“Hy sinh” lợi nhuận
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 thứ tư.
Chẳng hạn, Agribank giảm 1% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ cho vay ngắn hạn có lãi suất từ 5%/năm trở lên và dư nợ cho vay trung, dài hạn có lãi suất từ 7%/năm trở lên, tương ứng giảm từ 0,5 - 0,7 điểm phần trăm trở lên. Ước tính, Agribank dành khoảng 5.500 tỷ đồng cho đợt giảm lãi suất lần này.
Tương tự, ACB giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung, dài hạn.
Sacombank giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có khoản vay thuộc các ngành nghề, lĩnh vực chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, lữ hành, vận tải, nhà hàng, khách sạn, nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế…, đồng thời tiếp tục ưu đãi/miễn phí dịch vụ, cơ cấu nợ và điều chỉnh giảm khung lãi suất cho vay. Ngoài ra, Ngân hàng đang triển khai nguồn vốn ưu đãi trị giá 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Lãnh đạo Sacombank chia sẻ, với tổng dư nợ của hệ thống hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong 5 - 6 tháng, lợi nhuận của Ngân hàng có thể giảm trên 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra năm nay.
Ước tính, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu khoảng 9,6 triệu tỷ đồng, thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính - ngân hàng
Nhiều nhà băng khác cũng đồng thuận với việc giảm lãi suất cho vay. VIB cho biết, Ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức giảm trung bình 1,5% từ ngày 15/7 - 31/12/2021.
Trong khi đó, LienVietPostBank dự kiến triển khai gói tín dụng ưu đãi, với tổng dư nợ tín dụng khoảng 191.000 tỷ đồng. Nếu giảm lãi suất bình quân 1%/năm, nhà băng này sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.
Trước đó, TPBank, MB, VietCapital Bank, Vietcombank, VietinBank đều đã công bố về việc sẽ giảm lãi suất tiền vay trên dưới 1%. Tổng số tiền mà Vietcombank dự kiến hỗ trợ khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021 là 4.000 tỷ đồng, cả năm là 6.100 tỷ đồng. BIDV cũng dự kiến hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.
Chỉ tính riêng 3 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank, BIDV và Agribank, số tiền hỗ trợ để giảm lãi suất trong năm 2021 vào khoảng 17.700 tỷ đồng và số hỗ trợ này sẽ bị tính gần như trực tiếp vào lợi nhuận của các ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng ước tính, nếu phải giảm 1% lãi suất trên tổng dư nợ hiện hữu khoảng 9,6 triệu tỷ đồng, thì con số lợi nhuận ngân hàng có thể bị ảnh hưởng là 96.000 tỷ đồng, tương đương với 1/2 lợi nhuận của toàn ngành năm 2020.
TS. Lực lưu ý, lợi nhuận nửa đầu năm 2021, thậm chí cả năm ngoái của nhiều ngân hàng chưa phản ánh đúng hiệu quả hoạt động. Bởi lẽ, một phần lợi nhuận đến từ việc giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Rất có thể, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên trong nửa cuối năm 2021.
Khó kỳ vọng có làn sóng giảm mạnh lãi suất
Dư địa giảm lãi suất của các ngân hàng vẫn còn, bởi 6 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng dồn dập công bố lợi nhuận tăng trưởng mạnh, trong đó nhiều ngân hàng lãi lớn nhờ biên lãi ròng (NIM) tăng. Tuy nhiên, một làn sóng giảm mạnh lãi suất cho vay trong nửa cuối năm nay như kỳ vọng của các doanh nghiệp là khó có thể xảy ra, vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp, luôn có tính toán kỹ chi phí đầu vào và đầu ra, nhất là khi giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ tiêu lợi nhuận.
Các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ cân nhắc rất kỹ việc giảm lãi suất cho vay, bởi lãi suất huy động không còn nhiều dư địa giảm trước lo ngại tiền trong dân sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Nhưng hành động giảm lãi vay là cần thiết đối với các ngân hàng, chứ không hẳn chỉ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Việc giảm lãi vay chính là cứu bản thân các ngân hàng trước bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Nếu không cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp khó có thể trả nợ, khiến nợ xấu gia tăng. Áp lực dự phòng rủi ro của ngân hàng sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Băng Dương chia sẻ, diễn biến dịch ở TP.HCM đang ngày càng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp, công trường phải tạm dừng hoạt động... Bản thân Công ty gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh và chưa nhận được thanh toán từ đối tác, trong khi kỳ trả nợ ngân hàng cận kề. Thực tế, nếu có đủ tiền, doanh nghiệp cũng không thể trả nợ và lãi cho ngân hàng, vì các thủ tục bị gián đoạn bởi dịch. Do đó, ngành ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ cơ cấu, giãn nợ cho cả lĩnh vực xây dựng, hơn là giảm lãi suất cho vay. Bởi lẽ, đến kỳ trả nợ mà doanh nghiệp chưa kịp thanh toán, khoản vay sẽ được ngân hàng tự động chuyển nhóm nợ từ 1 xuống 2 và 3, thậm chí là 4, 5. Ngân hàng nên “cấp cứu” các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM - tâm dịch hiện nay.
Đợt dịch lần này dự kiến kéo dài nên thời gian tới, sức khỏe doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Không chỉ lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch, mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng chịu tác động lớn. Không ít đơn vị sản xuất - kinh doanh hiệu quả trước đây, dù có đơn hàng, hợp đồng, nhưng vẫn phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh, đóng cửa hoạt động do có công nhân bị nhiễm bệnh. Nền kinh tế và doanh nghiệp bị ảnh hưởng chắc chắn sẽ tác động đến các ngân hàng. Cụ thể, doanh nghiệp không có tiền để trả nợ, trong khi ngân hàng phải tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 03/2021/2021 trong giai đoạn 3 năm theo quy định.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, đợt giảm lãi vay lần này áp dụng đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021, tập trung vào những doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Việc giảm lãi suất hiện nay tuy khó, nhưng lúc này rất cần sự chia sẻ của ngân hàng đối với khó khăn của các doanh nghiệp. Cùng với đó, ngân hàng vẫn phải bảo đảm an toàn hệ thống một cách cao nhất, bởi tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành có độ trễ.
Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, trong điều kiện cả nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh nghiệp đang rất khó khăn, ngành ngân hàng nên đồng hành cùng doanh nghiệp, giảm thêm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nghĩa lưu ý, gần đây, ngân hàng công bố đạt lợi nhuận “khủng” vì chưa phải trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi đó, nợ xấu của ngân hàng gần như sẽ phát sinh và gia tăng trong thời gian tới. Cũng cần nhìn nhận, nợ xấu giai đoạn này có nhiều điểm khác so với năm 2008, nguyên nhân gây ra không phải do yếu tố chủ quan mà là khách quan. Dịch bệnh diễn ra trên toàn cầu, hậu quả có thể nặng nề và kéo dài.