Nhưng lần này, có sự khác biệt khi phiên cuối tuần qua VN-Index bật hơn 25 điểm sau phiên giảm gần 44 điểm. Một tốc độ đảo chiều tương đương với mức biến thiên với gần 70 điểm của VN-Index chỉ trong 2 phiên là một động thái lạ.
Nhà đầu tư có thể rút ra được gì sau sự biến động vừa nhanh, vừa mạnh đó?
Ðầu tiên phải nói tới một câu chuyện khách quan của thị trường, đó là sự “méo” của VN-Index, Báo Ðầu tư Chứng khoán gần đây từng đăng tải bài viết “VN-Index: Chỉ nên giữ như 'vẻ đẹp lịch sử’", bài viết này nhận được rất nhiều phản hồi của bạn đọc mang tính đồng thuận cao. Và rằng, VN-Index không còn phản ánh đúng diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngay trong số báo này, tại trang 15 có bài viết “Cái giá của thị trường khi phụ thuộc các ông lớn”, một con số thống kê rất sát “vẻ đẹp lịch sử" này, rằng 10 mã lớn đã chiếm tới 57,7% giá trị vốn hóa của HOSE. Ðiều này có nghĩa, chỉ cần 2-3 cổ phiếu “đồng thuận” là có thể kéo VN-Index di chuyển với khoảng cách cực rộng.
Chuyện đáng nói ở đây là, VN-Index vẫn được coi là chỉ số chuẩn cho chứng khoán Việt Nam, mọi phân tích về thị trường chứng khoán Việt Nam đều dùng chỉ số này. Các báo cáo trong và ngoài nước đều sử dụng mức độ tăng/giảm của VN-Index để nói về chứng khoán Việt Nam...
Một thước đo đã không còn chuẩn và nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm từ lâu đã không còn quan tâm nhiều tới VN-Index. Tiếc rằng, họ chỉ là con số nhỏ trong cộng đồng nhà đầu tư và việc mã lớn bóp méo chỉ số vẫn là khách quan tồn tại.
Ðể thay đổi điều này, cần sự trả lời của cơ quan quản lý và lãnh đạo 2 Sở Giao dịch chứng khoán!
Một câu chuyện khác cũng đáng để nhà đầu tư quan tâm tới thị trường giai đoạn này, đó là câu chuyện quốc tế. Cuối năm 2017, khi giá hàng loạt cổ phiếu lớn leo dốc, không một tin xấu nào về địa chính trị, lạm phát, lãi suất… từ bên ngoài có thể cản được đà tăng giá của rất nhiều cổ phiếu.
Nhưng thời điểm này, chuyện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình hình Syria… đều đã tác động tới diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chuyện như vậy đã xảy ra trong quá khứ và thường nằm ở giai đoạn thị trường “nhạy cảm”, khi động lực tăng hay giảm có tính nội tại bị bão hòa. Giai đoạn thị trường này, vẫn theo kinh nghiệm, nhà đầu tư vô cùng cần một sự nhảy cảm. Việc chọn đúng mã và thời điểm có thể khiến tài khoản “gấp thếp” hoặc ngược lại.
Làm sao để có được sự nhạy cảm đó? Câu hỏi này hiện chưa có giáo trình chuẩn để trả lời.