DLG, giá giảm vì tin đồn “dìm giá”?

DLG, giá giảm vì tin đồn “dìm giá”?

(ĐTCK) Tuần qua, giá cổ phiếu DLG của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai lao dốc, cả 5 phiên đều sụt giảm, trong đó có 2 phiên bị NĐT bán tháo, đóng cửa tại mức giá sàn. Trên thị trường xuất hiện tin đồn “lãnh đạo DLG bị thanh tra”.

Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu DLG có nhiều đợt tăng giảm liên tục, với khối lượng giao dịch bình quân hơn 3 triệu đơn vị/phiên. Do đó, cổ phiếu này thường nằm trong danh mục ưa thích của các NĐT “lướt sóng”.

Chẳng hạn, giá cổ phiếu DLG tăng từ 10.400 đồng/cổ phiếu ngày 5/1 lên 12.100 đồng/cổ phiếu ngày 26/1, sau đó giảm trở lại 10.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 4/2.

Đây là giai đoạn mà DLG công bố thông tin về việc phát hành 20,4 triệu cổ phiếu hoán đổi với Công ty Mass Noble, đồng thời hoàn thành việc phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi và trước đó là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.

Hay giai đoạn 18/5 - 11/6, cổ phiếu DLG từ mức giá 7.300 đồng/cổ phiếu tăng lên 9.900 đồng/cổ phiếu. Thông tin duy nhất trong giai đoạn này là lợi nhuận quý I/2015 của DLG đạt hơn 24 tỷ đồng, tăng 40% so với quý I/2014.

Tuần qua, bên cạnh tin đồn lãnh đạo DLG bị thanh tra, thì nguyên nhân khiến cổ phiếu DLG lao dốc có thể là do Quỹ PYN Fund Elite bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận.

Giai đoạn cuối tháng 9 đến đầu tháng 11, cổ phiếu DLG tăng từ 6.500 đồng/cổ phiếu lên 9.200 đồng/cổ phiếu. Trong giai đoạn này, DLG có thông tin hỗ trợ là kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm khả quan với doanh thu 745 tỷ đồng, tăng 82%; lợi nhuận gần 52 tỷ đồng, tăng hơn 124% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, ngày 13/10, Quỹ PYN Fund Elite công bố trở thành cổ đông lớn của DLG khi mua vào 3,34 triệu cổ phiếu DLG, nâng số lượng nắm giữ lên 9,55 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ sở hữu 5,65%. Theo công bố thông tin của DLG, giao dịch của Quỹ PYN Fund Elite đã được thực hiện vào ngày 9/10. Trên sàn, giá cổ phiếu DLG trong phiên này đóng cửa tại 7.400 đồng/cổ phiếu.

Theo một số chuyên gia phân tích, PYN Fund Elite là quỹ đầu tư mạo hiểm, có tính “lướt sóng” cao, chuyên đầu tư những cổ phiếu thị giá thấp. Đặc điểm chung của những cổ phiếu mà quỹ này đầu tư là diễn biến giá cổ phiếu lên rất nhanh, sau đó rơi mạnh không kém.

Sau khi trở thành cổ đông lớn của DLG vào ngày 13/10, cho đến ngày 23/11, Quỹ PYN Fund Elite mua thêm 4 triệu cổ phiếu DLG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 8,01%. Tuần qua, bên cạnh tin đồn lãnh đạo DLG bị thanh tra, thì nguyên nhân khiến cổ phiếu DLG lao dốc có thể là do Quỹ PYN Fund Elite bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận.

DLG, giá giảm vì tin đồn “dìm giá”? ảnh 1

“Theo quy định, giao dịch của cổ đông lớn phải được công bố trong vòng 7 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi tỷ lệ sở hữu vượt quá các ngưỡng 1% số lượng cổ phiếu nắm giữ. Để biết Quỹ PYN Fund Elite có thoái vốn tại DLG hay không, cần theo dõi thông tin Quỹ sẽ công bố trong tuần này”, chuyên gia phân tích tại một CTCK nói. Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, cần theo dõi công bố thông tin của DLG liên quan đến tin đồn. Nếu đó là tin đồn thất thiệt, thì giá cổ phiếu DLG giảm là cơ hội để xem xét đầu tư.

Vị chuyên gia trên cho biết, trong năm 2014, DLG được phép phát hành hơn 79,5 triệu cổ phiếu ra công chúng nhằm huy động vốn cho các dự án như trồng bắp, cao su, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khai thác và chế biến chì, kẽm và một số dự án khác. Trong đó, chào bán 69.744.898 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong đợt chào bán này, chỉ có 20,6 triệu cổ phiếu được bán thành công, hơn 49 triệu cổ phần còn lại được DLG phân phối cho 15 cá nhân.

Thực tế, từ năm 2014 đến nay, có nhiều doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn, chủ yếu là phát hành cho cổ đông hiện hữu, nhưng không ít đợt phát hành lần 1 không thành công và lần 2 là phát hành cho các cá nhân/tổ chức khác. Trong bối cảnh thị giá cổ phiếu dao động quanh mệnh giá, cổ đông không mặn mà thực hiện quyền mua, vì “canh” mua trên sàn rẻ hơn.

Liên quan đến việc hoán đổi cổ phần của DLG với Công ty Mass Noble, vị chuyên gia trên cho rằng, chỉ với những thông tin cung cấp từ phía doanh nghiệp, NĐT khó có thể đánh giá được hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp được sáp nhập.

Ngược lại, nếu Công ty hoạt động không hiệu quả, thì phần hoán đổi khi được giao dịch trên sàn có khả năng cao là sẽ bị bán ra. Ngoài ra, ngày 10/4, DLG đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (chiếm gần 30% vốn điều lệ) cho CTCP Quản lý quỹ Thăng Long, với thời hạn chuyển đổi sau 2 năm, giá chuyển đổi không thấp hơn 12.000 đồng/CP. Các yếu tố trên đã gây áp lực pha loãng cổ phiếu doanh nghiệp trong tương lai.

Theo đó, ngoại trừ những NĐT lướt sóng chuyên nghiệp, thì những NĐT còn lại, yếu thế hơn về mặt thông tin nên chờ đợi thêm kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời xem xét kỹ cơ cấu doanh thu, lợi nhuận có đến chủ yếu từ hoạt động kinh doanh chính. Từ đó, đề ra chiến thuật nắm giữ cổ phiếu trong khoảng thời gian bao lâu là hợp lý.

Liên quan đến tin đồn về DLG nêu trên, chiều 12/12, ĐTCK đã liên hệ với đại diện DLG. Vị đại diện này khẳng định: “Không có chuyện lãnh đạo Công ty bị thanh tra như tin đồn. Giá cổ phiếu DLG giảm là do cung cầu thị trường”.

Tin bài liên quan