DN FDI lên sàn, những vướng mắc pháp lý

DN FDI lên sàn, những vướng mắc pháp lý

(ĐTCK) Sau vụ việc Mekophar phải rời sàn vì "bị" coi là DN có vốn đầu tư nước ngoài. Yêu cầu định nghĩa lại loại hình DN này càng trở nên cấp bách.

Hoạt động niêm yết của các DN FDI được chuyển thành CTCP làm xuất hiện những vướng mắc pháp lý cần được xem xét, sửa đổi. ĐTCK?xin trích giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK?trước thềm cuộc toạ đàm “Khái  niệm về DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)” do Báo Đầu tư phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT tổ chức sáng 30/8 tới.

 

DN FDI lên sàn, những vướng mắc pháp lý ảnh 1

Nên cho phép các DN FDI chuyển đổi không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài

DN FDI niêm yết: tỷ lệ nhỏ…

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7/2012, tổng số dự án FDI tại Việt Nam là 14.007 dự án (với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 206 tỷ USD). Số lượng DN FDI hoạt động theo hình thức CTCP là 198 công ty (với tổng vốn điều lệ khoảng 28.000 tỷ đồng), trong đó có khoảng 20 DN FDI chuyển sang hình thức CTCP theo Nghị định 38/2003/NĐ-CP, còn lại là 178 DN FDI thành lập mới dưới hình thức CTCP theo Luật Doanh nghiệp hoặc chuyển đổi theo Nghị định 101/2006/NĐ-CP quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các DN FDI theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. 

Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam

(Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến tháng 7/2012)

TT

Hình thức đầu tư

Số dự án

Tổng vốn đầu tư đăng ký (USD)

Vốn điều lệ (USD)

1

 100% vốn nước ngoài 

11.062

135.598.266.508

44.971.224.378

2

 Liên doanh          

2.514

54.565.439.834

18.308.462.493

3

Hợp đồng BOT,BT,BTO 

14

5.857.317.913

1.354.797.469

4

 Hợp đồng hợp tác KD 

218

5.469.087.044

4.608.192.519

5

 Công ty cổ phần     

198

4.684.941.134

1.362.302.779

6

 Công ty mẹ con      

1

98.008.000

82,958,000

 

Tổng số

14.007

206.273.060.433

70.687.937.638

 

Tính đến tháng 7/2012, trong số 704 công ty niêm yết tại Sở GDCK TP. HCM (308 công ty) và Sở GDCK Hà Nội (396 công ty), có 9 DN FDI chuyển đổi theo hình thức CTCP niêm yết, với tổng lượng vốn đăng ký là 4.057 tỷ đồng, chiếm 14% lượng vốn của DN FDI hoạt động dưới hình thức CTCP (trong đó có 1 công ty là CTCP Full Power - FPC đã bị hủy niêm yết). Các DN này hiện chỉ niêm yết phần cổ phiếu chào bán ra công chúng và tỷ lệ sở hữu nước ngoài được tính là 49% của tổng số cổ phiếu niêm yết. Tuy nhiên, theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài được tính là 49% tổng số cổ phiếu của công ty đại chúng.

DN FDI niêm yết trên TTCK Việt Nam tính đến 31/8/2012 (nguồn: HOSE, HNX)

 

TT

Doanh nghiệp

Mã CK

Xuất xứ vốn đầu tư

Thời điểm niêm yết

Tổng số CP niêm yết (CP)

Tổng số CP lưu hành

(CP)

1

CTCP Gạch men Chang Yih

CYC

Đài Loan

7/2006

1.990.530

9.046.425

2

CTCP Full Power (đã hủy niêm yết ngày 11/8/2011)

FPC

Đài Loan

7/2006

13.106.292

32.999.991

3

CTCP Mirae

KMR

Hàn Quốc

6/2008

25.330.084

30.881.396

4

CTCP C.nghiệp Gốm sứ Taicera

TCR

Đài Loan

12/2006

8.788.101

38.485.294

5

CTCP Công nghiệp Tung Kuang

TKU

Đài Loan

6/2006

3.281.854

24.380.000

6

CTCP Dây và Cáp điện Taya

TYA

Đài Loan

2/2006

5.578.493

27.892.014

7

CTCP Bourbon Tây Ninh

SBT

Pháp

2/2008

44.824.172

141.252.330

8

CTCP Quốc tế Hoàng Gia

RIC

Đài Loan

7/2007

15.570.714

65.070.000

9

CTCP Thực phẩm Quốc tế

IFS

Malaysia

10/2006

6.875.359

29.140.984

Như vậy, lượng vốn niêm yết của các DN FDI chuyển đổi chỉ chiếm một lượng vốn rất nhỏ so với hàng chục tỷ USD vốn FDI đang hoạt động tại Việt Nam và rõ ràng là tiềm năng của nguồn vốn này còn rất lớn. Nhiều DN FDI chuyển đổi và niêm yết trên TTCK đã phát hành và huy động vốn khá hiệu quả từ các NĐT. Cụ thể, CTCP Full Power phát hành thêm thành công trong năm 2006, 2007 tổng cộng 23.000.000 cổ phiếu, CTCP Quốc tế Hoàng Gia phát hành thêm trong năm 2007 là 5.659.487 cổ phiếu, CTCP Thực phẩm quốc tế phát hành thêm thành công 4.856.832 cổ phiếu.

 

… Đặt ra vấn đề lớn

Hiện nay, thực hiện theo Nghị định 101/2006/NĐ-CP quy định việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi Giấy chứng nhận đầu tư của các DN có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, thủ tục chuyển đổi DN FDI sang CTCP đã đơn giản hơn, các DN FDI chỉ phải đăng ký kinh doanh lại theo Luật Doanh nghiệp và sau đó chuyển sang CTCP. Do đó, DN FDI dễ dàng chuyển sang CTCP và niêm yết trên TTCK.

Thực tế cho thấy, vấn đề sở hữu của NĐT nước ngoài trong DN FDI chuyển đổi thành CTCP theo Quyết định 55 còn nhiều vướng mắc, cụ thể như sau:

- Việc hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài đối với các DN FDI chuyển đổi như các công ty đại chúng nói chung là 49% sẽ khiến cho nhiều DN không được phát hành quyền mua cổ phiếu theo tỷ lệ sở hữu cho các NĐT nước ngoài, vì sau khi chuyển đổi, các NĐT nước ngoài còn giữ tỷ lệ trên 49% tại nhiều DN.

- Trường hợp bắt buộc các DN FDI chuyển đổi phải giữ tỷ lệ sở hữu nước ngoài không quá 49% vừa vi phạm quyền lợi của cổ đông nước ngoài hiện hữu, vừa vô tình khuyến khích việc thoái vốn nước ngoài, trong khi các DN này vẫn được thành lập với 100% vốn nước ngoài trong những ngành nghề không bị hạn chế.

- Có hiện tượng các DN FDI chưa niêm yết xin phép cơ quản lý cấp phép đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban quản lý khu công nghiệp) để bán bớt cổ phiếu của cổ đông nước ngoài (đã hết thời hạn 3 năm hạn chế chuyển nhượng) xuống dưới 49% vốn điều lệ, sau đó làm thủ tục xin niêm yết với các Sở GDCK.

Bên cạnh đó, việc các DN FDI dễ dàng chuyển đổi thành CTCP theo Nghị định 101, từ đó niêm yết trên TTCK dẫn đến một số nguy cơ như:  NĐT nước ngoài có thể lợi dụng việc chuyển đổi để bán bớt cổ phần, chuyển bớt vốn, thậm chí chuyển hoàn toàn vốn ra khỏi Việt Nam; DN FDI chuyển đổi này sẽ thu được một khoản chênh lệch từ sử dụng vốn trong nước với danh nghĩa vốn đầu tư nước ngoài; nhiều DN FDI báo cáo lỗ giả (thực chất là lãi) trên cơ sở chuyển giá vốn, gây thiệt hại cho nền kinh tế nước nhà và thiệt hại cho các cổ đông trong nước...

Giải pháp gỡ khó

Xuất phát từ thực tế trên và để giải quyết những vướng mắc đối với DN FDI chuyển đổi, cơ quan quản lý cần sớm ban hành một số giải pháp.

Thứ nhất, cho phép các DN FDI chuyển đổi không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài. Các DN FDI chuyển đổi chỉ bị khống chế tỷ lệ sở hữu theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc danh mục ngành nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (ví dụ, lĩnh vực ngân hàng cho phép tồn tại ngân hàng 100% vốn nước ngoài, trong khi ngân hàng cổ phần thì sở hữu nước ngoài tối đa là 30% vốn điều lệ).

Việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trong DN FDI chuyển đổi thành CTCP có thể gây đôi chút bất bình đẳng cho DN trong nước cùng ngành nghề (bị hạn chế tỷ lệ 49% theo Quyết định 55/2009/QĐ-TTg), như trường hợp của CTCP Dược phẩm Mekophar. Tuy nhiên, xét về nguồn vốn hình thành cũng như phương thức thành lập DN FDI và DN trong nước cùng ngành nghề là hoàn toàn khác nhau. DN FDI hình thành từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tức là NĐT nước ngoài kiểm soát DN FDI ngay từ khi thành lập, do vậy không có lý do gì để hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài 49% của loại hình DN này khi chuyển đổi sang CTCP. Trong khi DN trong nước cùng ngành nghề hình thành từ nguồn vốn nội địa và hiện chỉ khuyến khích NĐT nước ngoài sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ. 

Thứ hai, xem xét điều chỉnh cơ chế chuyển đổi DN FDI sang CTCP theo hướng có các điều kiện chuyển đổi (như có thời gian hoạt động tại thị trường Việt Nam tối thiểu là 5 năm với vốn điều lệ từ 10 triệu USD trở lên; có chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của 3 năm liền trước năm chuyển đổi từ 5% trở lên và không có lỗ lũy kế; có cam kết bằng văn bản về việc tổng giá trị cổ phần do cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ tối thiểu 30% vốn điều lệ trong vòng 3 năm kể từ khi chuyển đổi hoặc 1 năm kể từ khi niêm yết...) nhằm đảm bảo chất lượng của DN chuyển đổi, bảo đảm cam kết đầu tư vốn ngoại một cách lâu dài, tránh nguy cơ mất cân đối cung cầu trên TTCK, tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định và bền vững.