Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, năng lực yếu của ngành tái bảo hiểm không chỉ thể hiện ở sự chênh lệch giữa hai con số 4.000 tỷ đồng phí tái bảo hiểm chuyển ra nước ngoài so với 2.000 tỷ đồng phí nhượng tái bảo hiểm trong nước. Hơn thế nữa, con số 4.000 tỷ đồng tái ra nước ngoài có chất lượng cao hơn hẳn, tức là có mức độ rủi ro thấp hơn và tuân theo quy chuẩn và được gọi là "phí sạch". Còn con số phí 2.000 tỷ đồng, mà hầu hết do các công ty bảo hiểm trong nước nhượng tái cho nhau, hàm chứa tỷ lệ rủi ro cao và khó có thể coi là "phí sạch".
Cũng theo ông Lộc, khi nhận tái bảo hiểm các hợp đồng bảo hiểm của Việt
Trong khi đó, các công ty trong nước thường ít tuân theo những quy trình đánh giá rủi ro, nhận về những hợp đồng không qua kiểm duyệt chặt chẽ và do đó, tự họ đẩy mình vào tình thế phải đối mặt với nguy cơ bồi thường tổn thất với tỷ lệ lớn.
Cùng ý kiến nhận định như ông Lộc, lãnh đạo một DN bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cho biết, xuất phát từ việc các công ty bảo hiểm gốc cạnh tranh nhau khốc liệt, đua nhau hạ giá phí để giành giật thị phần, do đó, có một bộ phận hợp đồng bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn để tái ra nước ngoài. Những hợp đồng như vậy lại được các công ty bảo hiểm thu xếp để tái cho nhau để đạt yêu cầu phân tán rủi ro theo quy định ngành. Các công ty khi đó vừa đạt yêu cầu quy định, vừa giữ được quan hệ với nhau. Hơn nữa, các hợp đồng tái bảo hiểm này lại cũng là một kênh giúp tăng doanh thu báo cáo cho các công ty bảo hiểm.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, tình trạng "làm ẩu" nói trên có thể được phản ánh một phần khi nhìn vào báo cáo tài chính của các DN bảo hiểm, so sánh tương quan giữa con số tổng thu phí nhận tái bảo hiểm và con số chi bồi thường nhận tái bảo hiểm. Nếu tỷ lệ bồi thường dao động quanh 30% là có thể chấp nhận được, còn nếu tỷ lệ lên tới 40% là có thể gây lỗ.
Nhìn qua báo cáo của các DN có thể thấy, cả những DN bảo hiểm hàng đầu cũng có tỷ lệ bồi thường trên phí rất cao.
Trong năm 2010, Bảo Minh đã bồi thường gần 43% số phí nhận tái bảo hiểm 170 tỷ đồng, còn PJICo phải bồi thường cho nghiệp vụ này 39% số phí tái bảo hiểm 82 tỷ đồng. Cũng chung tình trạng đó, Công ty Bảo hiểm BIC cũng ghi nhận mức bồi thường 43% cho nghiệp vụ tái bảo hiểm.
"Đại gia" PVI, khả quan hơn các DN trên, với tỷ lệ bồi thường 35% số phí nhận tái bảo hiểm trong năm 2010, nhưng đáng nói là tỷ lệ bồi thường này của PVI đã tăng vọt từ mức 29% năm 2009.
PVI đang là một "hiện tượng" trong ngành tái bảo hiểm khi mà phí nhận tái bảo hiểm của công ty này tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhờ vào những lợi thế riêng trong việc thu xếp cả cung cấp bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các dự án lớn của ngành dầu khí. Năm 2010, Công ty nhận về lượng phí nhượng tái bảo hiểm hơn 300 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2009 và tỷ lệ bồi thường theo đó cũng tăng vọt. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ bồi thường cho nghiệp vụ tái bảo hiểm cũng đã chênh đáng kể, tăng đến 7% so với cùng kỳ năm 2010.
Cuối tháng vừa qua, PVI thông báo tách bộ phận tái bảo hiểm ra thành đơn vị độc lập, PVI Re. Ước tính, năm nay công ty này sẽ ghi nhận số phí nhận tái bảo hiểm tới 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mức bồi thường theo hướng ngày một tăng thì việc chất lượng của dòng phí bảo hiểm này có tăng lên theo cùng số lượng hay không lại là điều phải hoài nghi.
Có một thực tế trong ngành tái bảo hiểm đó là trình độ chuyên môn của chính đội ngũ cán bộ trong ngành này vẫn còn rất yếu. Gần đây, lãnh đạo một công ty tái bảo hiểm khẳng định, có đến 80% số cán bộ của các công ty không hiểu về tái bảo hiểm. Điều đó càng làm trầm trọng thêm cho tình trạng các công ty nhận tái bảo hiểm "ẩu" và dẫn đến hậu quả là công ty bảo hiểm phải chịu những tổn thất lớn.
"Cơ chế tự bảo vệ mình và bảo vệ cho nhau giữa các công ty bảo hiểm vẫn còn rất thấp," vị lãnh đạo một DN bảo hiểm phi nhân thọ nhận xét.