Khóc ròng với mặt bằng cho thuê
Báo cáo thị trường mặt bằng bán lẻ của Batdongsan.com.vn cho thấy, từ đầu năm đến hết quý II/2019, giá mặt bằng tại quận 1, TP.HCM có mức thuê trung bình tăng trên 20%, trong khi tại quận 3 mức tăng gần 15%. Nhưng đó chỉ là mức trung bình, như trường hợp chị Hạnh, chủ một quán phở trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 đang phải chật vật tìm nhà cho thuê để tiếp tục kinh doanh khi chủ lấy lại nhà.
Theo chị Hạnh, căn nhà này được ngăn đôi, một bên là tiệm tạp hóa, một bên cho chị Hạnh thuê với giá cho thuê nhà nguyên căn là 85 triệu đồng/tháng. “Tôi đã mở quán phở ở đây được hơn 5 năm, tuy giá thuê năm nào cũng tăng nhưng nhờ lượng khách ổn định, chủ yếu là khách nước ngoài nên vẫn có lời, nhưng mới đầu tháng này chủ nhà thông báo sắp hết hạn hợp đồng và sẽ chuyển cho một cửa hàng trà sữa với mức giá 160 triệu đồng/tháng”, chị Hạnh kể.
Anh Đặng Ngọc Hải cũng đang chật vật tìm kiếm mặt bằng mới khu vực quận 3 để mở cửa hàng vật liệu xây dựng. Anh Hải cho biết: “Yêu cầu của tôi không quá phức tạp: diện tích mặt bằng khoảng 40 - 50m2 thuộc khu vực dân cư đông đúc. Tuy nhiên, hơn một tháng nay, sử dụng rất nhiều kênh từ trực tiếp đi tìm đến nhờ người thân, thông qua môi giới, tôi vẫn chưa tìm được mặt bằng ưng ý, bởi giá thuê hiện tại quá cao”.
So với thời điểm đi tìm mặt bằng 3 năm trước, anh Hải nhận thấy nguồn cung tại các quận trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, 10 ngày càng ít ỏi. "Khoảng 3 năm trước, chỉ cần thông qua các văn phòng môi giới, tôi được giới thiệu khá nhiều mặt bằng để xem xét, lựa chọn. Thời điểm đó, gần như ngày nào môi giới cũng có hàng để giới thiệu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, cả tuần nay tôi mới nhận được khoảng 3 lời đề nghị đi xem mặt bằng", anh Hải chia sẻ.
Chị Nguyễn Thùy Linh, một môi giới chuyên phân khúc nhà riêng, mặt bằng cho thuê cũng thừa nhận, việc tìm thuê mặt bằng kinh doanh khu vực trung tâm TP.HCM ngày càng khó. Tốc độ đô thị hóa cùng với lợi thế hạ tầng giao thông, xã hội, đặc biệt là cộng đồng dân cư đông đúc khiến số lượng mặt bằng trống khu vực trung tâm luôn hiếm hoi.
Nếu có khách trả mặt bằng, chủ nhà thường chỉ cần treo biển cho thuê thì gần như mặt bằng đó sớm được lấp đầy mà không cần nhờ tới môi giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến môi giới phân khúc này không có nhiều nguồn hàng cung cấp cho khách.
Theo đó, những năm gần đây, những môi giới chuyên về mặt bằng kinh doanh khu vực trung tâm Thành phố đã kiêm thêm cả khu vực vùng ven như quận Tân Bình, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Thạnh… để hoạt động. Ở những khu vực mới phát triển, nguồn cung khá dồi dào.
Chị Tuyết, nhân viên môi giới có văn phòng tại quận Thủ Đức cho biết, nguồn hàng ở các quận trung tâm mới luôn nhiều gấp khoảng 3 lần so với các quận trung tâm cũ và giá thuê thì thấp hơn 1,5 đến 2 lần. Tuy nhiên, nhiều khách thuê, đặc biệt khách thuê lĩnh vực thực phẩm và dịch vụ ăn uống chỉ chọn các quận này khi không thể tìm mặt bằng ưng ý ở khu vực trung tâm cũ.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, tại những khu vực trung tâm, đường lớn thuộc các quận 1, 3, 5 giá thuê mặt bằng đã tăng 30 - 50% trong vòng 2 năm trở lại đây. Như trên đường Võ Văn Tần, đoạn 2 chiều thuộc phường 5 quận 3, giá chào thuê một căn nhà mặt tiền có chiều ngang hơn 3 m, dài hơn 12 m một trệt một lầu hiện đã lên đến 45 - 50 triệu đồng, trong khi 2 năm trước chỉ tầm 30 - 35 triệu đồng.
Còn tại các quận 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh… đều tăng trung bình từ 8 - 20% theo từng khu vực. Nhiều con đường nhỏ hơn thì mức tăng từ 10 - 30% tùy thuộc vào từng quận và diện tích mặt tiền chào thuê từng căn.
Đơn cử, ở khu vực đường Tên Lửa, đường số 17, 17A đối diện trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Tân, giá thuê mặt bằng tăng 50 - 70% chỉ trong vòng 1 năm, từ 20 - 25 triệu đồng lên 40 - 50 triệu đồng cho một căn nhà mặt tiền diện tích 4 m x 20 m một trệt 2 lầu.
Lý do là khu này vừa xuất hiện thêm 2 bệnh viện và Trung tâm thương mại Aeon Mall nên nhiều người tìm đến mở nhà hàng, cà phê, cửa hàng tiện lợi... Khu vực này còn thu hút những đội chuyên đi săn các mặt bằng, sau đó cho thuê lại với giá cao hơn.
Còn ở khu vực đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), giá thuê mặt bằng đã tăng gấp đôi trong vòng 2 năm qua khiến nhiều hộ kinh doanh như ngồi trên lửa. Chủ một cửa hàng kinh doanh hàng gia dụng, kim khí điện máy trên đường Võ Văn Ngân, phường Bình Thọ, cho biết 5 năm trước, chị thuê căn nhà 70 m2 với giá 8 triệu đồng, rồi tăng dần lên 17 triệu đồng/tháng. Mới đây, chủ nhà thông báo lên giá 30 triệu đồng vì có đơn vị thuê làm chuỗi cà phê.
Dọc theo các tuyến đường Thành Thái, Tô Hiến Thành, 3 Tháng 2 (quận 10, quận 11), nhiều người kinh doanh nhỏ than thở về việc chủ nhà đòi tăng giá thuê mặt bằng, thậm chí nhiều người tháng trước còn mới khai trương nhưng tháng sau đã âm thầm đóng cửa.
Ngoài ra, giá thuê mặt bằng kinh doanh tăng nhanh được nhiều người lý giải là do tốc độ đô thị hóa tại TP.HCM diễn ra mạnh mẽ, cùng với sự xuất hiện ồ ạt của các thương hiệu dịch vụ ăn uống, giải trí, cửa hàng nhượng quyền trong và ngoài nước góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và đẩy mạnh nhu cầu mặt bằng thương mại.
“Hãy share đi đừng ngại ngần”
Trong cái khó sẽ ló ra cái khôn, trên các công cụ tìm kiếm cũng như mạng xã hội đang rộ lên phong trào chia sẻ mặt bằng kinh doanh tại những nơi đắt đỏ. Không quá khó để tìm 1 mẩu tin với tiêu đề “share mặt bằng kinh doanh”, hoặc “chia sẻ mặt bằng quận 1”... trên công cụ tìm kiếm google.
Trong đó, chủ yếu bán hàng ăn sáng, bán cafe, và người rao thường bán từ buổi tối đến khuya hoặc các bạn kinh doanh online với một số mặt hàng cố định nào đó.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, tại trung tâm thương mại lớn, có nhiều kios do 4 người chủ cùng thuê chung và 1 nhân viên bán hàng. Hàng bán được cuối ngày sẽ gọi điện từng người lên thu tiền và hệ thống kiểm hàng hoàn toàn thông qua máy vi tính.
Anh Ninh, một tiểu thương ở Trung tâm thương mại quận 10 cho biết, với một kios nhỏ 4m2 thì tổng chi phí một ngày của tiểu thương là 2 triệu đồng, trong đó tiền mặt bằng là 1 triệu, vì vậy việc share chung mặt bằng và nhân viên sẽ giúp giảm được rất nhiều chi phí.
Hay trường hợp của chị Lợi, chủ một quán ăn trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) cho biết, trong một lần tình cờ đi qua còn đường này, thấy biển cho thuê mặt bằng buổi sáng của một chủ quán hải sản, chị quyết định đổi địa điểm kinh doanh.
Quán có diện tích gần 1.000m2, bề ngang quán gần chục mét, có sẵn bàn ghế tiện bán hàng ăn. Thoải mái bán từ 6 giờ sáng đến 1, 2 giờ trưa. Mỗi tháng, chi phí mặt bằng khoảng 3 triệu đồng xem ra là niềm mơ ước của bất kỳ một người kinh doanh hàng ăn sáng trong một mặt bằng khang trang, rộng rãi như vậy.
Có lẽ, giải pháp share mặt bằng luôn có chi phí rẻ hơn cũng là giải pháp không tệ đối với các doanh nghiệp đặc biệt các doanh nghiệp hay cá nhân mới bước chân vào lĩnh vực kinh doanh.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com