Thương vụ M&A giữa Holcim và Lafarge hình thành nên đại gia xi măng với công suất lên đến 250 triệu tấn xi măng/năm

Thương vụ M&A giữa Holcim và Lafarge hình thành nên đại gia xi măng với công suất lên đến 250 triệu tấn xi măng/năm

DN xi măng thấy gì sau thương vụ sáp nhập Holcim và Lafarge?

(ĐTCK) Hai tập đoàn xi măng lớn là Holcim của Thụy Sĩ và Lafarge của Pháp vừa hoàn thành việc sáp nhập vào những ngày cuối năm 2015 với tên gọi mới LafargeHolcim, nâng tổng công suất của đơn vị sau sáp nhập lên 250 triệu tấn xi măng/năm. 

Thương vụ M&A này không chỉ giúp 2 tập đoàn củng cố vị thế trên thị trường với sự có mặt ở 90 quốc gia, mà cơ bản đã chủ động ứng phó với tình trạng dư thừa của các nhà sản xuất hiện nay.

Holcim vào Việt Nam từ năm 1994 với 1 nhà máy và 4 trạm nghiền với công suất nhà máy tại Kiên Giang là 2 triệu tấn/năm, các trạm nghiền: Hiệp Phước (TP. HCM) 1 triệu tấn/năm, Nhà Bè (TP. HCM) 1,4 triệu tấn/năm, Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) 1,4 triệu tấn/năm, Nhơn Trạch (Đồng Nai) 500.000 tấn/năm. Còn Lafarge chính thức có tên tại thị trường Việt Nam khi trạm nghiền 500.000 tấn/năm được đưa vào vận hành năm 2006 tại Đồng Nai.

Nếu như Holcim được định vị là một trong những thương hiệu xi măng lớn tại Việt Nam, thì Lafarge vẫn hoàn toàn xa lạ. "Hôn nhân" giữa 2 tập đoàn đã tạo bước chuyển lớn trong chiến lược kinh doanh, nhưng tại thị trường Việt Nam thì gần như không ảnh hưởng nhiều lắm.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Công Minh Bảo, Phó tổng giám đốc LafargeHolcim Việt Nam cho biết: “Thực ra, việc sáp nhập không ảnh hưởng nhiều đến thị trường cũng như thị phần vì sản phẩm của Holcim được mặc định là dòng sản phẩm cao cấp, còn Lafarge là dòng sản phẩm bình dân. 2 dòng sản phẩm có khách hàng khác nhau…”.

Nếu như M&A các thương vụ xi măng trên toàn thế giới nhằm hướng đến mục tiêu củng cố tiềm lực tăng sức cạnh tranh, thì M&A ngành xi măng tại Việt Nam lại chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, có thể nhìn thấy điểm chung của cả Holcim và Lafarge là không chỉ bán xi măng ra thị trường mà còn cung cấp cho các trạm trộn bê tông của chính mình. Điều này khiến cả hai có lợi thế hơn các nhà máy khác trong trường hợp thị trường tiêu thụ gặp khó và công suất dư thừa.

Sau khi sáp nhập, LafargeHocim chưa có ý định tăng công suất tại thị trường Việt Nam mà tập trung phát triển trên nền tảng kinh doanh hiện có. Khi vào Việt Nam, Holcim còn là đối tác của VICEM khi DN này chiếm 35% cổ phần của Holcim Việt Nam. Tập đoàn The Vissai cũng là đối tác cung cấp sản lượng clinker lớn cho Holcim để phân phối cho các công ty con tại Philippiness. Đây là 2 đối tác có thể cung cấp lượng hàng lớn, chất lượng ổn định đi kèm giá cả cạnh tranh.

Như vậy, sau khi sáp nhập, Holcim và Lafarge ngày càng thêm nhiều lợi thế tại thị trường Việt Nam là điều không mấy bàn cãi. Thế nhưng, đối với nhiều nhà sản xuất trong nước, thì những cái “bắt tay” lại càng làm gia tăng khó khăn với các DN có vốn vay đầu tư lớn. Đơn cử như việc sáp nhập Xi măng Sông Thao và Hạ Long vào VICEM cũng đang được cân nhắc kỹ lưỡng khiến tiến trình cổ phần hóa VICEM đã không về đích như dự kiến.

Nếu như M&A các thương vụ xi măng trên toàn thế giới nhằm hướng đến mục tiêu củng cố tiềm lực tăng sức cạnh tranh, thì M&A ngành xi măng tại Việt Nam có đôi chút khác biệt.

Các thương vụ M&A trước đó của Xi măng Cẩm Phả, Thăng Long là để giải quyết vấn đề không đủ khả năng trả nợ và nguy cơ phá sản của chủ đầu tư, thì các thương vụ sau này, bên mua đã tính đến yếu tố lợi thế về vị trí cũng như nguồn nguyên liệu.

Bên sáp nhập thay vì đi vay vốn lớn đã chủ động hơn về tài chính. Đơn cử như The Vissai sau khi mua lại Xi măng Đô Lương đã nâng công suất từ 900.000 tấn/năm lên 4 triệu tấn/năm. Thông tin mới nhất mà Đầu tư Bất động sản nhận được là nhiều khả năng Dự án Xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ (Nghệ An) sẽ được khởi động lại sau khi Tập đoàn Tân Tạo rút đầu tư. Theo đó, công suất của nhà máy này dự kiến khoảng 4,6 triệu tấn/năm.

Không riêng gì các DN trong nước gia tăng đầu tư, Xi măng Thăng Long sau khi về với Semen Gresik cũng quyết định nâng gấp đôi công suất khi nhà máy được xác định có vị trí thuận lợi trong vận chuyển cho chi phí thấp.

Điểm khác biệt giữa bài toán đầu tư của các DN nước ngoài hay liên doanh so với các DN Việt Nam là các DN xi măng nước ngoài thường chủ động đầu tư cảng biển hoặc tận dụng lợi thế vận chuyển để giảm giá thành sản phẩm khi đến chân công trình thì các dự án mới của DN Việt Nam dường như chưa mấy quan tâm đến yếu tố này. Vì vậy, gia tăng công suất có song hành cùng gia tăng vị thế hay không vẫn là câu hỏi còn nhiều ẩn số.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan