DN “ma” ngày càng tác oai, tác quái

DN “ma” ngày càng tác oai, tác quái

(ĐTCK) Trong một số trường hợp, khi đăng ký thành lập DN, chủ đầu tư gặp nhiều vướng mắc về ngành nghề đăng ký, về tên DN… Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đang có rất nhiều DN “ma” tác oai, tác quái mà chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Đăng ký kinh doanh, nói đơn giản là khi có ý tưởng kinh doanh và muốn thành lập DN, chủ đầu tư chỉ cần làm thủ tục đăng ký để khai sinh DN. Nhưng trên thực tế, việc khai sinh DN không phải lúc nào và ở đâu cũng nhanh chóng, thuận tiện. Những khó khăn mà DN phản ánh phần lớn không do Luật DN, mà do “rừng” văn bản hướng dẫn Luật và cơ chế thực thi. Chỉ riêng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh, DN muốn được khai sinh, phải vượt qua cửa ải này với vô vàn quy định về ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, ngành nghề hạn chế kinh doanh, ngành nghề kinh doanh phải có chứng chỉ ngành nghề, ngành nghề kinh doanh có vốn pháp định được các văn bản hướng dẫn Luật liệt kê hằng năm.

Khi có ý tưởng kinh doanh, ông chủ tương lai mong muốn đăng ký một ngành nghề đúng với hoạt động cốt lõi mà DN sẽ cung cấp nhằm định vị chính DN trên thị trường và để đối tác dễ dàng nhận biết DN. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, việc đăng ký ngành nghề như mong muốn không dễ dàng, mà chỉ được lựa chọn một ngành nghề từa tựa trong danh mục có sẵn. Một trường hợp khác, việc lựa chọn tên DN khi đăng ký kinh doanh không được cán bộ đăng ký kinh doanh chấp nhận, lý do không xuất phát từ vi phạm vào những điều cấm, mà chỉ đơn giản là tên không phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh… Tuy nhiên, khi sang đăng ký kinh doanh ở phòng đăng ký kinh doanh khác, cũng cái tên đó đã được chấp thuận.

 DN “ma” ngày càng tác oai, tác quái ảnh 1

Nhiều đối tượng thành lập pháp nhân để mua bán khống hóa đơn GTGT, trục lợi tiền thuế của Nhà nước

 

Trong khi vẫn còn những vướng mắc nhất định nảy sinh khi chủ đầu tư muốn thành lập một DN thì ở góc độ khác, vẫn có nhiều DN dễ dàng được khai sinh và rồi sau đó được sử dụng để phục vụ cho mục đích trái pháp luật.

Đơn cử như tại vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử gần đây, cơ quan điều tra làm rõ, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế đã được Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc dựng lên nhằm vay vốn ngân hàng, phục vụ kế hoạch kinh doanh của… các công ty khác và chi tiêu cá nhân cho các đối tượng trên. Công ty này được thành lập từ năm 2006, hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động sản xuất - kinh doanh nào và chỉ có một nhân sự là Tổng giám đốc, vốn điều lệ ghi trên đăng ký kinh doanh là 6 tỷ đồng, nhưng không có vốn thực góp. Tuy nhiên, pháp nhân này đã vay được 5,8 tỷ đồng từ BIDV Đông Hà Nội và gần 7 tỷ đồng tại Agribank.

Một ví dụ khác là vụ dùng sổ đỏ giả để lừa đảo, vay hơn 70 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng, bị cáo đã thành lập 4 pháp nhân, thuê người làm giám đốc và kế toán trưởng. Trong số 4 DN này, chỉ có 1 DN thực sự hoạt động, các DN còn lại là các công ty “ma”. Bị cáo đã sử dụng 4 pháp nhân này để lập các hợp đồng mua bán hàng hóa, nguyên vật liệu (khống) rồi sử dụng 17 sổ đỏ giả đem thế chấp để vay vốn tại 6 ngân hàng.

Không chỉ lợi dụng tư cách pháp nhân để lừa đảo, đặc biệt là lừa đảo vay vốn ngân hàng, nhiều đối tượng còn thành lập pháp nhân để mua bán khống hóa đơn, nhằm trục lợi tiền thuế của Nhà nước. Chẳng hạn như chủ một DN đã bán hơn 200 hóa đơn GTGT, ghi khống nội dung bán các loại hoa quả, thuốc lá, máy điều hòa với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc phản ánh thực tế tình trạng DN được thành lập để sử dụng tư cách pháp nhân bán khống hóa đơn.

Đáng chú ý là các pháp nhân này có “dải” hoạt động phong phú, ngành nghề kinh doanh đa dạng, có thể quét từ lĩnh vực nông sản, thực phẩm, chế biến cho đến phân bón, hóa chất, xây dựng, đào tạo… Thực tế ghi nhận tại các vụ án, các pháp nhân dạng này đều đăng ký vài chục ngành nghề kinh doanh, trong khi trụ sở, vốn, nhà xưởng, kho bãi… hầu như không có gì. Tuy nhiên, việc có nhiều ngành nghề kinh doanh đôi khi có thể giúp pháp nhân này né tránh trách nhiệm hình sự. Ví dụ như trường hợp tranh chấp về hợp đồng mua bán ô tô chuyên dụng, bên mua đã tạm ứng, nhưng bên bán không có hàng để giao và lý giải là không có tiền để nhập hàng, đồng thời, yêu cầu bên mua tiếp tục chi tiền để bên bán nhập hàng. Khi xem xét vụ án này, những người có thẩm quyền đã cân nhắc về yếu tố hình sự, bởi nếu pháp nhân không có chức năng, ngành nghề kinh doanh mua bán ô tô thì có dấu hiệu lạm dụng, lừa đảo. Tuy nhiên, do pháp nhân bán hàng có đăng ký ngành nghề mua bán ô tô, cuối cùng, vấn đề này đã được gác lại.

Với trên 300.000 DN đăng ký hoạt động trên cả nước và chế tài còn lỏng lẻo hiện nay, các cơ quan chức năng gần như bất lực với việc hậu kiểm hoạt động của các DN sau khi đăng ký kinh doanh.Có lẽ, để chống chọi với DN “ma”, các DN chỉ có cách cảnh giác với bạn hàng, đối tác có những dấu hiệu đáng ngờ.  

 

“Chủ trương là tiền đăng hậu kiểm, nhưng hậu kiểm chưa tốt”

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

 

Chủ trương của Nhà nước là tiền đăng hậu kiểm, nhưng do khâu hậu kiểm chưa thực sự hiệu quả nên mới xuất hiện tình trạng nhiều pháp nhân được thành lập với mục đích lừa đảo. Ví dụ như về vấn đề hóa đơn, trước đây là mua hóa đơn và nay là tự in hóa đơn thì đều có quy trình chặt chẽ như là xác nhận trụ sở, ngành nghề kinh doanh, vốn, điều hành quản lý…, sau đó cơ quan thuế kiểm tra hàng tháng thông qua lập, nộp BCTC. Nhưng thực tế là cơ quan quản thuế rất ít khi kiểm tra tính xác thực của các hợp đồng mua bán có xuất hóa đơn.

 

Bên cạnh đó, tình trạng có những pháp nhân “ma”, được thành lập với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo còn xuất phát từ ý thức chủ quan của những bên có quan hệ với những pháp nhân này. Chẳng hạn như với ngân hàng, lẽ ra phải thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra DN thành lập từ bao giờ, vốn thực tế ra sao, hoạt động kinh doanh thế nào rồi mới quyết định cho vay, nhưng thực tế, vẫn có những ngân hàng “nhắm mắt cho vay” tiền tỷ đối với DN mới thành lập được 3 ngày.

 

Phòng ngừa tội phạm kinh tế, không thể trông vào Luật DN

Ths. Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

 

Phải thừa nhận là có thực tế DN được lập ra với mục đích không tốt đẹp ngay từ đầu, nhưng các bên có liên quan như ngân hàng, đối tác đều có công cụ để phòng ngừa và nếu thực sự sử dụng các công cụ này hữu hiệu thì tổn thất đã không xảy ra. Không thể đòi hỏi chỉ sử dụng quy định của Luật DN, các quy định khai sinh DN là có thể phòng ngừa các hoạt động tội phạm.

 

Việc hậu kiểm của cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ nhằm mục đích phát hiện vướng mắc và hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật. Đồng thời, thông tin cung cấp cho các bên liên quan cũng chỉ nằm trong phạm vi quản lý của cơ quan này, các thông tin khác về hoạt động của DN, liệu có hoạt động buôn bán hàng giả, mua bán hóa đơn khống, lừa đảo, trốn thuế… thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan khác. Trong đó, cơ quan thuế là cơ quan nắm bắt tận chân DN, do đó, việc hậu kiểm cũng như nguồn thông tin từ của cơ quan này rất quan trọng.

“Chủ trương là tiền đăng hậu kiểm, nhưng hậu kiểm chưa tốt”

Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng

 

Chủ trương của Nhà nước là tiền đăng hậu kiểm, nhưng do khâu hậu kiểm chưa thực sự hiệu quả nên mới xuất hiện tình trạng nhiều pháp nhân được thành lập với mục đích lừa đảo. Ví dụ như về vấn đề hóa đơn, trước đây là mua hóa đơn và nay là tự in hóa đơn thì đều có quy trình chặt chẽ như là xác nhận trụ sở, ngành nghề kinh doanh, vốn, điều hành quản lý…, sau đó cơ quan thuế kiểm tra hàng tháng thông qua lập, nộp BCTC. Nhưng thực tế là cơ quan quản thuế rất ít khi kiểm tra tính xác thực của các hợp đồng mua bán có xuất hóa đơn.

 

Bên cạnh đó, tình trạng có những pháp nhân “ma”, được thành lập với mục đích thực hiện hành vi lừa đảo còn xuất phát từ ý thức chủ quan của những bên có quan hệ với những pháp nhân này. Chẳng hạn như với ngân hàng, lẽ ra phải thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra DN thành lập từ bao giờ, vốn thực tế ra sao, hoạt động kinh doanh thế nào rồi mới quyết định cho vay, nhưng thực tế, vẫn có những ngân hàng “nhắm mắt cho vay” tiền tỷ đối với DN mới thành lập được 3 ngày.

 

Phòng ngừa tội phạm kinh tế, không thể trông vào Luật DN

Ths. Phan Đức Hiếu, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

 

Phải thừa nhận là có thực tế DN được lập ra với mục đích không tốt đẹp ngay từ đầu, nhưng các bên có liên quan như ngân hàng, đối tác đều có công cụ để phòng ngừa và nếu thực sự sử dụng các công cụ này hữu hiệu thì tổn thất đã không xảy ra. Không thể đòi hỏi chỉ sử dụng quy định của Luật DN, các quy định khai sinh DN là có thể phòng ngừa các hoạt động tội phạm.

 

Việc hậu kiểm của cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ nhằm mục đích phát hiện vướng mắc và hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật. Đồng thời, thông tin cung cấp cho các bên liên quan cũng chỉ nằm trong phạm vi quản lý của cơ quan này, các thông tin khác về hoạt động của DN, liệu có hoạt động buôn bán hàng giả, mua bán hóa đơn khống, lừa đảo, trốn thuế… thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan khác. Trong đó, cơ quan thuế là cơ quan nắm bắt tận chân DN, do đó, việc hậu kiểm cũng như nguồn thông tin từ của cơ quan này rất quan trọng.