DN vẫn né công bố lương thưởng lãnh đạo

DN vẫn né công bố lương thưởng lãnh đạo

(ĐTCK) Thông tư 52/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK đã có quy định công ty đại chúng phải công bố chi tiết về các khoản thù lao, lương thưởng HĐQT, ban điều hành, ban kiểm soát. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều DN vẫn đang“né” quy định này.

Nhiều DN niêm yết chỉ công bố tổng mức lương, thưởng cho lãnh đạo, hoặc chỉ đưa tỷ lệ lương, thưởng và thù lao trong tổng thu nhập của các cá nhân được từ công ty.

Tại CTCP Sữa Việt Nam (VNM), mức thù lao cho HĐQT (gồm 8 thành viên) được công bố là 4,88 tỷ đồng, Ban Kiểm soát (5 thành viên) là 2 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên (BCTN) 2013, Ban Kiểm soát VNM không nhận khoản thưởng nào, thu nhập đến từ thù lao được Công ty chi trả. Cụ thể, ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Kiểm soát nhận thù lao 615 triệu đồng/năm, bà Tuyết Mai nhận 378 triệu đồng/năm; ông Ngọc Chương nhận 511 triệu đồng/năm…

Tuy nhiên, đối với HĐQT và Ban điều hành (6 thành viên), VNM không công bố con số thu nhập cụ thể của từng thành viên, mà chỉ công bố tỷ lệ lương, thưởng trong tổng thu nhập từ Công ty. Chẳng hạn, bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT VNM có khoản thưởng chiếm 62% tổng thu nhập, trong khi lương và thù lao chiếm 38% tổng thu nhập. Ông Mai Hoài Anh, Giám đốc điều hành VNM, lương chiếm 51% và thưởng chiếm 49% tổng thu nhập. Thông tin lương, thưởng của các thành viên HĐQT còn lại cũng được công bố tương tự.

Theo BCTN năm 2013 của CTCP FPT (FPT), công ty này dành 1,07 tỷ đồng để chi thù lao cho HĐQT và 280,8 triệu đồng cho Ban Kiểm soát. Ngoại trừ trường hợp Tổng giám đốc FPT được công bố là có mức lương 170 triệu đồng/tháng, thông tin về mức lương, thưởng của các chức danh lãnh đạo khác cũng được công bố theo tỷ lệ như VNM. Cụ thể, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT có lương chiếm 32% và thưởng chiếm 68% tổng thu nhập. Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc lương chiếm 33% và thưởng 67% tổng thu nhập. Tỷ lệ lương và thưởng của ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT  là 36% và 64%.

Tương tự, CTCP Cơ điện lạnh (REE) công bố chi thù lao năm 2013 cho HĐQT và Ban Kiểm soát là 4,88 tỷ đồng. Số tiền này được tính toán bằng công thức 0,5% lợi nhuận sau thuế (975,75 tỷ đồng). Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiểm Tổng giám đốc và các giám đốc điều hành REE còn được thưởng thêm 30% phần lợi nhuận vượt kế hoạch, tương đương 52,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số từng người nhận không được công bố chi tiết.

Một trường hợp khác là CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), lương/thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát công bố chi tiết trong BCTN, nhưng khoản thưởng thì chưa được công bố trong BCTN. Năm 2013, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 581 tỷ đồng, vượt 45,3% kế hoạch. Với kết quả này, ĐHCĐ đã thống nhất sẽ trích 6% lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch (181 tỷ đồng) để thưởng cho HĐQT (gồm 5 thành viên) và Ban Kiểm soát (3 thành viên). Có nghĩa là Ban lãnh đạo HSG sẽ được hưởng thêm gần 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về số tiền thưởng của từng thành viên Ban lãnh đạo chưa được công bố.

Không phải tất cả DN đều né công bố con số thu nhập của lãnh đạo. Chẳng hạn, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố thù lao và các khoản lợi ích của HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Ban Kiểm soát năm 2013 rất chi tiết. Cụ thể, tổng lương, thưởng và thù lao của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAG là 4,2 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Sự, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc HAG nhận 3,2 tỷ đồng; ông Võ Trường Sơn, Phó tổng HAG nhận 2 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Tồn, Trưởng ban Kiểm soát nhận 991 triệu đồng.

Tương tự, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng công bố khá chi tiết kế hoạch trả lương mức lương cho ban lãnh đạo trong năm 2014. Theo đó, Chủ tịch HĐQT được trả lương 71,5 triệu đồng/tháng, Phó Chủ tịch là 60 triệu đồng/tháng, Tổng giám đốc 71 triệu đồng/tháng, các thành viên HĐQT còn lại là 58 triệu đồng/tháng. Trưởng ban Kiểm soát có mức lương gần 51,3 triệu đồng/tháng, các thành viên hưởng lương 38 triệu đồng/tháng. Năm 2013, GAS cũng công bố các thông tin này, chỉ sai khác nhẹ về con số.

Có thể nói, việc công bố chi tiết mức lương/thưởng từng thành viên để cổ đông, NĐT có thể hiểu rõ, có sự thấu hiểu về mức độ đóng góp của từng thành viên cũng như chính sách lương thưởng của HĐQT. Càng minh bạch hóa thông tin thì uy tín của DN càng được nâng cao trong mắt cổ đông, NĐT, dẫu rằng, với nhiều DN có lợi nhuận lên tới hàng nghìn tỷ đồng thì con số tuyệt đối có thể gây “sốc” cho người tiếp nhận thông tin. 

Theo Hội đồng bình chọn BCTN, ngoài lương thưởng bằng con số cụ thể, DN cũng nên công bố các chính sách lương thưởng cho HÐQT, ban điều hành và ban kiểm soát, bao gồm cả lợi ích không thể hiện bằng tiền mặt.                

Tin bài liên quan