Giao dịch đột biến, thu hút dòng tiền
Trong quý I, NĐT nắm giữ cổ phiếu MHC, DRH, DLG, IDI… đã có được mức sinh lợi 100% trở lên. Trong đó, vị trí dẫn đầu thuộc về DLG, mã này đã tăng từ 5.000 đồng/CP lên 10.100 đồng/CP vào ngày 8/4/2014, tức tăng 110%, với khối lượng giao dịch bình quân hơn 2 triệu đơn vị/phiên. Sự bứt phá về giá và khối lượng khiến DLG trở thành một trong những cổ phiếu “nóng”. Phiên giao dịch 10/4, giá cổ phiếu DLG điều chỉnh giảm, nhưng nhìn cả quá trình, giới chuyên gia kỹ thuật nhận định, biểu đồ tăng giá của DLG đang hình thành nên mô hình “Rounding Bottom”, tức là tạo đáy vòng cung và đi lên, do đó kỳ vọng tăng giá vẫn còn rất lớn.
Nguyên nhân của những kỳ vọng là gì?
Việc cổ phiếu DLG tăng giá là do thu hút được dòng tiền nóng trên thị trường. Dòng tiền này liên tục luân chuyển giữa các mã, tạo thành những “sóng tăng” của nhiều cổ phiếu, trong đó có DLG.
Nhìn vào nội tại doanh nghiệp, có thể thấy, hoạt động kinh doanh của DLG đang từng bước hiệu quả hơn. Trong 3 năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Công ty gặp nhiều khó khăn khi kinh tế suy thoái và sức cầu đi xuống, tuy nhiên, doanh thu và lợi nhuận của Công ty có chuyển biến khá tích cực. Năm 2013, việc bán một phần Đức Long Tower cho BIDV, mang về hơn 87 tỷ đồng doanh thu. Năm 2013, DLG đạt 801 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Dù vậy, DLG chỉ đạt 1,85 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 30% so với 2012, chỉ bằng 7% so với năm 2011 và thấp xa so với kế hoạch 50 tỷ đồng lãi trước thuế mà DLG đặt ra cho năm 2013.
Đại diện DLG cho biết, trong mảng xây dựng công trình giao thông, năm 2014, DLG tập trung vào Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Pleiku - Cầu 110, tỉnh Gia Lai. Dự án có tổng đầu tư gần 1.700 tỷ đồng, trong đó BIDV tài trợ 85%, phần còn lại là nguồn vốn tự có của DLG. Dự án được khởi công vào tháng 6/2013 và dự kiến thông tuyến và thu phí vào quý I/2015. Với 5 trạm thu phí, Dự án được ước tính thu về ít nhất 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, Công ty cũng tiếp tục triển khai Dự án BOT Đăknong, với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng, trong đó, Vietinbank tài trợ 997 tỷ đồng. Dự kiến đầu 2015, Dự án sẽ có doanh thu. Năm đầu, doanh thu dự kiến đạt 500 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ đồng.
Đối với mảng khai thác khoáng sản, DLG được phép khai thác và chế biến quặng sắt, chì, kẽm có trữ lượng và hàm lượng lớn nhất Miền Trung và Tây Nguyên. Hiện tại, DLG đang thi công hoàn thiện nhà máy khai thác tuyển quặng chì kẽm tại Chư Mố, dự kiến vận hành vào quý II/2014. Trong giai đoạn 1, nhà máy sẽ vận hành công suất 350 tấn quặng/ngày, trong đó khoảng 10 - 15% tinh quặng với hợp đồng bán tại mỏ cho đối tác Trung Quốc. Dự kiến, mỏ sẽ mang về doanh thu khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Về lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến cao su, trong giai đoạn 2008 - 2012, DLG đã tổ chức khai hoang, trồng và chăm sóc hơn 9.000 héc-ta cao su. Theo kế hoạch năm 2014, DLG sẽ đưa vào khai thác 1.000 héc-ta vườn cao su tại Chư puh và Chư Sê, doanh thu dự kiến khoảng 50 tỷ đồng.
Bên cạnh những mảng kinh doanh trọng điểm, DLG đang đẩy mạnh đầu tư và khai thác các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Gia Lai, Kontum, Lâm Đồng. Năm 2014, DLG triển khai 2 dự án thủy điện tại Gia Lai và Kontum, tổng công suất khoảng 30 MW, điện lượng mỗi năm 120 triệu KWh. Khi đi vào hoạt động, doanh thu khoảng 120 tỷ đồng/năm, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2016. Trước những mảng kinh doanh tiềm năng trên, năm 2014, DLG ước tính doanh thu khoảng 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ kinh doanh gỗ, khoáng sản và mảng xây lắp, xây dựng cầu đường.