DN ngành dược: Sao chỉ Mekophar "lâm nạn"?

DN ngành dược: Sao chỉ Mekophar "lâm nạn"?

(ĐTCK-online) Xung quanh quyết định rời sàn của Mekophar vì vướng mắc về chính sách (ĐTCK số 83, 13/7 đã phản ánh), dư luận không khỏi thắc mắc, tại sao cùng thuộc ngành dược, cùng thực hiện phân phối dược phẩm và cùng chịu tác động bởi Quyết định 10/2007/QĐ-BTM nhưng chỉ Mekophar "lâm nạn"? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại và một số đại diện DN dược niêm yết về vấn đề này.

>> Mekophar: “Đi” cũng dở, “ở” không xong!
 

"Không mở cửa phân phối dược cho doanh nghiệp nước ngoài"

Ông Trương Đình Tuyển, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương)

Trong cam kết WTO, Việt Nam không mở cửa phân phối dược phẩm cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài và chúng ta không có lộ trình mở cửa đối với mặt hàng này.

Muốn phân phối dược phẩm, các công ty phải đảm bảo là DN không có vốn nước ngoài tham gia. Nếu có vốn đầu tư nước ngoài, DN chỉ được tự động mở một địa điểm bán lẻ. Việc thành lập các cơ sở bán lẻ (ngoài cơ sở thứ nhất) phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép, dựa trên nhu cầu như số lượng cơ sở bán lẻ đã có tại khu vực đại lý liên quan, sự ổn định của thị trường, mật độ dân cư, sự phù hợp. Vì thế, nếu các tỉnh tự do cấp phép cho DN mở đến 8 - 9 điểm là cấp bừa.

DN tham gia phân phối dược phẩm lẽ ra không được niêm yết. Nếu cho niêm yết, phải có chính sách riêng về room ngoại. Chứ như hiện nay, DN có vốn nước ngoài và vẫn vô tư phân phối dược phẩm thì không đúng luật.

 

"Dược Hậu Giang có giấy phép bán buôn - bán lẻ dược phẩm từ năm 2004"

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Giám đốc tiếp thị CTCP Dược Hậu Giang (DHG)

Cho đến lúc này, Dược Hậu Giang vẫn hoạt động rất suôn sẻ, không có bất cứ ảnh hưởng hay vướng mắc gì. Có lẽ một phần vì chúng tôi đã xin bổ sung thêm chức năng bán buôn bán lẻ dược phẩm từ khi cổ phần hóa (năm 2004). Hành động này có thể xem là đi trước một bước. Tuy nhiên, không phủ nhận sự thuận lợi của chúng tôi cũng nhờ Sở Kế hoạch và Đầu Tư tỉnh Cần Thơ, nơi Dược Hậu Giang đặt trụ sở, đã không cứng nhắc trong triển khai Luật. Việc xin gia hạn giấy phép (2 năm/lần) hay xin chứng nhận GPP, GDP không khó khăn.

Trường hợp của Mekophar, chúng tôi thấy rõ có bất cập từ chính sách. Tôi tin, bất cập này trước sau phải điều chỉnh lại. Giả sử Dược Hậu Giang vì bất cập này mà gặp vướng mắc, chúng tôi không đứng lên một mình. Chúng tôi sẽ thông qua Hiệp hội và các đoàn thể, phối hợp với các doanh nghiệp cùng ngành để tạo tiếng nói đủ lớn.

 

"Imexphar không bán lẻ dược phẩm"

Ông Nguyễn Quốc Định, Phó tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Imexphar (IMP)

IMP không rơi vào tình trạng như Mekophar vì chúng tôi không tham gia bán lẻ dược phẩm. Theo chúng tôi biết thì cam kết WTO chỉ hạn chế DN có vốn đầu tư nước ngoài phân phối lẻ mặt hàng dược phẩm. Bán buôn không chịu những hạn chế này. Chúng tôi vẫn được cấp GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) nên có thể tham gia đấu thầu ở các bệnh viện, nhà thuốc, đại lý…

Chúng tôi không mở nhà thuốc cũng như không có nhu cầu phải đạt GPP (thực hành tốt nhà thuốc) vì đầu tư hình thức này tốn kém trong khi chưa chắc đạt hiệu quả. Tâm lý người dân vẫn ngại đến những nhà thuốc đạt chuẩn GPP (có máy lạnh, có bác sĩ tư vấn…)

 

"Chưa có nhu cầu mở thêm chi nhánh mới nên chưa thấy vấn đề gì"

Lê Thị Năm, Trưởng Ban kiểm soát, CTCP Dược OPC (OPC)

OPC mới đổi xong giấy phép kinh doanh của mình. Chúng tôi chỉ thay đổi người đại diện chứ không bổ sung ngành nghề. Phía cơ quan chức năng cũng không có ý kiến gì. Cho phép "kinh doanh" tức là có bán buôn, bán lẻ rồi. Vì thế mà chúng tôi ngạc nhiên khi nghe câu chuyện của Mekophar. Có lẽ họ cần chữ "bán buôn, bán lẻ" cụ thể trong giấy phép nên mới gặp rắc rối.

Từ năm 2010 đến nay, OPC không mở thêm chi nhánh và trước mắt, chúng tôi cũng chưa định mở chi nhánh mới. Nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ phải phát triển thêm, bên cạnh những chi nhánh đã có như ở Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Vinh, Vũng Tàu, Đã Nẵng…