Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Lux Group.

Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Lux Group.

Định vị thương hiệu du lịch quốc gia là “điểm đến di sản”

0:00 / 0:00
0:00
Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành Lux Group nhấn mạnh, di sản là “mỏ kim cương” đáng để Việt Nam nâng tầm, lan tỏa, tôn vinh, định vị thương hiệu du lịch quốc gia.

Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển du lịch, nhưng có vẻ, điều này lại khiến cơ quan chức năng khó khăn khi chọn điểm mạnh nhất để định vị thương hiệu du lịch quốc gia. Theo ông, Việt Nam nên định vị thương hiệu du lịch quốc gia như thế nào?

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch so với các nước trong khu vực. Đặc biệt nổi trội phải kể đến 4 loại tài nguyên: thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người. Tuy nhiên, những tiềm năng, tài nguyên đó chưa được phát huy xứng tầm.

Lâu nay, chúng ta loay hoay trong việc chọn điểm mạnh nhất để xây dựng sản phẩm, xúc tiến, quảng bá và vẫn chưa dũng cảm chọn ra được tiềm năng mạnh nhất để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, tình yêu du lịch và sự hiểu biết về đất nước mình, theo tôi, Việt Nam nên định vị thương hiệu quốc gia là “điểm đến di sản”.

Lý do là, ở Việt Nam, vùng miền, địa phương nào cũng có di sản vật thể hoặc phi vật thể. Di sản là “mỏ kim cương” đáng để nâng tầm, lan tỏa, tôn vinh và thể hiện trách nhiệm với di sản của đất nước. Từ du lịch di sản, có thể dễ dàng kết nối, khai thác các loại hình du lịch golf, nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe; đăng cai các sự kiện lớn như đua xe công thức 1, đạp xe, marathon…

Nếu chọn di sản để xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, chúng ta cần làm gì?

Theo tôi, cần dồn lực làm nổi “mỏ kim cương” di sản lên tầm cao mới. Chọn di sản để xây dựng thành thương hiệu du lịch quốc gia, nhưng phải sáng tạo, không “ăn mày di sản” hay “ăn mày dĩ vãng”, phải làm tăng giá trị di sản, chứ không phải tàn phá di sản. Phải làm sao để khách du lịch khắp nơi trên thế giới được chiêm ngưỡng di sản, thưởng thức giá trị vốn có.

Du lịch di sản đến nay vẫn còn khá nhiều vấn đề bất cập. Đơn cử, di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) thông nhau, nhưng bao nhiêu năm nay, với 1 chuyến tàu, khách chỉ tham quan được một vịnh. Muốn tham quan vịnh kia, phải đi một chuyến tàu khác, bến khác, tuyến khác.

Đến giờ, tôi vẫn không hiểu, sao lại có cảnh “ngăn sông cấm chợ” này? Nếu các địa phương liên kết, cùng khai thác, thống nhất tiêu chí, quy chuẩn, thì sẽ tạo ra được các sản phẩm đa dạng, hấp dẫn. Việc này có thể làm ngay, chỉ cần vài chữ ký.

Để thương hiệu du lịch quốc gia được lan tỏa rộng khắp, theo ông, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cần tập trung vào những nội dung gì?

Ngoài tập trung xây dựng sản phẩm du lịch di sản - văn hóa, việc quảng bá thương hiệu quốc gia cũng vô cùng quan trọng. Mỗi địa phương phải tìm ra được sự độc đáo của mình để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách.

Ví dụ, khách du lịch có thể đến Hà Nội để thưởng thức những món ngon giữa 36 phố phường, đi làng cổ Đường Lâm nghe câu chuyện xứ Đoài mây trắng; đến Hội An, bên bờ sông Hoài để ngắm nhìn những căn nhà cổ nở đầy hoa giấy, nghe điệu bài chòi và nhớ về thương cảng xưa sầm uất…

Chúng ta có thể xây dựng những sản phẩm du lịch triệu USD. Nhưng muốn thương hiệu đó được nhiều người biết đến, ghi sâu vào tâm trí của khách, việc quảng bá, xúc tiến vô cùng quan trọng.

Người làm du lịch phải có nghệ thuật bán hàng tốt, hướng dẫn viên phải hiểu về điểm đến và có cách truyền tải hấp dẫn. Thái Lan làm rất tốt điều này.

Chẳng hạn, trong chiến dịch Discover Thainess, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tổ chức cuộc thi “One and Only” (một lần và duy nhất) nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mang đậm chất Thái và chỉ có ở Thái Lan.

Tham gia cuộc thi, du khách sẽ được khám phá Thái Lan qua bộ môn Muay Thái, điệu nhảy truyền thống, ẩm thực Thái Lan, làm vòng hoa kiểu Thái và nói tiếng Thái... Trước đó, TAT cũng đã rất thành công với chiến dịch “Tôi ghét Thái Lan” (I hate Thailand), một chiến dịch quảng bá du lịch Thái Lan cực kỳ ấn tượng.

Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2020. Đây là một lợi thế của đất nước ta. Nếu thực sự coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phải có sự lựa chọn mang tính chiến lược, phải có tầm nhìn và hành động cụ thể. Việc lựa chọn số lượng hay chất lượng là rất khó khăn, nhưng phải chọn. Việt Nam muốn trở thành một điểm đến du lịch sang trọng, có giá trị, bền vững, hay điểm đến đại trà, phát triển nóng, giá rẻ?… Điều này do chính chúng ta quyết định.

Cần phải nói thêm, để quảng bá du lịch rộng khắp và hiệu quả, chuyển đổi số là tất yếu và cần thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là trong bối cảnh “cơn cuồng phong” Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tin bài liên quan