Từ trường hợp của SBC…
Năm 2008 lãi 39,7 tỷ đồng, năm 2009 lãi 72,4 tỷ đồng, năm 2010 lãi 55,8 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 2,46 tỷ đồng, năm 2012 lãi 18,4 tỷ đồng. Năm 2013, lỗ 49,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ từ năm 2010 giữ nguyên ở mức 80 tỷ đồng.
Nhìn vào diễn biến kết quả kinh doanh này của SBC, người ta cảm nhận được sự phập phù về hiệu quả kinh doanh của Công ty, dù trên thực tế, qua các năm, khối lượng công việc mà Công ty thực hiện vẫn diễn ra đều đều.
Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên diễn ra đầu năm 2013, SBC thông qua phương án chia cổ tức năm 2012 tỷ lệ 20% bằng tiền. Năm 2013, SBC đặt kế hoạch lãi trước thuế 27,58 tỷ đồng, chia cổ tức tỷ lệ 20% vốn điều lệ, mức chi trả dù cao, nhưng vẫn bị cổ đông… chê ít, vì trước đây thường là 40% vốn điều lệ.
Hào hứng là thế, nhưng chỉ hai tháng sau, nhiều cổ đông “choáng váng” khi Công ty công bố BCTC bán niên 2013 đã soát xét, với số lỗ 67 tỷ đồng trên 80 tỷ đồng vốn điều lệ. Trong đó, riêng quý II/2013, Công ty lỗ tới 71 tỷ đồng.
Giải trình với cơ quan quản lý và công chúng đầu tư, Ban lãnh đạo SBC cho hay, nguyên nhân Công ty thua lỗ lớn trong quý II/2013 là do chi phí đầu vào tăng mạnh. Cụ thể, giá xăng dầu tăng cao, chi phí cầu đường và các chi phí vận tải khác đều tăng mạnh dẫn tới chi phí vận chuyển tăng cao. Thêm vào đó, sản lượng vận chuyển vượt tuyến Bắc - Nam tăng cao, làm tăng chi phí vận chuyển, đơn giá vận chuyển đầu vào chưa hợp lý!
Sang quý III/2013, SBC tiếp tục gây sốc cho cổ đông, khi báo lỗ thêm hơn 17 tỷ đồng. Lý do vẫn như cũ, nhưng Ban lãnh đạo Công ty cho hay, đây là giá tạm tính và SBC đang đàm phán để quyết toán lại với Sabeco. Dẫu vậy, cả năm 2013, SBC vẫn phải chốt... lỗ gần 50 tỷ đồng.
Trao đổi với ĐTCK, một cổ đông SBC bức xúc: “Tôi không tin nguyên nhân thua lỗ này đến từ việc kinh doanh sòng phẳng của SBC. Nếu là DN độc lập hoàn toàn với Sabeco, SBC sẽ chẳng dại gì tăng công suất làm việc trong kỳ, để càng làm càng lỗ như thế!”.
Trên thực tế, chi tiết BCTC năm 2013 của SBC cho thấy, doanh thu của Công ty gần như toàn bộ đến từ cung cấp dịch vụ vận tải cho các bên có liên quan, là các đơn vị có mối quan hệ với Sabeco như: CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Trung Tâm, CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền và chi nhánh, CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Sông Hậu và chi nhánh, CTCP Thương mại Bia Sài Gòn Miền Đông và chi nhánh… Nếu câu chuyện giữa SBC và các đối tác này chỉ đơn giản dừng lại ở mối quan hệ cung cấp dịch vụ đơn thuần, chắc chắn số lỗ của SBC sẽ thấp hơn nhiều.
… đến nỗi lo của cổ đông nhỏ DN phụ thuộc
Hoạt động kinh doanh, trong đó đầu ra hoặc đầu vào phụ thuộc gần như toàn bộ vào cổ đông lớn là hiện trạng kinh doanh của không ít DN niêm yết trên 2 sở GDCK hiện nay như: GAS, PGD, PGS, CTCP CLC…, hay toàn bộ các DN ngành than. Các DN này hầu hết đều ghi nhận lãi lớn qua các năm, nhưng câu chuyện của PGD trong mấy năm qua cũng khiến không ít lần cổ đông bên ngoài cảm thấy thót tim!
Quý I/2012, PGD báo lãi sau thuế trên 98 tỷ đồng; quý II/2012, báo lãi gần 285 tỷ đồng. Sang quý III/2012, Công ty hạch toán lỗ… gần 226 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc này là do PGD bị điều chỉnh giá mua khí đầu vào từ đầu quý II/2012, nhưng phải đến cuối quý III, Công ty mới hoàn tất thủ tục điều chỉnh. Cũng từ sau kỳ công bố đó, mỗi cuộc họp ĐHCĐ thường niên, cổ đông PGD lại thấp thỏm với câu hỏi: giá khí liệu có thay đổi?
Câu chuyện cũng tương tự với các DN ngành than. Với cơ chế điều phối khối lượng khai thác và chốt giá bán chính xác vào cuối năm, khiến lợi nhuận thất thường, thì tình trạng… hên xui khi đầu tư vào cổ phiếu của các DN ngành này cũng diễn ra khá phổ biến.
Với các cổ đông lớn, nhất là cổ đông Nhà nước là công ty mẹ, kết quả kinh doanh này có thể không gây bất ngờ, nhưng cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài, vốn thiếu thông tin, sẽ hoàn toàn bị động vào cuối kỳ, nhất là những năm, giá bán than có nhiều biến động.
Dường như, sau câu chuyện của SBC, PGD hay các DN ngành than, cổ đông sẽ thấy rằng, có những điều dường như rất phi quy luật kinh tế thị trường, nhưng tại các DN mà việc kinh doanh chủ yếu phụ thuộc vào công ty mẹ vẫn có thể xảy ra!