Thực tế, để huy động nguồn vốn dài hạn, bên cạnh phát hành trái phiếu, nhiều ngân hàng đang có xu hướng đưa ra mức lãi suất cao, cạnh tranh ở các kỳ hạn dài với giá trị tiền gửi lớn. Đơn cử, VCSC có mức lãi suất 8,6%/năm cho kỳ hạn 24-60 tháng. VietA Bank áp dụng mức 8,4%/năm cho kỳ hạn 7 tháng trở lên. Nam A Bank công bố lãi suất 8,45%/năm với kỳ hạn 24 tháng cho tiền gửi trên 500 tỷ đồng...
Một số đơn vị khác huy động vốn trung - dài hạn bằng các chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao như SHB đưa ra lãi suất 8,6-8,9%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng, Sacombank là 8,48-8,88%/năm cho kỳ hạn 5 năm +1 ngày, LienvietpostBank là 8,1%/năm cho kỳ hạn 15-36 tháng…
Trong bối cảnh nhiều ngân hàng tăng lãi suất kỳ hạn hạn dài, lãi suất liên ngân hàng đã ghi nhận sự biến động. Cụ thể, trong tuần từ 1/7 - 5/7, lãi suất VND liên ngân hàng đồng loạt giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối tuần trước đó (mức giảm từ 0,5-0,7 điểm phần trăm tùy kỳ hạn), chốt phiên cuối tuần qua ở quanh mức: Qua đêm: 3,27%/năm, 1 tuần: 3,42%/năm, 2 tuần: 3,55%/năm và 1 tháng: 3,73%/năm.
Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, thanh khoản hệ thống hiện vẫn dồi dào, nên không có áp lực khiến ngân hàng phải chạy đua huy động vốn. Tuy vậy, sức ép huy động ở kỳ hạn trung và dài tại nhiều vẫn tăng bởi 2 lý do: Một là, phải tuân thủ theo lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn; hai là, để tăng vốn cấp 2 nhằm đáp ứng chuẩn Basel II.
Theo quy định Thông tư 16/2018/TT-NHNN, từ đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn tại các ngân hàng phải giảm về 40% và số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ghi nhận đến cuối tháng 4 cho thấy, tỷ lệ đạt mức bình quân 31,52%. Dù vậy, theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn đến năm 2020 phải giảm tiếp về 30%. Vì thế, các ngân hàng đang phải chạy đua huy động để cơ cấu lại nguồn vốn cho vay.
Tại buổi họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 7,33%, nhỉnh hơn đôi chút so với cùng kỳ 2018. Cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực với sự đóng góp tăng trưởng cao từ lĩnh vực công nghiệp, chế biến chế tạo và xuất khẩu.
Theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, rủi ro đối với lạm phát trong thời gian tới có thể đến từ nhóm hàng thịt lợn khi nguồn cung đang suy giảm do dịch bệnh. Ngoài ra, xu hướng tăng của lạm phát lõi cũng khá rõ ràng, không tạo điều kiện thuận lợi để NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ ở quy mô lớn. Trong bối cảnh lạm phát đang nhích dần và những rủi ro đối với thị trường tài chính do xung đột chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, mặt bằng lãi suất được dự báo khó có cơ hội giảm trong thời gian tới.
Giới phân tích tài chính cho rằng, về lý thuyết, có 2 cách để giảm lãi suất cho vay, đó là tiết giảm chi phí hoạt động để giảm tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và giảm giá vốn đầu vào. Tuy nhiên, hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất sau khi mặt bằng lãi suất cho vay được kéo giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây, nên khó có thể kéo giảm thêm. Vì vậy, muốn giảm thêm lãi suất cho vay, giải pháp còn lại là giảm lãi suất huy động, song điều này cũng gần như "bất khả thi" khi chi phí đầu vào vẫn cao.
BVSC cho biết, NIM của toàn ngành trong năm 2019 được dự báo ở mức khoảng 3,2%, thậm chí một số ngân hàng sẽ gặp áp lực giảm NIM do tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) ở mức cao. Trong khi theo khuyến cáo của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới, để hệ thống tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, NIM phải đạt tối thiểu 3,5%.
Tính đến nay, không ít ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua, xây sửa nhà, vay mua ôtô lên 13-13,5%/năm, thậm chí lên đến 40-50%/năm đối với lãi suất cho vay tiều dùng, thẻ tín dụng. Một phần do NIM trong cho vay tiều dùng cao, nên các tổ chức tín dụng cung ứng vốn không ngại tăng chi phí huy động để hút vốn lãi suất cao.