DN nhỏ “khó lớn” vì bị chèn lấn
Một số chuyên gia tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình trạng DNNN vẫn đang chèn lấn khu vực DN tư nhân, nhất là các DN nhỏ và vừa, tại Diễn đàn Phát triển DN và chất lượng tăng trưởng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, tổ chức ngày 8/4.
“Vẫn đang tồn tại tình trạng DNNN chèn lấn ghê gớm DN tư nhân, tuy trên thực tế, các cấp quản lý luôn nói tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh giữa các khu vực DN”, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét. Theo ông Tuyển, xét về mặt pháp lý, đúng là Việt Nam không tạo ra sự phân biệt đối xử nào giữa khu vực DNNN và khu vực DN tư nhân, nhưng thực tế, các DNNN vẫn được ưu ái hơn trong tiếp cận vốn, đất đai, cơ hội phát triển… so với các DN tư nhân, nhất là DN nhỏ và vừa. Chính tình trạng này cộng với chính sách kinh tế vĩ mô, môi trường kinh doanh thiếu ổn định, đang tạo ra không ít DN hoạt động mang nặng tính đầu cơ, chộp giật, mà không có chiến lược phát triển bài bản, bền vững.
Không chỉ “khó lớn” do bị DNNN chèn lấn, một lý do khác, theo ông Tuyển, khiến khu vực DN tư nhân, nhất là các DN nhỏ và vừa khó phát triển là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của khu vực DN này.
Ông Tuyển cho biết, qua làm việc với 2 giáo sư kinh tế nổi tiếng của Mỹ mới đây, họ cho rằng, ngay cả khi đã hình thành được môi trường kinh doanh khá công bằng với mọi DN, Mỹ vẫn luôn quan tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thông qua việc không ngừng đưa ra các chính sách tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, tiếp cận các nguồn lực phát triển.
Điều này cũng tương tự như tại Hàn Quốc, khi với các DN lớn nước ngoài đầu tư vào nước này, chính quyền trung ương chỉ kiểm soát hai yếu tố là môi trường và đất đai, các vấn đề còn lại do chính quyền địa phương lo liệu. Ngược lại, khu vực DN nhỏ và vừa do chính quyền trung ương quán xuyến toàn bộ, nhằm đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển năng động, hiệu quả. Trong khi đó, Việt Nam đang làm ngược lại.
Cùng quan ngại trên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, DN nhỏ và vừa ngày càng có đóng tích cực vào động lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu của Việt Nam, nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ tương xứng từ phía Nhà nước. Các DN nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, do không có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn rườm rà; thiệt thòi trong tiếp cận thông tin chính sách…
Cần tiếp sức cho DN nhỏ
“Muốn hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển hiệu quả hơn, điều quan trọng đầu tiên là cần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất các các loại hình DN, phải chấm dứt tình trạng DNNN chèn lấn khu vực DN dân doanh. Đã đến lúc Việt Nam cần có sự hỗ trợ đủ lớn cho sự phát triển của khu vực DN nhỏ và vừa. Đây là điều tất cả các nước công nghiệp phát triển đang làm…”, ông Tuyển nói và kiến nghị, cần thành lập các tổ chức phi lợi nhuận để hỗ trợ cho quá trình khởi nghiệp. Chính phủ cần có quỹ mua các bằng phát minh, sáng chế để chuyển giao cho DN sử dụng.
Để hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đang có những hành động cụ thể. Minh chứng cho điều này là ngay tại Diễn đàn Phát triển DN và chất lượng tăng trưởng, VCCI cùng Microsoft Việt Nam ký kết thỏa thuận về hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp phần mềm mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Về các giải pháp hỗ trợ khu vực DN dân doanh, nhất là DN nhỏ và vừa mang tính dài hạn hơn, ông Lộc tiết lộ, dự kiến cuối tháng 4 này, VCCI sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức diễn đàn đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN tư nhân trong nước. Thông qua diễn đàn này, cộng đồng DN sẽ hiến kế, đề xuất với Chính phủ các giải pháp mới, với hy vọng sẽ tạo bước đột phá trong hình thành các động lực hỗ trợ thiết thực cho khu vực DN này phát triển năng động, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.