăng dầu không dùng USD đang tăng cho thấy vai trò thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu đang bị lung lay.

Tuy nhiên, bước sang năm 2024, với kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất, đồng USD được dự đoán sẽ giảm trở lại.

"Chúng tôi cho rằng giá USD sẽ tiếp tục suy giảm trong năm 2024. Chỉ số DXY có thể xuống mức 98 vào quý IV/2024", các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ANZ nhận định.

Tin bài liên quan