Vì cần vốn và để mở rộng vùng nuôi, xu hướng M&A trong ngành thủy sản sẽ còn sôi động trong năm 2013
Áp lực thay đổi
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc CTCP XNK Thủy sản An Giang (AGF) cho biết, mọi kế hoạch cho năm 2013 của AGF mới dừng ở dự thảo. Trong tuần sau, AGF sẽ triệu tập HĐQT để lấy ý kiến và có một phương án thống nhất, làm cơ sở trình cổ đông thông qua. Vì thế, tại thời điểm này, AGF chưa thể chia sẻ được gì. Tuy nhiên, ông Ký có bày tỏ, tình hình ngành thủy sản đang rất khó nên kinh doanh của AGF trong năm 2013 chắc sẽ thay đổi, để thích ứng với tình hình mới.
Tương tự, kế hoạch năm 2013 của Thủy sản Mê Kông (AAM), vừa được ĐHCĐ thông qua, cũng đặt ra nhiều áp lực phải thay đổi. Bởi với tình hình chung của ngành thủy sản chưa khả quan hơn, đặt chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu 7%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 40,2% so với năm ngoái là áp lực không nhỏ cho AAM. AAM sẽ phải có những bước đi đặc biệt hơn mới hy vọng tìm gặp cơ hội và đạt được mục tiêu.
Năm 2012, AAM đã thất bại trong kế hoạch về đích của mình. Thậm chí, lợi nhuận trước thuế của AAM chỉ đạt 29,7% chỉ tiêu đề ra. Theo giải trình từ Công ty, nguyên nhân lớn nhất là do thị trường xuất khẩu của AAM bị ảnh hưởng bởi châu Âu rơi vào khủng hoảng, dẫn tới sức mua và giá cả ở thị trường này suy giảm đáng kể. Cụ thể là giảm hơn 1.000 tấn hàng. Trong khi đó, thị trường Nga và Ukraina lại bị gián đoạn suốt 9 tháng, nên sản lượng xuất khẩu ở AAM sang các thị trường này bị giảm hơn 500 tấn hàng… Cùng với đó, AAM phải chấp nhận bán phá giá do nhiều DN thủy sản bị nợ bao vây đã xả hàng tồn kho với giá rẻ.
Những yếu tố khách quan đã ảnh hưởng nặng nề đến AAM - một doanh nghiệp vốn kinh doanh ổn định và không vướng vào nợ nần. Theo BCTC quý IV/2012 của AAM thì Công ty không vay nợ ngắn hạn lẫn dài hạn. Nghĩa là ít nhiều AAM đỡ được nỗi lo trả lãi. Nhưng với mục tiêu mở rộng chăn nuôi cá tra lên 7.000 tấn, tức tăng hơn 275%, AAM cần đầu tư mạnh cho vùng nuôi. 40 tỷ đồng trong 42,5 tỷ đồng tổng đầu tư của AAM sẽ được dùng cho đầu tư các hộ nuôi nhằm chủ động nguồn cung ứng. Nhưng để có thêm năng lực tài chính, năm 2013, AAM có kế hoạch tăng thêm vốn từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Lo âu
Áp lực về vốn đang diễn ra ở hầu hết DN thủy sản. Bởi hiện trạng DN thủy sản kinh doanh dựa vào vốn vay rất phổ biến. Một lãnh đạo DN thâm niên trong ngành thủy sản từng chia sẻ, mỗi khi ngân hàng siết chặt tín dụng là DN lại điêu đứng do khó xoay được vốn tiếp tục sản xuất, dù nhu cầu của thị trường không giảm.
DN lại rất cần tiền để đầu tư mở rộng vùng nuôi, nhà máy. Theo hầu hết lãnh đạo DN thủy sản, có vùng nuôi, có nhà máy, DN sẽ chủ động được đầu vào, nâng được công suất, tiết kiệm được khoảng 5 - 7% giá thành.
Nhưng để đầu tư nhà máy, như Thủy sản Gò Đàng (AGD) đã chi ra 80 tỷ đồng, một số vốn không nhỏ và đó cũng là lý do để AGD chấp nhận bắt tay với đối tác ngoại, dù biết rõ hợp tác nào cũng có những điều kiện đi kèm.
Lo âu khác của các DN thủy sản là giá vốn cao. Khi nông dân không còn mặn mà với con cá, con tôm do gặp nhiều rủi ro lại thiếu sự hỗ trợ và bị ép giá, tình trạng khan hiếm nguyên liệu xảy ra liên tục, đẩy các DN vào nỗi lo chi phí đầu vào tăng. Theo các BCTC thì giá vốn ở nhiều DN thủy sản tăng và chiếm từ 70 - 90% giá thành. Dự báo, vì bài toán vốn và để mở rộng, chủ động vùng nuôi, xu hướng M&A trong ngành thủy sản sẽ còn sôi động trong năm 2013 này.
DN thủy sản còn lo những biến động từ thị trường xuất khẩu. Năm 2012, xuất khẩu tôm vào EU đã giảm 24,5%, cá tra giảm 19%. Mỹ cũng giảm nhập khẩu tôm của Việt
Nhưng ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Nam Việt (ANV) có niềm tin rằng, nếu DN biết cách đối phó, vượt qua thách thức và nhìn ra cơ hội, tăng trưởng và phát triển sẽ tiếp tục trong năm nay.