Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến gần 61.000 DN giải thể và ngừng hoạt động trong năm 2013 không hoàn toàn do tác động từ môi trường bên ngoài.
Trọng tâm là thiếu vốn
Ông Preben Hjortlund, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam cho biết, các ước tính cho thấy, khu vực DNNN đang chiếm tới 40% toàn bộ nền kinh tế. Bản thân điều này không có gì đáng quan ngại, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ các DNNN nhìn chung được ưu đãi nhiều hơn thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, tài nguyên…, nhưng thường hoạt động không hiệu quả. Điều này đang kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế, do dẫn đến việc giảm đầu tư khu vực tư nhân trong các lĩnh vực này.
“Trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn”, ông Sato Motonobu, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam nhấn mạnh.
Còn TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, các DN thất bại trong năm 2013 phần lớn là do thiếu vốn lưu động và không chịu bỏ chi phí và thời gian nghiên cứu đổi mới hoạt động.
Quả vậy, con số tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6/2013 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước chỉ đạt khoảng 3,31%. Đến cuối tháng 10/2013, theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng tăng được 7,18%, đến ngày 12/12/2013 mới tăng 8,83%; tuy nhiên đến 31/12/2013, tín dụng toàn hệ thống bất ngờ bật tăng 12,51% so với cuối năm 2012 và phần lớn tập trung vào những gói tín dụng lớn của DNNN.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, ngân hàng này liên tục ký nhiều hợp đồng tín dụng lớn với Tổng công ty Khoan thăm dò khai thác dầu khí, Tập đoàn Cao su, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, Vietnam Airlines… Cụ thể, cuối tháng 12/2013, Vietcombank đã giải ngân 40 triệu USD cho Viettel và tiếp tục triển khai gói tín dụng trị giá 200 triệu USD. Tương tự là việc giải ngân 53 triệu USD cho Vietnam Airlines mua 2 máy bay mới và tới đây là gói vốn 200 triệu USD…
Cần những thay đổi mạnh mẽ
Ông Steven Winkelman, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam có thể tận dụng đầy đủ lợi thế của mình, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân xâm nhập mạnh hơn vào các thị trường trọng điểm, kích thích cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài và giúp xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống chuỗi phân phối trọng yếu. Bên cạnh đó, TPP còn giúp hỗ trợ quá trình cải cách khối DNNN diễn ra nhanh hơn…
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bản thân các DN phải có tư duy mới với cách tiếp cận mới, góc nhìn mới về tình hình kinh tế. Không chỉ tuyệt đối tránh tâm thế bị động, “chờ sung rụng” mà phải tích cực tự mình khởi động, tự cứu mình bằng sự sáng tạo tự thân về khoa học, công nghệ, về phương thức và xu thế kinh doanh mới.
“Nhiều DN, nhất là DN trẻ thiếu chủ động và linh hoạt trước diễn biến của thị trường mà hay trông mong vào sự hỗ trợ của Chính phủ hay những thay đổi từ cải cách thể chế. Như vậy, họ sẽ gặp khó khi chịu cạnh tranh quyết liệt và nhanh chóng thất bại”, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, vốn của DN không chỉ là số tiền, cũng không hẳn là máy móc, đất đai, nhà xưởng, mà khả năng, trí tuệ của con người mới là nhân tố sống còn quyết định sự thành bại của công ty.
Cùng với những thời cơ mới khi nền kinh tế Việt Nam dần chuyển sang giai đoạn phục hồi và phát triển trở lại, những khó khăn, thách thức - đặc biệt là khi tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, sẽ ngày càng gia tăng nếu mỗi DN thiếu đi sự tích cực và năng động.
“DN phải tự là ‘phao cứu sinh’ cho chính mình và nền kinh tế bằng những thay đổi, cải cách sáng tạo và khả thi và quan trọng nhất là “không được e dè, sợ hãi trước khó khăn”, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nói.