DMC: Dung dịch khoan vẫn là lĩnh vực cốt lõi

DMC: Dung dịch khoan vẫn là lĩnh vực cốt lõi

(ĐTCK) DMC sẽ đẩy mạnh nghiên cứu nhằm gia tăng tỷ trọng nội địa sản phẩm dung dịch khoan và cung cấp dịch vụ khoan ra nước ngoài.

>> Báo cáo thường niên tốt nhất 2013

 

Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), được thành lập ngày 8/3/1990, Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm Dầu khí (DMC) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực: cung cấp các loại hình dịch vụ hóa kỹ thuật (bao gồm dịch vụ dung dịch khoan, chống ăn mòn, làm sạch và xử lý môi trường); sản xuất và kinh doanh các sản phẩm hóa chất, hóa phẩm phục vụ ngành dầu khí và các ngành công nghiệp khác.

DMC: Dung dịch khoan vẫn là lĩnh vực cốt lõi  ảnh 1Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Bí thư Đảng  ủy, Chủ tịch HĐQT DMC (thứ tư từ trái qua phải) đại diện Tổng công ty lên nhận danh hiệu tại Lễ công bố và trao chứng nhận “50 Doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam"  do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư phối hợp với CTCK Thiên Việt bình chọn

Năm 2005, DMC là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của PVN thực hiện thành công cổ phần hóa. Tháng 11/2007, cổ phiếu của DMC (mã PVC) chính thức niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội và nhanh chóng trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn trên thị trường, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chọn được lối đi đúng đắn, tập trung vào các ngành nghề cốt lõi và tổ chức sản xuất - kinh doanh hợp lý là những bí quyết giúp DMC hoàn thành tốt các chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, năm 2012, DMC đã lọt vào Top 5 đơn vị hoàn thành sớm nhất các chỉ tiêu kế hoạch của PVN với doanh thu 3.757 tỷ đồng, đạt 125% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 376,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 271,6 tỷ đồng, đạt 180% kế hoạch năm; nộp ngân sách 290 tỷ đồng.

Được sự quan tâm và đầu tư phát triển đúng hướng của Tổng công ty, lĩnh vực cung cấp dịch vụ do Công ty TNHH MTV Dung dịch khoan và dịch vụ giếng khoan (DMC-WS) và Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam đã chiếm lĩnh 100% thị trường cung cấp dịch vụ dung dịch khoan trong nước và đóng góp chủ yếu cho doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty. Trong thời gian tới, DMC sẽ tích cực đẩy mạnh và mở rộng khả năng cung cấp dịch vụ này ra thị trường nước ngoài.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển mảng dịch vụ thế mạnh, DMC phát triển thêm các  dịch vụ làm sạch và xử lý môi trường. Đây là hai mảng dịch vụ mới, có tiềm năng phát triển, do Chi nhánh DMC Hà Nội (DMC-HN) thực hiện. Năm 2012, DMC-HN bắt đầu đưa hệ thống thiết bị làm sạch đồng bộ hiện đại vào phục vụ công tác làm sạch. Hiện DMC-HN sử dụng hệ thống này để thực hiện gói thầu làm sạch bể chứa dầu thô TK - 6001A cho Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đối với dịch vụ xử lý môi trường, tuy lực lượng cán bộ mỏng, nhưng Tổng công ty đã thực hiện nhiều hợp đồng quan trắc môi trường cho các dự án nhiệt điện của ngành. Ngoài ra, DMC-HN còn thực hiện thành công một số hợp đồng với Công ty Supe Phốt phát Lâm Thao và trạm xử lý nước thải KCN Yên Phong - Bắc Ninh. Đây là những hợp đồng dịch vụ ngoài ngành đầu tiên đánh dấu bước đi mạnh dạn của DMC trong lĩnh vực này.

Đối với hoạt động kinh doanh, DMC đang tập trung xây dựng hệ thống kinh doanh, phân phối hóa chất và hóa phẩm đạt chuẩn quốc tế theo mô hình quản lý chuỗi, đáp ứng các yêu cầu đặc thù về an toàn - sức khỏe - môi trường, đảm bảo khả năng cung cấp hóa chất cho toàn bộ các hoạt động dầu khí: khoan, khai thác, lọc dầu, hóa dầu, điện, đạm, nhiên liệu sinh học và các dự án phụ trợ khác của ngành. Năm 2012, mặc dù DMC chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, song lĩnh vực kinh doanh này vẫn mang về 1.300 tỷ đồng doanh thu, chiếm 47,6% tổng doanh thu hợp nhất của DMC.

Trong sản xuất, DMC đang tập trung phát triển về công nghệ, chủng loại, chất lượng và mở rộng thị trường của các sản phẩm truyền thống như Barite, Bentonite, Xi măng G, Silica fluor, CaCO3…; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất ổn định các sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao như Super Lub, Biosafe, PPD, Demul, Corosion Inhibitor, các hóa phẩm đặc thù cho dung dịch khoan... và tìm cơ hội đầu tư sản xuất các sản phẩm hóa dầu khác như LAB, Resin.

Bước vững vàng bằng nhiều mảng hoạt động chủ lực như vậy, nên năm 2013, dù nhận định rằng môi trường kinh doanh sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2012, DMC vẫn đặt mục tiêu phấn đấu nghiên cứu, phát triển thêm 3 - 5 sản phẩm; sản lượng sản xuất đạt 89.500 tấn; tổng doanh thu 3.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 199 tỷ đồng.

Theo Tổng giám đốc Tôn Anh Thi, dung dịch khoan vẫn là lĩnh vực hoạt động cốt lõi của DMC trong năm 2013. DMC sẽ đẩy mạnh nghiên cứu nhằm gia tăng tỷ trọng nội địa sản phẩm dung dịch khoan và cung cấp dịch vụ khoan ra nước ngoài. Bên cạnh việc phục vụ ngành dầu khí, Tổng công ty sẽ mở rộng khả năng cung cấp hóa chất cho các lĩnh vực ngoài ngành (điện, thủy sản, dệt, nhuộm…).

Vượt qua hơn 600 BCTN trên 2 sàn, BCTN 2012 của DMC là một trong những BCTN xuất sắc của Cuộc bình chọn BCTN. Ban giám khảo đánh giá, thông tin về hoạt động của Tổng công ty được trình bày tương đối đầy đủ, cụ thể và minh bạch. Đây chính là công cụ thu hút vốn hiệu quả của DMC với các nhà đầu tư trên thị trường. Tiềm năng cổ phiếu PVC được đánh giá cao, nhất là khả năng tăng trưởng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) do các mỏ mới được đưa vào khai thác, cùng như sự nhạy bén, linh hoạt trong điều hành của Ban lãnh đạo Công ty.