Tôi cho rằng, kế hoạch chia cổ tức ở mức cao của các doanh nghiệp phải được xem như là một yếu tố tích cực cho TTCK. Vì phải kinh doanh tốt, có doanh số và lợi nhuận cao thì mới chia cổ tức cao được. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ là doanh nghiệp phải chia cổ tức cao là để tránh thuế thu nhập cá nhân dự kiến áp dụng trong năm tới. Trong danh sách 10 doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất giai đoạn này hầu hết đều là những công ty kinh doanh trong các ngành nghề ít chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính đang xảy ra, chẳng hạn các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, khoáng sản, tiêu thụ và bán lẻ. Rõ ràng, chúng ta không thấy trong danh sách này có các công ty tài chính, chứng khoán, hoặc bất động sản.
Chia cổ tức cao là một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư mua cổ phiếu của doanh nghiệp mình. Tôi nghĩ tất cả các công ty niêm yết đều mong muốn kinh doanh tốt để có cơ hội chia cổ tức cao cho các cổ đông.
Thực tế, tại TTCK ở những nước phát triển, yếu tố chia cổ tức cũng không nhất thiết là phải có. Đối với những công ty vừa lên sàn thì có thể dành lợi nhuận để tái đầu tư vào sản xuất để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, do đó không nhất thiết phải chia cổ tức. Tuy nhiên, những doanh nghiệp không chia cổ tức thì phải có tỷ lệ tăng trưởng khá cao hơn so với những doanh nghiệp có chia cổ tức đều đặn. Do đó, chọn mua loại cổ phiếu có chia cổ tức hay không là tùy thuộc vào sự kỳ vọng khác nhau của từng nhà đầu tư. Nói chung, doanh nghiệp sẽ dựa vào nhu cầu phát triển của mình, ở thời điểm nào thì sẽ có kế hoạch chia cổ tức cho cổ đông nhiều hay ít, không nhất thiết chia nhiều là kinh doanh tốt, còn chia ít là do kinh doanh kém hiệu quả.