Ảnh minh họa.
Hành trình tìm nhà gian nan
Nửa năm qua, anh Tuấn Quang (39 tuổi, nhân viên văn phòng) miệt mài tìm mua căn hộ chung cư, nhưng kết quả mà anh nhận về là con số 0 tròn trĩnh. Thậm chí, những môi giới viên từng tận tình đưa anh đi xem nhà, nay cũng chẳng còn mặn mà tư vấn thêm cho anh. Với mức tài chính khoảng 1,5 tỷ đồng, anh cảm thấy bất lực vì không thể mua được một căn hộ chung cư ưng ý trong nội thành Hà Nội.
Anh Quang cho biết, tổng thu nhập của hai vợ chồng dao động khoảng 35 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt, gia đình anh tích cóp được khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng. Để hiện thực hóa giấc mộng an cư, khoản tiết kiệm này như “muối bỏ biển”.
Vì các dự án mới trong nội thành có giá bán quá cao, lên tới 60 - 80 triệu đồng/m2, anh Quang đành phải lùi ra khu vực ngoại thành để tìm nhà, cụ thể là huyện Gia Lâm. Tại đây, anh được môi giới chia sẻ về các căn hộ có diện tích nhỏ, chỉ khoảng 30 m2. Dẫu vậy, mức giá xét trên diện tích cũng không hề thấp, lên tới hơn 50 triệu đồng/m2. Do không thể đáp ứng yêu cầu về không gian sống cho hai người lớn và hai trẻ em, anh Quang đã “gạch tên” những căn hộ này ra khỏi danh sách tìm mua.
Không mua được căn hộ mới, anh Quang chuyển hướng đi tìm các dự án cũ. Tuy nhiên, các chung cư này dù cũ về thiết kế, cũ về tiện ích, nhưng giá bán lại luôn cập nhật theo thị trường. Tại khu vực phường Văn Quán (quận Hà Đông), một căn hộ 17 năm tuổi có giá lên tới 48 triệu đồng/m2. Cũng tại quận này, một căn hộ khác tại phường Phú La có giá bán “dễ chịu” hơn, chỉ gần 1,4 tỷ đồng, diện tích 53 m2, song lại không có sổ đỏ.
“Ngoài ra, tôi còn được bạn bè giới thiệu một chung cư mini tại phố Hào Nam (quận Đống Đa). Giá bán tương đối phải chăng, chỉ gần 1,7 tỷ đồng cho một căn 50 m2. Nhưng sau các vụ việc như hỏa hoạn, nứt cột bê tông, gia đình tôi không hào hứng với loại hình này”, anh Quang nói.
Lời giải cho đà tăng giá chung cư
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, với số tiền 1,5 tỷ đồng, thì hầu như không thể mua được chung cư mới và cũng rất khó mua căn hộ cũ.
“Với khu tập thể và chung cư mini, hai loại hình này có giá rẻ, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh trật tự, cháy nổ. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các dự án này cũng không tốt. Nhiều người mua các khu tập thể với hy vọng dự án sẽ sớm được cải tạo và bản thân được nhận đền bù. Tuy nhiên, thời điểm cải tạo là bao giờ thì không ai biết chắc”, ông Điệp nêu thực tế.
Cũng theo ông Điệp, người mua nhà có thể tính tới phương án sử dụng đòn bẩy tài chính trong bối cảnh lãi vay đã hạ nhiệt. Hiện nhóm ngân hàng quốc doanh đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi khoảng 5,3 - 8,5%/năm, tùy theo kỳ hạn. Lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã về mức dưới 10%/năm
“Người mua nhà cần chú ý về năng lực tài chính của bản thân và chỉ nên vay số tiền tương ứng với 30% giá trị căn hộ. Người vay cần lưu ý rằng, khi thời hạn ưu đãi kết thúc, mức lãi suất thả nổi có thể sẽ tăng lên 13%/năm”, ông Điệp khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến giá chung cư tại Hà Nội tăng “phi mã” đến từ việc nguồn cung dự án mới vẫn còn hạn chế. Trong đó, những vướng mắc pháp lý chính là gốc rễ của vấn đề trên. Lời giải của thị trường phụ thuộc rất nhiều vào mức độ thẩm thấu của các bộ luật mới, gồm Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Savills Hà Nội nhận định, giá chung cư tăng còn là do chi phí đất và chi phí xây dựng tăng cao. Việc nâng cấp về hạ tầng và chất lượng dự án cũng là lý do khiến giá bán sản phẩm bị đẩy lên. Dù vậy, bà Hằng tin tưởng thị trường sẽ sớm trở nên ổn định hơn, nhờ lượng dự án mới được ra mắt trong năm nay.
Khảo sát của Savills cho thấy, trong năm 2024, thị trường Hà Nội sẽ đón nhận thêm khoảng 12.100 căn hộ. Trong đó, có tới 87% số căn nằm tại các quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Cùng với đó, từ năm 2024 đến năm 2026, những khu vực lân cận như Hưng Yên và Bắc Ninh cũng sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ.
Ngoài ra, Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cũng được nhiều chuyên gia kỳ vọng sẽ giải tỏa “cơn khát” nhà ở giá rẻ của người dân. Tuy nhiên, hiện Hà Nội vẫn còn tương đối “chậm chân” trong công cuộc này. Cụ thể, Hà Nội mới chỉ có 3 dự án, với 1.700 căn. Không chỉ vậy, Hà Nội cũng được Bộ Xây dựng “điểm tên” trong số những địa phương có số lượng đăng ký nhà ở xã hội hình thành trong năm 2024 ở mức thấp, khi chỉ ghi nhận 1.181 căn.