Đo lường tác động của chiến tranh với thị trường chứng khoán

Đo lường tác động của chiến tranh với thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giới đầu tư toàn cầu đang lo lắng chiến tranh Nga - Ukraine, nhưng dữ liệu lịch sử lại cho thấy thị trường chứng khoán thường hồi phục sau đó.

Phân tích trên trang Alpha.com, một nhà phân tích cấp cao của Quỹ DGI, chuyên quản lý danh mục đầu tư cá nhân cho khách hàng ở Thụy Điển, Mỹ, Canada, Đức, Scandinavia, Pháp, Anh, BeNeLux, Canada đã chia sẻ tổng hợp về mối tương quan giữa diễn biến của chiến tranh và chỉ số chứng khoán.

Ông phân tích tập trung vào chỉ số S&P 500 (của thị trường Mỹ), để xem trong gần một thế kỷ qua, thị trường chứng khoán phản ứng thế nào mỗi khi một cuộc chiến tranh lớn xảy ra trên thế thế giới.

Theo đó, sự sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử do chiến tranh là khi Đức Quốc xã xâm chiếm Tiệp Khắc vào năm 1939 và tấn công vào Pháp năm 1940. Cụ thể, chỉ số S&P 500 lần lượt giảm 20,5% và 25,8% trong 22 ngày giao dịch kể từ khi các sự kiện đó xảy ra. Tuy vậy, chỉ một năm sau, chỉ số này lại tăng lần lượt gần 19% và 9,2%, lấy lại phần nào những gì đã mất.

Trong trận Trân Châu Cảng (xảy ra vào rạng sáng ngày 7/12/1941), chỉ số S&P 500 giảm khoảng 11% chỉ trong vòng một ngày sau cuộc tấn công. Ngay ngày hôm sau, Mỹ đã tuyên chiến với Nhật và đến ngày 11/12/1941 thì tuyên chiến với Đức, nhưng chỉ số chứng khoán của Mỹ đã phục hồi hơn 15,3% vào một năm sau đó.

Dữ liệu tổng hợp cho thấy, chiến tranh và xung đột mang đến những đổ vỡ bất ngờ, khác nhau về mức độ và độ sâu của chúng, nhưng thông thường, sau đó đều có sự phục hồi và có thể dự báo được. Trung bình, chỉ số S&P 500 giảm 6,5% trong 3 tháng sau một cuộc xung đột vũ trang (toàn cầu hoặc nhỏ hơn) và khoảng 13% trong 12 tháng sau cuộc xung đột nói trên.

Chiến tranh Việt Nam và cả hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh là những ví dụ về các cuộc xung đột mang lại những đợt giảm cực kỳ ngắn với chỉ số chứng khoán Mỹ, sau đó là quỹ đạo đi lên dài hạn. Khi Liên Xô đổ bộ vào Afghanistan vào năm 1979, S&P 500 đã có 12 ngày liên tiếp sụt giảm, với mức giảm tổng cộng khoảng 3,8%. Sau đó, khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, mức giảm của chỉ số này là 2%.

Diễn biến thị trường chứng khoán cũng cho thấy, xung đột vũ trang và ảnh hưởng của nó đối với thị trường nên được xem như một cơ hội mua cổ phiếu và đầu tư chất lượng. Bởi vì, một cuộc xung đột vũ trang không có tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ chẳng hạn, hoặc lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Thực tế là, từ đầu Thế chiến 2 cho đến khi kết thúc, chỉ số Dow Jones đã tăng hơn 50%, tức tăng hơn 7% mỗi năm. Trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, thị trường chứng khoán đã tăng trưởng 115%.

Tin bài liên quan