DN dệt may hạn chế nhập nguyên liệu từ Trung Quốc

DN dệt may hạn chế nhập nguyên liệu từ Trung Quốc

(ĐTCK) Hạn chế nhập khẩu lượng lớn nguyên phụ liệu ngành may từ Trung Quốc là cách để các DN Việt Nam cần làm để ổn định nguồn cung, từ đó ổn định sản xuất, đồng thời đáp ứng điều kiện ưu đãi về thuế khi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Tại buổi tọa đàm "Làm gì để giảm bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc của ngành dệt may Việt Nam?" vừa diễn ra tại TP. HCM, một số DN ngành này đã chia sẻ sự chuẩn bị cho cơ hội này.

Nguyên phụ liệu cho ngành may mặc Việt Nam hiện có tới hơn 50% nhập khẩu từ Trung Quốc, vì lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng và chi phí vận chuyển thấp hơn nhiều nước khác trong khu vực. Trong khi đó, đa phần các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam chưa chuyển đổi sang phương thức mua nguyên liệu - bán thành phẩm (FOB), vì vậy, việc mua hàng phải chịu sự chỉ định của khách hàng. Những DN gia công còn lệ thuộc nhiều hơn, vì không thể chủ động trong phát triển nguồn cung mà hoàn toàn do khách hàng cung cấp.

Tại CTCP Sản xuất Thương mại may Sài Gòn (GMC), ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch GMC cho rằng, nhập nguyên phụ liệu may từ Trung Quốc chỉ có thể giảm dần, chứ không thể “bỏ qua” được. Việc thuyết phục khách hàng mua nguyên phụ liệu từ các nước khác (với mức giá cao hơn), theo ông Hùng, là không dễ nhưng không phải không làm được, nhất là khi chứng minh được ưu điểm ổn định nguồn cung và phù hợp với điều kiện xuất xứ từ TPP.

Cũng theo ông Hùng, nút thắt lớn nhất chính là khâu dệt nhuộm, vì chi phí đầu tư, chi phí vận hành, xử lý nước thải quá lớn. Đầu tư một nhà máy dệt nhuộm cao gấp 10 lần so với đầu tư nhà máy may (chỉ cần 30 - 40 tỷ đồng). Hiện GMC cũng đang có kế hoạch xây dựng nhà máy dệt nhuộm hoàn tất, nhằm đón đầu cơ hội từ TPP.

Còn theo ông Lê Đông Triều, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Gia Định (Giditex), để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu sợi, Giditex đang xây dựng một nhà máy sản xuất sợi quy mô 40.000 cọc, vốn đầu tư 400 tỷ đồng tại KCN Tân Tạo.

Liên quan đến đầu tư lớn hệ thống xử lý nước thải, bà Phan Thị Huệ, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) chia sẻ, Việt Nam nên thành lập những khu công nghiệp (KCN) để kiểm soát chung, các DN chỉ xây dựng hệ thống nước thải ra bồn chứa xử lý, sau đó các KCN sẽ tự xử lý khâu tiếp theo, chứ nếu để DN phải tự làm từ “A tới Z” thì chi phí quá lớn trong khi thu hồi nguồn đầu tư lại chậm. TCM xuất phát là DN dệt nhuộm đã hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín. Đây là lợi thế rất lớn cho TCM nhất là trong việc lựa chọn nguồn cung nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, dù là khép kín, nhưng TCM cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ Indonesia, khoảng 10% đối với những loại vải mà dây chuyền của TCM chưa sản xuất được.

Ông Ngô Kiên Trung, Tổng giám đốc CTCP May Sài Gòn 2 lại cho rằng, hiện bông và sợi hầu như không nhập khẩu từ Trung Quốc, mà chủ yếu nhập vải từ thị trường này. Hàng năm, tỷ lệ nhập khẩu không quá 40% tổng số sử dụng, tức nguyên liệu ngành may không hẳn là phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Các DN Việt Nam hoàn toàn có thể nhập từ các nước trong ASEAN, Đài Loan, nhất là Nhật Bản với chính sách thuế khi xuất khẩu ngược lại các nước này tốt hơn so với việc nhập khẩu nguyên phụ liệu Trung Quốc. May Sài Gòn 2 đã chủ động bằng cách sử dụng nguyên liệu của Việt Nam và tiến tới giảm tỷ lệ nhập khẩu trong các năm tiếp.

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, UBND TP. vừa chấp thuận cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đầu tư Dự án KCN Lê Minh Xuân chuyên sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may. Tổng vốn đầu tư hạ tầng ban đầu trên 100 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thiện trong vòng 3 - 5 năm tới. TP. HCM cũng đã thông qua Bộ Tài chính kiến nghị lên Chính phủ một số chính sách hỗ trợ khác đối với DN dệt may như miễn thuế thu nhập DN 4 năm cho chủ đầu tư KCN sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, thay cho quy định hiện hành là 2 năm và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo (hiện là 4 năm). Ngoài ra, những DN này được miễn tiền thuê đất 20 năm (hiện là 11 năm). Đồng thời, miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước chưa sản xuất được để đầu tư cơ sở hạ tầng KCN.

Theo ông Khoa, đề xuất này có khả năng được chấp thuận, bởi hiện nay, Bộ Tài chính đã thẩm định một dự án tương tự như dự án KCN hỗ trợ ngành dệt may tại TP. HCM.                                    

Tin bài liên quan