DN nhỏ chờ giải tỏa cơn khát vốn

DN nhỏ chờ giải tỏa cơn khát vốn

(ĐTCK) Các DN đang nóng lòng chờ Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa (DNNVV) sớm đi vào hoạt động, để hỗ trợ họ phần nào giải tỏa cơn khát vốn triền miên, nhất là trong bối cảnh DN khó tiếp cận tín dụng bởi nợ xấu và hàng tồn kho.

Phản ánh về tình trạng DN đang khó tiếp cận tín dụng, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank dẫn chứng, trong 10 DN đến VPBank tìm cách vay vốn, thì chỉ có 3 DN vay được vốn. Tỷ lệ này đối với DNNVV còn thấp hơn, bởi họ không có tài sản thế chấp, trong khi các ngân hàng đang rất ngại gia tăng rủi ro hoạt động. Nói như vậy để thấy, để khơi thông tín dụng cho DN, nhất là DNNVV không đơn thuần là sự nỗ lực của DN và ngân hàng, mà ở đây cần có sự vào cuộc của Nhà nước, với việc sớm xây dựng và thực thi cơ chế bảo lãnh tín dụng, cũng như sớm đưa Quỹ phát triển DNNVV vào hoạt động.

Để Quỹ sớm đi vào hoạt động như mong đợi của các DN, ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 601/2013 về thành lập Quỹ phát triển DNNVV, có hiệu lực từ ngày 17/4, các bộ, ngành đang khẩn trương hoàn chỉnh các quy định pháp lý liên quan.

Cụ thể, ngoài xây dựng điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, Bộ KHĐT đang nghiên cứu để sớm hoàn thiện các tiêu chí trình Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ; xây dựng chi tiết các tiêu chí để xác định danh mục những lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ cho phù hợp với từng thời kỳ khác nhau…; Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng để sớm ban hành cơ chế quản lý tài chính đối với Quỹ, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của Quỹ...

Trả lời câu hỏi mà các DNNVV quan tâm là Quỹ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng có ít so với nhu cầu vay rất lớn của khu vực DN này, ông Hiệu cho hay, thực ra đây chỉ là số vốn ban đầu. Trên cơ sở hiệu quả hoạt động của Quỹ, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tăng vốn điều lệ cho Quỹ dựa trên đề nghị của Bộ KHĐT sau khi thống nhất với Bộ Tài chính. Trong quá trình hoạt động, nguồn vốn của Quỹ còn được bổ sung từ nhiều nguồn: kết quả hoạt động của Quỹ; nguồn đóng góp tự nguyện và ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước dành cho lĩnh vực phát triển DNNVV; các nguồn vốn huy động khác…

“Do khối DN Việt Nam hiện có tới 97% là DNNVV, trong khi nguồn vốn của Quỹ tập trung hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển, nên theo kinh nghiệm của các nước, sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực lên nhiều DN có mối liên quan chặt chẽ với các DN thuộc lĩnh vực được Quỹ hỗ trợ vốn”, ông Hiệu nói và cho biết thêm, một khi DN thuộc danh mục các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ, cùng với phương án sản xuất - kinh doanh khả thi, thì sẽ có nhiều cơ hội được vay vốn từ Quỹ, với mức vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của từng dự án, nhưng không quá 30 tỷ đồng…

Đại diện Bộ KHĐT còn cho biết, ngoài hỗ trợ về tài chính, trong định hướng hoàn chỉnh chính sách thúc đẩy DNNVV phát triển hiệu quả hơn, các cơ quan quản lý còn tập trung tạo ra các cơ chế, cũng như tập trung triển khai đồng bộ 2 kênh hỗ trợ khác là cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường năng lực cho DNNVV thông qua các dự án cải tiến khoa học công nghệ, nâng cao khả năng quản trị và mở rộng thị trường.