DN bảo hiểm tìm cách tối ưu hóa dòng tiền

DN bảo hiểm tìm cách tối ưu hóa dòng tiền

(ĐTCK-online) ĐHCĐ của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã nhất trí bán khu đất tại TP. HCM với doanh thu dự kiến 125 tỷ đồng (ước lãi 95 tỷ đồng). Khoản doanh thu này giúp Công ty tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2011 gần 120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 89 tỷ đồng, chia cổ tức 15%. Những doanh nghiệp bảo hiểm không có đất để bán nỗ lực tìm cách tối ưu hóa dòng tiền từ kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh ngành nghề kinh doanh cốt lõi.

Với số vốn điều lệ dự kiến tăng từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) sẽ dành một phần không nhỏ để góp vốn thành lập Công ty Đầu tư MIC. Là một pháp nhân độc lập (MIC chỉ góp cổ phần), hoạt động đầu tư của MIC sẽ thông qua công ty đầu tư này và không bị khống chế về tỷ lệ đầu tư ra bên ngoài theo quy định ngặt nghèo của Bộ Tài chính. Mặt khác, thông qua công ty đầu tư, MIC có thể tham gia vào nhiều loại hình đầu tư như bất động sản, chứng khoán… nhằm gia tăng lợi nhuận. Việc đầu tư được chuyên nghiệp hóa sẽ giúp MIC hoạt động kinh doanh bảo hiểm tốt hơn.

Ngoài việc mua trái phiếu, gửi tiền ngân hàng đảm bảo thanh khoản cho dòng tiền, năm 2010, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR) cùng với Vinare Invest đã tham gia một dự án bất động sản với số vốn góp ban đầu là 7,1 tỷ đồng (dự kiến tổng số vốn góp tối đa là 60 tỷ đồng), lợi suất kỳ vọng 30%/năm. Hiện VNR đang xúc tiến nghiên cứu một số dự án khác. Năm 2011, VNR dự kiến "đổ" thêm 73 tỷ đồng vào mảng bất động sản.

Năm 2010, VNR ký kết 2 hợp đồng ủy thác đầu tư với 2 công ty quản lý quỹ, tổng giá trị ủy thác là 60 tỷ đồng, thời hạn 2 năm. Hiện nay, cả 2 quỹ đã giải ngân 100% vào cổ phiếu và trái phiếu, với lợi suất kỳ vọng đối với danh mục này từ 17 - 20%/năm. Năm 2011, VNR sẽ tăng tỷ trọng ủy thác đầu tư từ 60 tỷ đồng (năm 2010) lên 110 tỷ đồng. Riêng đầu tư chứng khoán vẫn giữ nguyên ở mức trên 28 tỷ đồng, do thị trường chưa xuất hiện những cơ hội rõ nét.

Năm 2010, theo đánh giá của CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI), thị trường tài chính có dấu hiệu phục hồi dần, nhưng vẫn biến động bất thường. Do đó, hoạt động đầu tư của PVI được thực hiện với phương châm lấy an toàn làm ưu tiên hàng đầu và tận dụng triệt để các cơ hội của thị trường. Năm 2010, doanh thu hoạt động đầu tư tài chính của PVI đạt 607 tỷ đồng, bằng 124,93% kế hoạch năm, tăng 27,64% so với năm trước.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Vạn Thuận, Tổng giám đốc PVI, công tác đầu tư tài chính chưa phát huy hiệu quả cao (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp). Điều này một phần do PVI hướng tới tính thanh khoản trong hoạt động đầu tư tài chính và do thị trường suy thoái, vốn đầu tư nằm trong các dự án đầu tư của Tập đoàn chưa tạo ra doanh thu, ngoài ra còn do thiếu đội ngũ nhân sự đầu tư tài chính chuyên nghiệp. Năm 2011, PVI đặt mục tiêu tối ưu hóa dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đầu tư vào các lĩnh vực có tỷ suất sinh lợi cao, nhằm đảm bảo tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư ngắn hạn bình quân đạt trên 10%. Tuy nhiên, PVI cũng chỉ đặt kế hoạch doanh thu từ hoạt động tài chính là 485,582 tỷ đồng, bằng gần 80% so với năm 2010.

Kinh doanh bảo hiểm vốn được biết đến với tính ổn định cao và ít có lợi nhuận đột biến. Do đó, để gia tăng lợi nhuận, các doanh nghiệp phải nỗ lực quay vòng đồng tiền huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp nỗ lực tìm cách gia tăng lợi nhuận từ đầu tư tài chính, vẫn có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đi theo hướng thận trọng. Bảo hiểm Bảo Minh định hướng ngay từ đầu năm 2011 là không mở rộng hình thức đầu tư góp vốn, hạn chế đầu tư vào TTCK, mà tập trung gửi tiền vào ngân hàng. Điều này cho thấy, rủi ro trong kinh doanh bảo hiểm ngày càng gia tăng, đòi hỏi tính thanh khoản của các khoản đầu tư phải tốt để có nguồn bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.