Doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm của VNR đạt 134 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ - Ảnh: Đức Thanh

Doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm của VNR đạt 134 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ - Ảnh: Đức Thanh

DN bảo hiểm: Chân ngoài dài hơn chân trong!

(ĐTCK-online) Một số DN bảo hiểm đã công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm. Kết quả cho thấy chưa có nhiều chuyển biến trong cơ cấu lợi nhuận của các DN bảo hiểm: chật vật trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chủ yếu vẫn dựa vào hoạt động đầu tư tài chính.

Tăng trưởng cao

Trong buổi tiếp xúc NĐT trước khi thực hiện IPO mới đây, đại diện Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) cho biết, trong 36,298 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2010, đóng góp từ đầu tư tài chính là 27,046 tỷ đồng, chiếm 74,5%. Tổng doanh thu toàn Công ty 6 tháng đạt 346,146 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, doanh thu phí bảo hiểm đạt 238,512 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2009.

Nguồn doanh thu từ đầu tư tài chính của BIC đến chủ yếu từ hoạt động tiền gửi, đầu tư trái phiếu, cổ phiếu (mua chứng khoán và góp vốn thành lập công ty liên kết). Với phương châm đầu tư tài chính theo tỷ lệ 4 - 3 - 3 (40% cho tiền gửi, 30% cho trái phiếu, 30% cho cổ phiếu), BIC đặt mục tiêu hoạt động tài chính hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản cao nhất để có nguồn bồi thường nếu rủi ro xảy ra.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Giám đốc BIC cho biết, hoạt động tài chính sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn cho BIC trong năm nay, khi một số khoản góp vốn đầu tư bắt đầu sinh lợi, như việc hùn vốn thành lập Công ty Tài chính Vietel - Vinaconex, Liên doanh bảo hiểm Việt - Lào…

Lũy kế 6 tháng, CTCP Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare) đạt tổng thu phí nhận tái bảo hiểm 633,6 tỷ đồng, tăng 78 tỷ đồng (14%) so với cùng kỳ và bằng 56,6% so với kế hoạch năm là 1.120 tỷ đồng. Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 282,3 tỷ đồng, tăng 13,8%. Tuy vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại giảm từ 8,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống 2,7 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính của VNR đạt 134 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ và bằng 57% so với kế hoạch năm là 235 tỷ đồng. Lợi nhuận hoạt động tài chính đạt 126,8 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 135,1 tỷ đồng, tăng 15,5% so với nửa đầu năm 2009 và bằng 55,1% so với kế hoạch năm là 245 tỷ đồng.

Một số DN bảo hiểm khác đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng, trong đó tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc khá ấn tượng. Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng lên tương ứng. Qua 6 tháng đầu năm 2010, PVI đạt tổng doanh thu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận 195 tỷ đồng, tăng trưởng 47,7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động bảo hiểm gốc với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng, hoạt động tái bảo hiểm đạt doanh thu gần 200 tỷ đồng, tăng trưởng gần 32% so với cùng kỳ năm 2009 (trong đó hoạt động nhận tái bảo hiểm đạt 126 tỷ đồng, tăng 82%). Hoạt động đầu tư tài chính của PVI đạt 270 tỷ đồng doanh thu, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2009. Tại Tổng CTCP Bảo Minh, doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.150 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch, tăng 16,2% so với cùng kỳ; doanh thu từ hoạt động tài chính đạt 150 tỷ đồng, bằng 55,5% kế hoạch, tăng 11,8% so với cùng kỳ.  Một điều đáng mừng với Bảo Minh là trong 6 tháng qua, bồi thường có xu hướng giảm ở tất cả các nghiệp vụ. Tổng số tiền bồi thường là 397 tỷ đồng, chiếm 34,5% doanh thu (cùng kỳ năm trước là 49,3%). 

 

Làm gì để tránh lỗ nghiệp vụ chính?

Do không phải trả chi phí lãi cho các khoản phí bảo hiểm, các DN bảo hiểm sử dụng nguồn này cho hoạt động đầu tư tài chính. Vì thế, hoạt động này mang lại lợi nhuận chính cho các DN bảo hiểm chứ không phải ngành hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Để có nguồn cho hoạt động tài chính, nhiều DN đứng trước sức ép phải tăng doanh thu. Trong khi đó, việc tăng doanh thu nhiều khi đồng nghĩa với hạ phí, mở rộng điều kiện bảo hiểm, chấp nhận nghiệp vụ bảo hiểm có rủi ro cao. Như vậy, nếu so sánh đầu tư tài chính và kinh doanh bảo hiểm là hai vế mang lại lợi nhuận cho DN, thì có vẻ các DN đang bị lệch về một bên.

Năm 2010, nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ đã thay đổi nhận thức khi đề ra mục tiêu không còn thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, đồng nghĩa với tăng trưởng đi đôi với hiệu quả. Như vậy, tăng trưởng đảm bảo về chất lượng, chứ không chạy theo những con số. Có nhiều nguyên nhân khiến các DN bảo hiểm lỗ nghiệp vụ chính: chạy theo doanh thu, tăng trưởng nóng bằng việc mở chi nhánh, hạ phí chiếm lĩnh thị trường, mở rộng điều kiện bảo hiểm... Những nguyên nhân này dồn tích trong nhiều năm nên các DN không dễ gì giải quyết trong thời gian ngắn. Việc đặt mục tiêu không lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là mục tiêu phù hợp với nhiều DN bảo hiểm.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, các DN không thể cấp đơn, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, ký kết hợp đồng bảo hiểm khi không xác định được rủi ro, quản lý được rủi ro bảo hiểm tương xứng với mức phí. Doanh nghiệp nên phân loại chất lượng tăng trưởng của từng chi nhánh, công ty thành viên, có giải pháp và lộ trình cho những đơn vị lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm vươn lên trong 1 đến 3 năm tới, mạnh dạn thu hẹp phạm vi hoạt động của những đơn vị không có giải pháp và lộ trình khắc phục.