Không phải là nhân viên đánh máy
Theo Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), thư ký công ty hiện đại không còn “chỉ là người phục vụ” như thường được thể hiện trong mô tả công việc và các văn bản pháp luật trước đây, mà được kỳ vọng là người cung cấp hướng dẫn chuyên môn cho cổ đông, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành, cũng như các bên có quyền lợi liên quan khác về khía cạnh quản trị của các quyết định chiến lược.
Quan trọng là vậy, nhưng theo ông Đàm Văn Tuấn, Thành viên HĐQT Ngân hàng ACB, hiện các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng vai trò của thư ký công ty, cho dù Luật Doanh nghiệp, Nghị định 71/2017 hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng đã quy định về chức danh này.
Hội thảo “Vai trò của thư ký công ty trong định hình thành công của tương lai” do VIOD tổ chức cuối tuần qua, với hỗ trợ của IFC, Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Sở GDCK TP. HCM (HOSE).
“Thư ký công ty làm gì? Không phải họ làm các công việc như đánh máy và in các biểu mẫu, ghi biên bản các cuộc họp của HĐQT hay xem Chủ tịch HĐQT công ty muốn gì thì làm theo… Họ làm nhiều hơn thế và vai trò quan trọng hơn nhiều. Đó là họ phải đảm bảo tính tuân thủ trong hoạt động của công ty thông qua tư vấn cho HĐQT những kế sách cụ thể.
Đồng thời, họ phải nắm bắt sâu sắc các thay đổi của các quy định pháp lý, quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động, rồi thông báo cho HĐQT, tổ chức đào tạo để các nhân sự trong công ty nắm bắt và triển khai. Thư ký công ty còn đảm bảo phát hiện, đưa ra các cảnh báo, cũng như công khai các nội dung liên quan đến xung đột lợi ích tại công ty…”, GS-TS. Tan Wee Liang, Trường Kinh doanh Lee Kong Chian, Đại học Quản lý Singapore (SMU), Chủ tịch mạng lưới Thư ký Công ty Asean (ACSN) chia sẻ.
Kinh nghiệm ở Singapore cho thấy, thư ký công ty đóng vai trò quan trọng khi họ đảm đương một số nhiệm vụ: Đóng vai trò như một cố vấn mọi mặt cho HĐQT; tư vấn cho công ty tuân thủ các quy định về quản trị; như một chuyên gia truyền thông kết nối thông tin giữa HĐQT với các bộ phận khác trong doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các tổ chức và cá nhân bên ngoài…
“Trái tim” của hoạt động quản trị
Ý kiến từ chuyên gia cho rằng, để không tụt hậu về chất lượng quản trị, nhất là trong đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài, cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp Việt cần nhận thức và áp dụng thực chất vị trí thư ký công ty, thay vì hoạt động mang tính hình thức như hiện tại.
Câu hỏi đặt ra là có một hình mẫu chung cho nhân sự đảm đương vị trí thư ký công ty cho các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam không? Từ thực tiễn hoạt động của một tổ chức niêm yết, ông Đàm Văn Tuấn cho rằng, bên cạnh vai trò chung theo thông lệ quốc tế, chức năng, nhiệm vụ của thư ký công ty nên có sự linh hoạt ở các doanh nghiệp có quy mô, tính chất hoạt động khác nhau.
"Để thư ký công ty đảm đương tốt nhiệm vụ, doanh nghiệp có thể tham khảo tiêu chí về chức danh này theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã đưa ra như hiểu luật, có phong thái và kỹ năng giao tiếp tốt, có khả năng làm trung gian để tạo sự đồng thuận giữa các bộ phận trong công ty...", ông Tuấn nói.
Ở góc độ nhà quản lý, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, nếu chỉ trông chờ doanh nghiệp thay đổi cách nhìn về vai trò của thư ký công ty thì sẽ khiến cho chức danh này chậm được nâng tầm. Bởi vậy, cần sự vào cuộc của nhà quản lý để tạo sức ép thúc đẩy các doanh nghiệp đảm bảo tính thực chất, hiệu quả của nhân sự thư ký công ty.
“Ở Singapore, nhà quản lý đưa ra các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi bổ nhiệm thư ký công ty. Theo đó, nhân sự này phải có chuyên môn về luật, kế toán... Ngoài ra, họ cần có nhiều kỹ năng như khả năng ngoại giao, quản lý thời gian tốt, kỹ năng làm việc theo nhóm tốt. Họ là những người làm việc có lương tâm, trách nhiệm, vì lợi ích của doanh nghiệp…”, ông Tan Wee Liang chia sẻ.