Đợt phát hành TPCP kỳ hạn 20 năm là tiền đề mở ra cơ hội phát hành TPCP dài hạn tiếp theo và cũng là cơ hội lớn đối với các DN bảo hiểm nhân thọ trong thời gian tới khi kết quả là có 5.200 tỷ đồng trái phiếu đã được các DN bảo hiểm nhân thọ đăng ký mua với lãi suất 7,75%.
Trong đó, Prudential mua kỷ lục với trị giá 3.200 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ về nhì với việc đăng ký mua 1.500 tỷ đồng trái phiếu. Phần còn lại 500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thuộc về một số DNBH khác.
Trong chia sẻ gần đây với các tập đoàn tài chính - bảo hiểm nước ngoài lớn như Prudential (Anh Quốc), MetLife (Hoa Kỳ)…, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, việc mua trái phiếu dài hạn là cơ hội để doanh nghiệp bảo hiểm có nguồn tài chính vững chắc bảo đảm cho các sản phẩm bảo hiểm dài hạn.
Trao đổi với ĐTCK, các DNBH hy vọng, Chính phủ sớm tạo ra các phẩm trái phiếu hấp dẫn hơn trong tương lai để khối lượng đăng ký mua vượt xa số lượng cần bán. Ông Hoàng Anh Đức, Phó giám đốc Khối quản lý tài chính, Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ đề xuất, Bộ Tài chính tiếp tục phát hành TPCP, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh kỳ hạn dài, có thể lên đến 30 năm.
Lãnh đạo một DNBH lớn khác cho biết, đợt phát hành vừa qua có lãi suất có hấp dẫn hơn chút đỉnh (7,75%/năm) so với lãi suất kỳ hạn trước đây (5 - 10 năm), nhưng vẫn chưa tạo ra điểm nhấn thực sự về lãi suất. “Tôi mong chờ ở một mức lãi suất hấp dẫn hơn trong tương lai nhằm cải thiện hiệu quả đầu tư của khối DNBH nhân thọ cũng như mang lại những quyền lợi tốt hơn cho khách hàng là những chủ hợp đồng bảo hiểm”, ông bộc bạch.
Thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, năm 2014, trong tổng số gần 130.000 tỷ đồng đầu tư trở lại nền kinh tế của khối DNBH thì khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt tổng giá trị đầu tư 103.679 tỷ đồng, trong đó hơn 62% đầu tư vào trái phiếu chính phủ, chiếm 10% tổng lượng trái phiếu chính phủ và 50% lượng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm được phát hành.