Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết năm 2018, lượng xe con Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 800 chiếc, phần lớn là dòng xe du lịch đa dụng dưới 9 chỗ ngồi, mang các thương hiệu nội địa Trung Quốc.
Trong khi các dòng xe tải Trung Quốc suy giảm mạnh vào Việt Nam, xu hướng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi đổ bộ vào Việt Nam cho thấy thị trường Việt Nam đang nhận được sự quan tâm tích cực từ các doanh nghiệp xe hơi cá nhân, gia đình từ Trung Quốc.
Theo lời của doanh nghiệp kinh doanh ô tô Trung Quốc tại Hải Phòng, các hãng xe Trung Quốc đang tập trung đánh vào phân khúc xe phổ thông, đa tiện ích nhưng giá rẻ. Chính vì thế, hầu hết xe nhập từ Trung Quốc bán tại Việt Nam đều là xe gầm cao, trên 5 chỗ ngồi, tiện dụng.
Mức giá cũng được xem là cạnh tranh của các dòng xe Trung Quốc tại Việt Nam khi các dòng xe nhập đều ở ngưỡng không quá 800 triệu đồng/chiếc, mức giá thuộc phân khúc xe hạng B tại Việt Nam và được người mua dễ chấp nhận.
Theo nhiều đại lý xe hơi tại Hà Nội, thị trường xe hơi hiện đang có mức độ toàn cầu hóa rất cao, các dòng xe Trung Quốc dù có khung, gầm nhái các hãng nổi tiếng, nhưng máy móc đều là của chính hãng Nhật hay Thụy Điển, Đức... Hầu hết các dòng xe nội địa Trung Quốc không tự chủ về máy móc, đây cũng là chi tiết thuyết phục được khách hàng trẻ vốn không quá cầu kỳ.
"Nếu xe Trung Quốc thiết kế bắt mắt, có giá rẻ hơn và thậm chí sau 1 đến 2 năm nữa, những người đã mua và sử dụng xe này không thấy xe có vấn đề gì đáng lo ngại, thì những năm sau này có thể xe Trung Quốc sẽ trở thành thế lực mới, cạnh tranh tại Việt Nam", ông Mạnh, chủ showroom xe tư nhân trên phố Nguyễn Khánh Toàn cho hay.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn đánh thuế trên 70% đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, tuy nhiên mức thuế đánh vào xe hơi - mặt hàng nhạy cảm cao (HCL) sẽ giảm đi theo thời gian tương ứng với các quy định bãi bỏ thuế quan của WTO, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) từ năm 2020 và có thể là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)...
Hiện nay, xe Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu qua cảng Hải Phòng, tiêu thụ chủ yếu ở phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang và Lạng Sơn. Việc tiêu thụ các dòng xe Trung Quốc không phổ biến, chủ yếu chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm vì rất nhiều người nghi ngại về chất lượng xe. Hơn nữa, do lịch sử thị trường xe Trung Quốc có nhiều cuộc thất bại, rút chạy khỏi Việt Nam, khiến những người mua các dòng xe Chery, Geely, Lifan "ngậm trái đắng".
Mặc dù nằm cạnh Trung Quốc, nơi sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ xe lớn nhất thế giới, song thực tế lượng xe nhập từ Trung Quốc chính hãng vào Việt Nam khá ít, chỉ vài hãng như Volvo, Audi còn lại hầu hết các dòng xe nhập vào Việt Nam đều từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ mới đây là các nước ASEAN.
"Dường như các tập đoàn xuyên quốc gia lắp ráp và sản xuất xe tại Trung Quốc không coi Việt Nam là thị trường bởi họ chủ yếu khai thác thị trường Trung Quốc và xuất khẩu toàn cầu vì lợi thế quy mô. Việt Nam được coi là thị trường hẹp còn lại để cho các hãng xe nội địa Trung Quốc thi thố và xuất khẩu các dòng xe nội địa của nước này. Chắc chắn, các hãng xe nội địa Trung Quốc rất quan tâm thị trường Việt Nam, nơi có thu nhập đang tăng cao và nhu cầu xe ô tô ngày một lớn", ông Fred Burke, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhận định.
Theo các chuyên gia về thị trường xe hơi tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê về lượng tiêu thụ xe Trung Quốc tại Việt Nam, các số liệu mới chỉ căn cứ trên thị trường thực tế, do đó chưa đánh giá được sức ảnh hưởng của xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam là bao nhiêu và điều này có khả năng tác động đến giá thị trường, thị hiếu và cảm nghĩ của đại đa số người dùng xe Việt hay không.
Tuy nhiên, việc hàng loạt showroom, đại lý xe Trung Quốc đổ về Việt Nam để làm lại thị trường cũng như bỏ nhiều công sức vào tiếp thị cho thấy tham vọng lớn của các hãng xe Trung Quốc ở thị trường Việt và người tiêu dùng Việt Nam.