Các sản phẩm biệt thự tại Flamingo Đại Lải đang mang lại trái ngọt cho người mua

Các sản phẩm biệt thự tại Flamingo Đại Lải đang mang lại trái ngọt cho người mua

Dò khẩu vị đầu tư địa ốc cuối năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong số nhiều kênh đầu tư tiềm năng, bất động sản ven đô được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho thị trường địa ốc thời gian tới.

“Đồng gần” lên ngôi

Tình cờ phát hiện khách hàng của mình ngay tại tọa đàm “Đầu tư bất động sản hậu Covid-19” do Tạp chí kinh tế The Leader tổ chức, ông Trương Xuân Quý, Tổng giám đốc Flamingo Land khoe, đa số người mua sản phẩm bất động sản ven đô tại Flamingo Đại Lải Resort đang được hái quá ngọt, bởi “tỷ lệ lợi nhuận không chỉ ở mức như các doanh nghiệp khác cam kết là 10%, mà con số chúng tôi phát triển lên tới mức 12% và cao hơn”.

Chia sẻ sâu hơn về sức hấp dẫn của các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng ven đô, ông Quý nói thêm rằng, đó là do các chủ đầu tư phát triển loại hình sản phẩm này đều hoạch định chương trình song hành với khách hàng mua sản phẩm rất chi tiết nhằm cùng phát triển sau bán hàng.

Đối với đặc tính riêng của bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, cần “đánh” vào yếu tố độc đáo, đặc biệt và duy nhất để hấp dẫn khách hàng. Chẳng hạn như với mỗi một mẫu biệt thự tại Flamingo Đại Lải Resort, “chúng tôi chỉ giới thiệu và bán số lượng rất ít, thậm chí chỉ mười mấy căn”, theo ông Quý, nên có rất nhiều lựa chọn cho khách hàng, phù hợp với tài chính, nhu cầu, thậm chí cá nhân hoá tới từng gu thẩm mỹ của khách.

Được biết, ngay cả trong đợt dịch vừa rồi, Flamingo đưa ra thị trường một lượng lớn sản phẩm và bán vẫn rất tốt, Theo đại diện đơn vị bán hàng là do “khách hàng tin vào thương hiệu, uy tín chủ đầu tư, sự hợp lý của dòng sản phẩm”.

“Tôi xin đưa ra một con số biết nói, ví dụ với một căn hộ 7 tỷ đồng ở Flamingo Đại Lải Resort, hiện chủ biệt thự có thể thu về 150 triệu đồng/tháng”, ông Quý tiết lộ.

Các nhà đầu tư tham quan dự án ở Hòa Bình. Ảnh: Thành Nguyễn

Các nhà đầu tư tham quan dự án ở Hòa Bình. Ảnh: Thành Nguyễn

Trong khi đó, bắt đầu câu chuyện bằng sự thay đổi trong hành vi khách hàng, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Nghỉ dưỡng Ngoại ô cho biết, ngày nay, thuật ngữ “Staycatione” (du lịch tại chỗ) đã trở nên phổ biến hơn, điều này có được phải nhờ đến “công lớn” từ Covid-19.

Theo nhà đầu tư này, dịch bệnh đã hình thành nên rất nhiều thói quen mới, từ sinh hoạt cho đến đầu tư. Việc hạn chế đi lại, giãn cách xã hội đã tạo cơ sở cho staycatione lên ngôi, là giải pháp thay thế hợp lý, đáp ứng cơn thèm du lịch của nhiều người.

Ông Trung ví dụ, thay vì đi Nha Trang bằng tàu bay, với thời gian di chuyển cả đi và về khoảng 8h, chi phí vé máy bay, taxi đưa đón khoảng từ 2 - 4 triệu đồng/người, thì việc di chuyển đến các khu nghỉ dưỡng ven đô chỉ mất khoảng 3h cả đi và về, với tiền xăng khoảng 200.000 đồng cho cả gia đình nếu sử dụng xe ô tô tự lái.

Vài năm gần đây, làn sóng đầu tư ra vùng ven đã phần nào tạo nên một số lượng dự án và phòng nghỉ chất lượng, nhưng theo thống kê từ doanh nghiệp của ông Trung, hiện ven Hà Nội chỉ có chưa đến 10.000 phòng nghỉ dưỡng, con số quá khiêm tốn so với 8 triệu dân nội đô, với nhu cầu nghỉ dưỡng cuối tuần có thể lên tới mức 20 triệu lượt/năm.

Ở một góc nhìn khác, khi đánh giá về nguyên nhân tạo nên sức hút của một số sản phẩm bất động sản thời gian qua, theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, thị trường gần đây đã chứng kiến nhiều hơn sự tham gia của các nhà đầu tư F0. Đó không phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, mà thường là những người có dòng tiền nhàn rỗi, chuyển từ lĩnh vực khác sang bất động sản khi thị trường bị bí kênh đầu tư.

“Nhà đầu tư không bao giờ dừng lại, không bao giờ để dòng tiền chết, đó là lý do khiến cho thời gian qua, thị trường địa ốc xuất hiện ngày càng nhiều các nhà đầu tư tay ngang muốn dùng bất động sản làm nơi cất giữ tài sản và sinh lời”.

Khẩu vị của nhóm F0 theo ông Tuyển là khá rõ ràng khi hướng đến các sản phẩm “đồng gần”, có khoảng cách không quá xa để dễ quản lý và được sở hữu lâu dài, có thể khai thác kinh doanh.

“Nhà đầu tư giờ rất coi trọng vấn đề sở hữu”, ông Tuyển nhận định, nhưng cũng kể thêm rằng, ông đã từng về khu Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) và một số khu vực ven đô khác thì thấy hiện tượng rất nhiều người dân chặt cây, phá vườn, san mặt bằng để bán đất. Nhà đầu tư đổ tiền vào khiến giá đất tuần trước, tuần sau có thể đã tăng gấp đôi và “đây là hiện tượng bất bình thường, nó bắt nguồn từ việc khan hàng, trong khi nhu cầu đầu tư là quá lớn”, ông nói.

Đây cũng là cảnh báo từ ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khi ông này cho rằng, cần thận trọng trước làn sóng san đất, gom đất nền để bán ở không ít địa phương, bởi phần nhiều không phải là sản phẩm bất động sản hoàn thiện, không đảm bảo về pháp lý.

Mua cảm xúc phải dùng lý trí

Đầu tư ra ven đô đã là xu hướng và đang được nhiều nhà đầu tư hưởng ứng, nhưng theo các chuyên gia, để có thể thắng, thì cần có cái đầu lạnh.

Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm F0, ông Trung cho biết, với việc đầu tư bất động sản ven đô, nhất là với mô hình homestay, “lỗi chung” của nhiều nhà đầu tư là bị cuốn vào vòng xoáy thị trường. Khi thị trường nóng, các nhà đầu tư cứ mua, mua và mua liên tục vì cho rằng nếu không mua sẽ lỡ mất cơ hội, từ đó khiến nhiều người rơi vào trạng thái thường được gọi là “say nắng”.

Ngoài ra, theo ông Trung, có 2 lỗi cơ bản nữa mà nhà đầu tư thường mắc phải, đó là bị cảm xúc và cảm giác hợp lý đánh lừa khi xuống tiền. Nhiều nhà đầu tư homestay vốn lãng mạn và mong muốn tạo nên các homestay với tính cá nhân hóa cao, vừa thỏa mãn nhu cầu bản thân để sử dụng, vừa mong muốn có thể cho thuê. Tuy nhiên, theo ông Trung, hiệu suất cho thuê của các homestay đơn lẻ là không quá 4%/năm.

“Tôi đã chứng kiến có người mua cả miếng đất chỉ vì một cây mít ngon, mà hầu như không quan tâm đến thế đất, vị trí dự án, khả năng thiết kế, quy hoạch không gian…”, ông Trung dẫn chứng và nói thêm rằng, ngay một căn secondhome với gu cá nhân cao của người chủ trước cũng không dễ tìm được khách cùng gu khi có nhu cầu chuyển nhượng. Chẳng hạn như “một bộ sofa đẹp theo sở thích cá nhân của người chủ trước nhưng lại không được người chủ sau đánh giá cao”, ông nói.

Đưa ra ví dụ về “quả đắng” mà nhiều nhà đầu tư phải nhận khi đầu tư bất động sản, ông Nguyễn Thọ Tuyển nhận xét, các nhà đầu tư từ Hà Nội, TP.HCM vẫn cho thấy sự “tinh ranh” của mình khi tham gia rất nhanh vào các thị trường điểm nóng rồi cũng rút đi rất nhanh, và rồi khi nhóm nhà đầu tư này rời đi, chính các nhà đầu tư bản địa lại ôm mớ tài sản nhiều khi bất động, không sinh lời và chịu nhiều áp lực lãi vay.

“Đất nền ở tỉnh lên cao thì thường chính người bản địa là người sở hữu, còn các nhà đầu tư thông minh đã rút vốn về rồi, bởi nhà đầu tư Hà Nội, TP.HCM rất thông minh, rất quái và luôn biết rút ra lúc nào là đủ, trong khi các nhà đầu tư địa phương lại thường thất bại ở thương vụ cuối cùng”, ông đúc kết.

Tin bài liên quan